Gia đình xã hội

Cần sớm đưa những nội dung quan trọng của Thông điệp vào cuộc sống

09:36, 15/01/2014 (GMT+7)
Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc cải cách và tái cấu trúc kinh tế. Điều cốt yếu là sớm đưa những nội dung quan trọng của Thông điệp vào cuộc sống.
 
Thủ tướng bắt đầu thông điệp bằng nhiệm vụ “đổi mới thể chế và  phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” đã đề cập đúng trọng tâm, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân đang bức xúc với rất nhiều yếu kém của bộ máy và vi phạm quyền dân chủ hiến định của người dân. Thủ tướng đòi hỏi: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách, quyền lựa chọn người đại diện cho mình và quyền sở hữu tài sản. Quyền làm chủ phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật”.
TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
 
Thủ tướng cũng đề ra yêu cầu rất đúng đắn: “Phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách”.
 
Đó là những nhiệm vụ rất cần thiết để khắc phục những yếu kém của bộ máy hiện nay và phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách, pháp luật. Điều quan trọng là sớm đưa những nội dung quan trọng của Thông điệp này vào cuộc sống.
 
Người bệnh không thể tự chẩn bệnh cho mình mà cần đến bác sỹ, trong cải cách thì chính người dân, các nhà khoa học sẽ giúp Nhà nước phát hiện ra những yếu kém của bộ máy và đề ra “đơn thuốc” để sửa chữa.
 
Thông điệp cũng nhấn mạnh: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội”.
 
Thông điệp chỉ rõ: “Nhà nước phải tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường; kiểm soát chặt chẽ và xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp cũng như những cơ chế chính sách dẫn đến bất bình đẳng trong cạnh tranh. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Tài nguyên, nguồn lực của quốc gia phải được phân bổ tới những chủ thể có năng lực sử dụng mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước”.
 
Đó là những định hướng đúng đắn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp và hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước đã được Đại hội XI của Đảng thông qua.
 
Chiến lược cũng xác định: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính” là khâu đột phá chiến lược số một.
 
Chiến lược nhấn mạnh:  “Tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi luật pháp, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” và “Bảo đảm quyền tự do kinh doanh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”.
 
Những định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tích cực đàm phán để tham gia như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (FTA Việt Nam-EU)...
 
Đề nghị Thủ tướng công bố một Chương trình hành động để thực hiện các ý tưởng trên để toàn dân biết và hưởng ứng thực hiện.
 
Thông điệp của Thủ tướng được thực hiện đầy đủ sẽ không chỉ đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách thể chế và tái cấu trúc kinh tế mà còn là bước chuẩn bị rất thiết thực cho Đại hội thứ XII của Đảng.
 
TS. Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
 

Chinhphu

Các tin khác