Gia đình xã hội
Cái kết đẹp của người đàn ông mù
09:04, 16/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau một trận ốm dài, đôi mắt ông bỗng nhiên mờ dần đi. Và rồi, tất cả chỉ là màn đêm vây quanh. Đã có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Vượt lên số phận, ông đã làm được những điều khiến những người trẻ như chúng tôi cũng phải ngỡ ngàng, khâm phục - Lấy được người vợ hiền và có những đứa con ngoan, thành đạt. Ông là Phạm Bá Chính (67 tuổi) ở xóm 14, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Mù hai mắt khi vừa tròn 3 tuổi
Chúng tôi về thăm ông vào một buổi chiều cuối năm trong cái lạnh se sắt. Trong mảnh vườn cạnh nhà, vợ chồng ông đang dìu nhau làm cỏ. Đôi mắt mù lòa, nhưng đôi tay thoăn thoắt, với nụ cười luôn nở trên môi. Bà luôn ở bên cạnh nhắc nhở ông và thêm vào những câu chuyện hài hước.
Vừa làm, hai ông bà vừa nhớ lại thời xa xưa. Ấy là cái ngày, nghe mẹ kể lúc đấy mới 3 tuổi, cậu bé Chính trong một trận ốm nặng, rồi không hiểu vì sao hai con mắt đỏ hoe. Ngày ấy, không thuốc thang, không chạy chữa, theo mẹ đi ra đồng bón phân cho rau, rồi khi về, mắt phải không nhìn thấy gì, mắt trái lờ nhờ và rồi tất cả như tối sầm lại. Tuổi thơ mù lòa lại khó khăn thiếu thốn, ông là con đầu trong một gia đình có 8 anh chị em nên vất vả lại chất đầy. Lớn lên, thấy bạn bè được cắp sách đến trường mà ông thêm tủi phận. Hai con mắt không còn nhìn thấy, sự thèm khát đến trường nén lại trong tim. Nhiều lần theo một người bác họ trong làng đến lớp, nghe ngóng rồi cũng học lỏm được đôi ba câu về lại dạy cho các em của mình.
Ngày ấy, làng quê ông nổi tiếng với nghề đan lát. Không được học hành, đi lại khó khăn, ông mày mò học đan lát. Từ việc vót tre đến lận mây rồi cho ra sản phẩm, đòi hỏi một quá trình miệt mài, khó khăn. Vậy mà từ học hỏi, ông Chính đã có những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Ông nhớ lại: “Không nhìn thấy cái rổ, cái thúng mà mình làm ra có đẹp hay không. Nhưng nghe bà con, anh em trầm trồ, rồi bán được tôi vui lắm. Khó nhất là công đoạn chặt tre, rồi vót tre, chỉ cần sơ sẩy là đứt tay. Để có được một sản phẩm, tôi đã phải mày mò mất hàng tuần. Cầm trên tay một cái rổ đã cũ kỹ mân mê rồi tháo ra từng cái xong lại tự mình làm lại...”. Không những mày mò đan lát, ông Chính còn khéo tay trong việc sửa lại các đồ vật đã hư hỏng. Ví như dây ổ cắm điện bị đứt ông nối lại, hay như sửa lại chiếc radio quen thuộc ông nghe mỗi ngày...
Ông Chính và bà Châu hạnh phúc bên nhau |
Mai mối nên duyên chồng vợ
Tuổi trẻ ai cũng có niềm khát khao mơ ước, ấy là có một người để gửi gắm yêu thương, chia sẻ buồn vui. Còn với ông Chính, chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Sự thật, mặc dù bị mù lòa, thế nhưng có nhiều người con gái vẫn thương thầm ông. Một cô giáo đi sơ tán ở trọ tại nhà ngày thương đêm nhớ, một cô gái làng xinh đẹp qua lại hỏi han... Thế rồi những tình cảm họ dành cho ông, ông đành cất dấu trong lòng. Nhưng định mệnh cho ông gặp được bà, là người vợ hiền đảm đang sẻ chia với ông suốt cả cuộc đời. Bà Hoàng Thị Châu (65 tuổi), người “đầu gối tay ấp” cùng ông những lúc trái gió trở trời, vượt qua bao khó khăn, nuôi dạy các con học hành thành đạt. Ông hiền lành, ít nói lại hay cười, cứ lầm lũi với công việc hàng ngày là nghe radio, tập tành đan lát khiến bà cảm thương. Ngược lại, bà là một người phụ nữ chịu thương chịu khó, là dâu trưởng trong nhà chẳng nề hà việc gì, làm ông ngày càng gần gũi. Tình cảm vợ chồng được nhen nhóm từ sự cảm thông, chia sẻ. Năm 1978, con trai Phạm Bá Tuấn ra đời là kết quả cho 3 năm hai ông bà về chung sống bên nhau. Sau đó, lần lượt 3 cậu con trai ra đời.
Khó khăn chồng chất
Cuộc sống hai vợ chồng vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn khi những đứa con ra đời. Với một người mù lòa như ông không thể giúp được bà những việc đồng áng. 4 sào ruộng, một mình bà Châu cáng đáng. Cũng may, học được cái nghề cha ông để lại, hàng ngày ông miệt mài chẻ tre, đan lát. Dạo trước, một tháng cũng làm ra 15 - 20 cái rổ, nhưng giờ sức khỏe yếu dần, đi lại khó khăn. Nghĩ lại khoảng thời gian trước, ông Chính chia sẻ: Ngày vợ sinh đứa con trai đầu lòng, mừng mừng tủi tủi. Không thấy mặt con nhưng nghe tiếng con khóc, rồi tiếng trẻ bi bô học gọi tiếng cha mà hai khóe mắt rưng rưng. Cuộc sống cơ cực, một mình bà bươn chải. Dựa vào đồng ruộng không đủ sống, nhiều hôm bà phải đi làm thuê, làm mướn. Ông ở nhà ôm con vào lòng mà tủi phận. Không thể giúp bà việc gì ngoài việc trông con, phụ giúp bà nhổ cỏ, trồng rau và đan lát. Cuộc sống cứ thế trôi qua, giờ con trai đầu đã có công ăn việc làm ở cảng Cửa Lò, một anh làm bên xây dựng, anh đi bộ đội và anh đang học đại học.
Trời đã về chiều, cỏ đã đầy sọt, chúng tôi tạm chia tay ông bà. Với nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn, bằng tình yêu thương, hai ông bà đã có một cái kết trọn vẹn. Xuân đang đến, Tết lại về, chúng tôi nguyện cầu cho ông bà có thật nhiều sức khỏe để vui cùng con cháu trong mùa Xuân này.
Phan Tuyết