Gia đình xã hội
Xuân bình yên ở xứ đạo Nghi Phương
07:58, 02/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nghi Phương những ngày cuối năm, một khung cảnh bình yên trải rộng. Trên những cánh đồng, bà con nông dân đang hối hả làm vụ Đông, các em thơ với khăn quàng đỏ trên vai ríu rít trên các nẻo đường đến trường, tiếng chuông nhà thờ ngân nga vào mỗi buổi chiều. Chính quyền đang tất bật ngày cuối năm, chuẩn bị cho người dân trên địa bàn hưởng một cái Tết ấm áp, yên bình và ấm no, hạnh phúc.
Khi nỗi đau lắng lại
Toàn xã Nghi Phương có tất cả 16 xóm. Bao đời nay, tất thảy người dân nơi đây luôn sống chan hòa, đoàn kết, chí thú làm ăn, phát triển kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, 54% dân số trong xã là giáo dân với 914 hộ, 4.181 khẩu luôn tâm niệm “sống tốt đời, đẹp đạo”, “Kính Chúa, yêu Nước” theo đúng đường hướng của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Bà con lương dân cũng đồng thời là người hàng xóm thân thiết của những giáo dân. Trong không gian văn hóa làng xã, mọi giá trị cuộc sống luôn được vun đắp và phát triển hài hòa. Để xảy ra chuyện đáng tiếc hồi giữa năm đã làm nhiều bà con lương, giáo buồn lòng vì đã làm tổn thương đến tình làng, nghĩa xóm vốn tốt đẹp của người dân gắn bó khăng khít bao đời nơi đây.
Một ngày đầu tháng 12/2013, chúng tôi về xã Nghi Phương, gặp lại anh Đậu Văn Sơn - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nghi Phương xót xa khi nhắc lại những chuyện đã xảy ra với bản thân, gia đình mình cũng như với nhân dân xã Nghi Phương. Bao đời nay, anh sống chan hòa với mọi người xung quanh, ngoài công việc của một Chỉ huy trưởng Quân sự, anh còn bốc thuốc cứu người và cảm nhận của anh về những người hàng xóm của mình là tất cả đều hiền lành, chân chất. Chuyện không mong muốn xảy ra, khiến gia đình anh phải rời làng đi là một nỗi đau trĩu nặng. Bao nhiêu năm gắn bó, tối lửa tắt đèn có nhau, yêu thương còn chưa hết, nay phải xa mặt cách lòng, anh buồn lắm, nhưng không vì thế mà đem lòng oán trách, ngược lại, sau sự việc xảy ra, anh càng yêu thương người dân nhiều hơn. Ngày đó, vì sự bình yên và giữ gìn ANTT trên địa bàn mà các anh đã bị thương tích. Sau khi điều trị, các anh lại tiếp tục nhiệm vụ của mình, bám sát địa bàn, thực hiện các biện pháp ổn định tình hình. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho các giáo dân trong xã, đồng thời, làm việc với các linh mục, chức sắc trong giáo họ và giáo xứ. Sau những gì đã xảy ra, nhiều giáo dân đã nhận ra sai lầm và ân hận về hành vi của mình. Nhờ sự vào cuộc có trách nhiệm, đồng bộ của các lực lượng, đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn xã Nghi Phương được ổn định, làng quê đang trở lại yên bình. Ban Công an xã với 2 cán bộ thường trực và 16 công an viên được phân bổ đều tại 16 xóm luôn sâu sát với bà con để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ khi có sự việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra.
Bình yên ở xã Nghi Phương |
Xuân bình yên trên xứ đạo Mỹ Yên
Ông Nguyễn Trọng Tạo - Chủ tịch UBND xã Nghi Phương cho biết, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm sâu sát của lực lượng Công an Phụ trách xã huyện Nghi Lộc, xã Nghi Phương giờ đã ổn định trở lại, sợi dây gắn kết giữa giáo dân và lương dân cũng được thắt chặt hơn. Trong những năm qua và nhất là thời gian gần đây, để đảm bảo cho bà con nhân dân trên địa bàn, bất luận lương hay giáo đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ được an lành, hạnh phúc, chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, trong đó, đặc biệt chú trọng tại các xóm Công giáo, quan tâm nhiều hơn đến các đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn là giáo dân. Nói về người Công giáo tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn, ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Tạo ghi nhận, giáo dân là những người chịu khó và rất năng động, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Năm 2013, tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn xã đạt 99,34 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của giáo dân tham gia phát triển kinh tế, đáng chú ý là tấm gương vượt khó vươn lên của ông Trần Văn Mỹ ở xóm 12. Từ nhiều năm nay, nhờ đầu tư chăn nuôi lợn đúng hướng, kinh tế gia đình ông đã khá giả, giúp đỡ nhiều người khác về vốn, kỹ thuật chăn nuôi. Ông Trần Văn Mỹ hiện là Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Mỹ Yên. Ngoài ra, còn phải kể đến như các anh Ngô Văn Ngọc, Ngô Văn Hưởng, Ngô Văn Bảo, cùng ở xóm 14, phát triển chăn nuôi kết hợp vườn đồi; anh Nguyễn Văn Hương ở xóm 10 đi đầu trong việc mua, bán gỗ nguyên liệu và thu mua lâm sản, là những tấm gương tiêu biểu của giáo dân ở xã Nghi Phương tham gia phát triển kinh tế, góp phần làm cho diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, sống tốt đời, đẹp đạo. Những năm qua, chính quyền xã đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm xá. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi ở khắp các thôn, xóm. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và cấp thuốc bảo hiểm cho nhân dân cũng được quan tâm. Đặc biệt, ở xã Nghi Phương, người dân rất quan tâm đến sự học của con em, tỷ lệ phổ cập tiểu học đạt 100%, THCS đạt 98%, phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ ở các thôn, xóm.
Trụ sở UBND xã Nghi Phương |
Tết Nguyên đán cổ truyền đang đến gần, mọi người đang chờ đón thời khắc bước sang năm mới. Với bà con giáo dân ở xã Nghi Phương cũng vậy, ngoài niềm hân hoan được hưởng lễ Giáng sinh 2013 ấm áp và an lành, còn đón Tết cổ truyền trong sự ấm áp nhờ sự quan tâm, sâu sát của chính quyền địa phương, đặc biệt là đối với các hộ nghèo trong toàn xã. Hiện, xã Nghi Phương còn có 11,9% hộ nghèo, đây sẽ là nhóm đối tượng được chính quyền ưu ái, quan tâm và chăm lo hơn trong những ngày Tết, đảm bảo ai cũng được vui Tết, đón Xuân trong sự đủ đầy, viên mãn.
Thêm một mùa Xuân nữa lại về trên đất Nghi Phương, đường làng, ngõ xóm đang khoác lên mình một gam màu mới, tươi sáng và xán lạn hơn. Cuộc sống của mỗi người dân nơi đây cũng đang từng ngày đổi thay, khởi sắc và diện mạo nông thôn mới đã lan tỏa khắp các thôn, xóm nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền. Nói như cha ông đã đúc kết rằng, có kinh qua hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau, xã Nghi Phương bao đời nay vẫn vậy, bình yên sau lũy tre làng, sau những chuyện đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với bà con nhân dân nói chung, sự gắn kết giữa giáo dân và lương dân nói riêng càng được thắt chặt và bền vững hơn. Cũng nhờ vậy mà so với những mùa Xuân trước, Xuân này ở Nghi Phương đầm ấm, sum vầy hơn.
Thiên Thảo