Chỉ còn đúng 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Lúc này, thị trường tiền lẻ đã vào những ngày cao điểm. Những người bán tiền lẻ lấy tiền chẵn đang rất ăn nên làm ra, dù rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vẫn nhởn nhơ sống nhờ sự tiếp tay của chính nạn nhân bị “chém đẹp”.
Ngân hàng đóng cửa, chợ đen chào mời
Trà trộn vào thị trường mua bán tiền đang rất nhộn nhịp, trong vai những người có nhu cầu tiền lẻ, ngày 14/1, chúng tôi có mặt tại một số chi nhánh ngân hàng (NH) trên địa bàn quận Hà Đông và Thanh Xuân để đổi tiền lẻ và tiền mới. Tuy nhiên, đón chúng tôi là những cái lắc đầu của các nhân viên với lý do dịp Tết Nguyên đán năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không in tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống nên NH không có nguồn tiền lẻ mới để phục vụ nhu cầu khách hàng. Thậm chí, kể cả không phải tiền lẻ mới, mà ngay cả tiền chẵn mới chúng tôi cũng không được đáp ứng. Tại một chi nhánh của NH BIDV khu vực Xa La (Hà Đông), khi chúng tôi ngỏ ý muốn đổi mấy triệu tiền lẻ để về quê mừng tuổi thì nhân viên giao dịch ở đây thông báo ngay là không có tiền lẻ để đổi cho khách vì NH “không có nguồn”.
Ở nơi đền chùa tôn nghiêm, rải tiền lẻ không phải là thước đo lòng thành kính - Ảnh minh họa |
Trước bộ dạng thất vọng và thất thểu của chúng tôi, cô nhân viên xem ra cũng áy náy khi cố động viên vớt vát: “Các chị thông cảm, năm nay đến như nhân viên chúng em cũng không đổi được tiền lẻ, tiền mới cho mình, vì cấp trên thông báo không đủ nguồn”. Cảnh tượng này cũng được tái diễn tại chi nhánh của ngân hàng Techcombank, nhân viên giao dịch từ chối với lý do “NH không đổi cho cá nhân” bởi theo quy định, NH chỉ đổi tiền mới cho cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, “Nếu cơ quan, doanh nghiệp của chị có yêu cầu thì phải làm công văn. Và trong trường hợp này sẽ không mất phí đổi tiền”-nhân viên giao dịch tại đây nhấn mạnh.
Bị các NH lắc đầu, chúng tôi tìm đến “phố buôn tiền” Đinh Lễ (Hà Nội). Trái với cảnh tượng mua bán tiền tấp nập cách đây nhiều năm, năm nay, cả đoạn phố không có dấu hiệu nào của dân buôn tiền. Đảo qua đảo lại 2 lần, cũng không thấy chào mời, chúng tôi quyết định ghé hỏi thăm một người phụ nữ đang đứng thơ thẩn. Như bắt được vàng, người phụ nữ này dẫn chúng tôi đi một đoạn khá xa rồi mới ghé tai thì thầm hỏi về nhu cầu của khách.
Thấy chúng tôi băn khoăn vì khó “mua” tiền lẻ mới mệnh giá 500 đồng, chị này cười ngất cho biết muốn bao nhiêu cũng có, giá cả 10 ăn 5 (100 nghìn đồng đổi được 50 nghìn tiền lẻ mệnh giá 500 đồng). Thấy chúng tôi chê đắt, chị này trề môi: “Không đổi thì thôi, riêng tiền mới mệnh giá dưới 2.000 đồng năm nay rất hiếm nên phải đắt. Nếu không đổi bây giờ, hôm nào đi lễ mà đổi tại cổng đền, chùa, giá còn “chát” hơn nữa, cứ là 10 ăn 4, thậm chí ăn 3 đấy”. Tại một điểm đổi tiền lẻ gần khu vực chùa Phúc Khánh (đoạn gần cầu Ngã Tư Sở), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hoa, một người đi chùa đang đổi tiền lẻ mệnh giá 500 đồng.
“Tiền 500 có màu đỏ là màu may mắn cho năm mới, đặt lễ xong, xin lại vài tờ tiền lộc để vào ví vừa đẹp vừa lấy may. Hơn nữa, chỉ có tiền nhỏ thì mới đặt đủ các ban bệ trong chùa, chứ tiền mệnh giá lớn lấy đâu mà rải. Năm nào tôi cũng đổi cả hàng triệu đồng tiền 500 để đi lễ. Đã đi chùa chiền thì phải lòng thành, nên họ nói sao tôi trả vậy chứ không mặc cả cũng không đếm lại, mất thiêng”, chị Hoa cho biết.
Vì “lòng thành”của khách hàng nên các loại tiền có mệnh giá nhỏ 200 và 500 đồng được người bán “thách” với giá 100.000 đồng ăn 55.000 đồng với lý do “khan hàng”.
Cần thay đổi nhận thức mang tiền lẻ đi lễ chùa
Theo tìm hiểu của PV, thông thường, vào dịp cận Tết, một số NH thường dành lượng tiền lẻ cho nhân viên và khách VIP (những khách giao dịch thường xuyên với lượng tiền giao dịch lớn tại NH), chỉ khi nào lượng tiền dồi dào, đã thỏa mãn được cả hai nhóm đối tượng trên thì may ra NH mới đổi cho khách giao dịch lẻ. Song, điều đáng nói là trong khi NH kêu không có tiền lẻ, tiền mới thì trên thị trường tự do, hoạt động đổi tiền lẻ vẫn không hề có dấu hiệu hạ nhiệt so với các năm trước. Lượng tiền lẻ vẫn dồi dào, khách hàng muốn bao nhiêu cũng có. Vậy nguồn tiền này thực sự đến từ đâu? Đấy là chưa kể, việc đổi tiền để ăn chênh lệch là vi phạm pháp luật, dù các cơ quan chức năng nhiều lần lên tiếng và ra quân dẹp bỏ nhưng vẫn tiếp tục hoạt động.
Khoan nói đến chuyện bị mất khoản tiền chênh lệch lớn, nhiều khách hàng còn gặp rất nhiều rủi ro khác khi thực hiện các giao dịch đổi tiền lẻ trên thị trường “chợ đen”, nhất là trong lúc vội vàng, không có thời gian kiểm tra lại các cọc tiền lẻ mà mình nhận được. Các "chiêu" hay được dân buôn tiền trên thị trường sử dụng thường là những đồng tiền cũ được xen giữa một "cọc" tiền mới, thiếu tiền hay tiền cũ bị cắt góc, "phù phép" thành tiền mới.
Để dẹp được vấn nạn này, ngoài sự ra quân quyết liệt của các cơ quan chức năng, quan trọng nhất là chính người dân phải thay đổi nhận thức để hạn chế “cầu”. Hiện nay, việc đặt tiền lẻ trên các ban thờ tự tại các chùa cũng như tại các nơi tín ngưỡng những năm gần đây đã trở thành vấn nạn. Đây không phải là văn hóa mà chỉ là một thói quen không đúng, xuất hiện chục năm trở lại đây cần loại bỏ.
Quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là không nên đặt tiền lẻ trên các ban thờ, nhất là việc cài tiền lên tay Phật tạo nên hình ảnh phản cảm. Những việc làm đó xuất phát từ việc chúng ta chưa hiểu về việc phát tâm công đức. Và, vô hình trung làm sai lệch đi hình ảnh của các bậc tôn kính, đấng tối cao khi chúng ta đặt niềm tin vào. Chúng ta đến chùa lễ là phải Phật bằng tâm của mình.
.