Gia đình xã hội
Một cựu binh bị "quên" chế độ?
(Congannghean.vn)-Thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc đánh phá ác liệt thì ông vác ba lô lên đường nhập ngũ, rồi chiến đấu ở chiến trường Tống Lê Chân ở tỉnh Bình Long và bị thương (gãy xương sườn bên trái, hai tai bị sức ép dẫn đến điếc). Vậy mà sau hơn 30 năm từ ngày xuất ngũ, ông vẫn chưa được hưởng chế độ đãi ngộ dành cho thương binh. Đó là trường hợp của cựu chiến binh Đào Xuân Tùng (SN 1952) trú xóm 5, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu.Sau bốn năm trong quân ngũ, hòa bình lập lại, ông Đào Xuân Tùng được xuất ngũ và trở về địa phương. Nhiều lần làm hồ sơ xin được công nhận thương binh nhưng ông Tùng vẫn không được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu giải quyết.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba gian được xây dựng từ 20 năm trước, với mái ngói thủng lỗ chỗ, nhiều đoạn đòn tay bằng bương mục nát chực rơi xuống đầu, ông Tùng kể: “Tôi nhập ngũ ngày 4/9/1972, sau đó chiến đấu tại mặt trận Tống Lê Chân, tỉnh Bình Long. Ngày 5/6/1973, tôi bị thương khi đang ở đơn vị C2, D6, F75 rồi được chuyển đến K23 hậu phương điều trị và ra viện vào ngày 20/6/1973. Đến ngày 12/10/1976, tôi xuất ngũ về địa phương, rồi lấy vợ, sinh con. Thế nhưng, vết thương cứ tái phát, nhiều hôm trái gió trở trời, tôi lại phải nhập viện. Tháng 7/2008, tôi được đồng nghiệp hướng dẫn làm thủ tục đề nghị các cấp cho giám định thương tật làm chế độ thương binh theo Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 5/11/2007 của bộ LĐTB&XH. Thế nhưng, từ đó đến nay, nhiều lần tôi nộp hồ sơ đều bị trả về vì lý do không đủ giấy tờ”.
Ông Tùng cùng tập hồ sơ xin được giám định thương tật |
Hoàn cảnh gia đình ông Tùng rất éo le. Vợ ông bị viêm đa khớp rồi biến chứng co quắp chân tay, dẫn đến tai biến mạch máu não hơn 10 năm nay, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền chạy chữa, bệnh tình ngày càng nặng. Ông Tùng đưa cho chúng tôi xem một tập giấy tờ được chính quyền địa phương, UBND xã Quỳnh Lâm và đồng nghiệp xác nhận trường hợp bị thương của ông để đề nghị các cấp cho đi giám định.
Ông Tùng rưng rưng nước mắt đưa ra những tấm giấy chứng nhận bị thương và tấm lý lịch quân nhân cũng như quyết định của Sư đoàn 500 cấp cho ông trước lúc xuất ngũ giờ đã hoen ố, nhưng nhiều tấm vẫn còn nguyên dấu đỏ và tên các thủ trưởng xác nhận, thể hiện ông đã chiến đấu, bị thương tại chiến trường. Thậm chí, tấm giấy chứng nhận bị thương được cấp ngày 12/5/1976 còn đọc rõ C trưởng là Nguyễn Văn Nghĩa, quân lực là Ngô Ninh và thủ trưởng đơn vị là Ngô Trọng Liêm đóng dấu đỏ chói.
Vì sao với những thủ tục giấy tờ như trên mà cựu chiến binh Đào Xuân Tùng không được đề nghị đi giám định để hưởng chế độ thương binh? Phải chăng chỉ vì quyết định xuất ngũ đã bị nhàu nát, nhiều chỗ thủng mà không được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu chấp nhận? Hay như ông Tùng nói, liệu có vấn đề “tế nhị” nào để một cựu binh bị thương, nhiều năm qua vẫn bị “quên” chế độ. Lẽ nào, với các giấy xác nhận của đồng nghiệp cùng đơn vị và UBND xã Quỳnh Lâm, cũng như việc niêm yết công khai theo thời gian quy định lại không đủ cơ sở để ông Đào Xuân Tùng được giám định làm chế độ thương binh.
Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cần kiểm tra và tạo mọi điều kiện cho cựu chiến binh Đào Xuân Tùng đi giám định thương tật, nếu đủ điều kiện thì công nhận thương binh theo Thông tư liên tịch 28/BLĐTBXH ngày 22/10/2013, để người cựu chiến binh này được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước theo đúng quy định và để ông đỡ vất vả khi tuổi đã già bên người vợ bệnh tật.
Xuân Bảy