Gia đình xã hội
Xót xa ông bà bệnh tật nuôi cháu bại não
08:29, 31/12/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là hoàn cảnh gia đình bà Quế Thị Liên (SN 1955) và ông Nguyễn Viết Đại (SN 1953) ở xóm 3, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Con đường làng dẫn vào ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Quế thật ảm đạm. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi vào nhà là một đứa trẻ đang nằm trên giường, đầu to, miệng cứ há ra, chân tay teo tóp, người gồng cứng lại, không mặc quần mà chỉ có mấy cái áo rách quấn quanh thân dưới. Cháu là Nguyễn Viết Hùng (SN 2004) cháu nội của ông bà.
Khi chúng tôi hỏi chuyện về gia cảnh của gia đình, bà Quế nghẹn ngào cho biết: Học xong cấp 3, anh Nguyễn Việt Kế (SN 1980) con trai của bà vào Nam làm công nhân rồi quen chị Lã Thị Chung (SN 1982) người Huế, hai người yêu nhau rồi về sống chung với nhau và sinh ra cháu Hùng. Khi được 5 tháng tuổi, cháu bị cứng miệng, co rút chân tay, anh chị đã đưa con đi Bệnh viện Nhi Trung ương 2 khám, thì được bác sỹ cho biết cháu bị bại não, não úng. Gia đình đã chạy vạy khắp nơi để vay tiền chữa trị cho cháu nhưng không kết quả. Anh chị đã đưa cháu về gửi ông bà và tiếp tục vào Nam làm ăn. Một năm sau đó, do mâu thuẫn vợ chồng nên chị Chung đã ôm em trai Hùng bỏ đi biệt xứ.
Bệnh tật dày vò Hùng gần 10 năm nay |
Do làm ăn ngày một khó khăn nên anh Kế (bố của Hùng) cũng về quê và quyết tâm vay mượn 50 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vì đi theo hình thức “chui” nên công việc của anh cũng rất bấp bênh. Từ ngày đi xuất khẩu đến nay đã được 5 tháng nhưng tiền lương gửi về chữa bệnh, thuốc thang cho con quá ít ỏi. Đã ngoài 60 tuổi, cả ông Đại và bà Liên đều mang bệnh trong người. Bà bị u mỡ mới mổ xong, còn ông thì bị rối loạn tiền đình, trầm cảm, lại phải chăm đứa cháu bại não nên kinh tế vô cùng khó khăn.
Hàng ngày, bà đi chợ nhập rau rồi bán lại, mỗi ngày nếu may thì được 30 nghìn đồng, có khi không bán được, rau héo bà chịu lỗ mang về nhà ăn tạm. Tính ra, thu nhập bình quân của ông bà 1 ngày không tới 20 nghìn đồng. Bữa nào bán được bà lại ra hàng thịt mua dăm lạng cổ và má lợn (chứ không đủ tiền mua thịt) về nấu cho ông, cháu ăn. Còn không, cháu chỉ ăn cháo trắng cả ngày. Dạo này Hùng ốm, không có tiền mua sữa nên bà phải lấy đường pha nước rồi đút cho cháu uống. Tối Hùng không ngủ được, chân tay cứ co quắp, nằm bên cháu bà phải dùng tay kéo chân cháu ra, thức cùng cháu cả đêm khiến mắt bà trũng sâu.
Ông bà Liên trước căn nhà xập xệ |
Gần 10 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân của Hùng đều diễn ra trên giường. Hàng ngày, ngoài việc cho ăn, tắm rửa, bà còn phải giặt hai chậu áo quần cho Hùng vì cháu cứ đi vệ sinh ra giường. Bà nói: “Giá mà có bỉm cho cháu dùng thì bà đỡ phải giặt, nhưng mua bỉm đắt lắm, xà phòng giặt mà bà còn phải mua loại rẻ nhất, huống chi là bỉm”. Căn nhà ông bà ở đã hư hỏng nặng, nắng thì oi bức, còn nếu mưa bà phải đội nón để nấu ăn.
Sợ lỡ buổi chợ của bà, tối nay lại không có gì cho cháu ăn nên chúng tôi chào ông bà ra về. Nhưng hình ảnh cháu Hùng chân tay co quắp, miệng cứ há ra nhưng hễ mấy đứa trẻ con hàng xóm chạy qua hỏi: “Mẹ mi mô rồi” thì nước mắt lại chảy dài khiến bước chân của chúng tôi như chậm lại.
Việt Lê