Gia đình xã hội

Ngậm ngùi thưởng Tết giáo viên

10:20, 14/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Khi nhắc đến chuyện thưởng Tết, nhiều giáo viên không khỏi chạnh lòng và đáp lại bằng nụ cười buồn. Thậm chí đối với những giáo viên ở các vùng khó khăn thì thưởng Tết dường như là điều xa xỉ, một khái niệm lạ lẫm vô cùng.
 
Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã bắt đầu rục rịch chuyện thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng do cân đối được nguồn ngân sách chi tiêu nên mức thưởng Tết hàng năm ở một số đơn vị vẫn được duy trì và đảm bảo. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp có lương tháng 13; nhiều nơi thưởng bằng tiền mặt, hiện vật và thậm chí có những đơn vị mức thưởng Tết lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy  nhiên, đối với nghề giáo cao quý thì hoàn toàn ngược lại. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trong khi bạn bè, người thân bàn chuyện thưởng Tết với những tín hiệu đáng mừng thì các giáo viên chỉ biết ngậm ngùi. Trên thực tế, ngành giáo dục không có quy định cụ thể nào về việc chi ngân sách cho thưởng Tết giáo viên. Có chăng chỉ là tham mưu hoặc đề nghị các địa phương, đơn vị trường học hàng năm cần có sự chú trọng, quan tâm đến vấn đề chăm lo quà Tết cho giáo viên. Dù ít dù nhiều thì đó cũng được xem là sự khuyến khích, động viên các thầy, cô trong một năm cống hiến miệt mài, vất vả.
 
Cuộc sống của các giáo viên và học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, vất vả
Cuộc sống của các giáo viên và học sinh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, vất vả
 
Tết đến, Xuân về, cũng như mọi người lao động bình thường khác, các giáo viên cũng phải tất bật lo lắng với biết bao khoản sắm Tết, lo lắng công việc gia đình. Tất cả đều phụ thuộc vào chế độ lên lớp hàng năm, bởi ngoài đồng lương ra thì giáo viên hầu như không có nguồn hỗ trợ nào. Với những giáo viên có điều kiện kinh tế gia đình khấm khá hơn thì còn đỡ, ngược lại, những thầy cô có hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn, thiếu thốn thì mỗi dịp Tết đến như là một “gánh nặng” đầy lo âu và trăn trở. Không có quy định cụ thể nào cho việc thưởng Tết của giáo viên nên mỗi trường phải “tự thân vận động”. Điều này đồng nghĩa với việc, các trường phải tự biết cân đối nguồn ngân sách chi tiêu trong cả một năm để cuối năm có thể đưa ra mức thưởng Tết hợp lý cho các giáo viên. Thật ra, như nhiều thầy cô tâm sự, khái niệm thưởng Tết là cho oai thế thôi, chứ trên thực tế, đó chỉ là số tiền ít ỏi hoặc những phần quà mang tính chất động viên cho có không khí Tết. Bởi, đã từ rất lâu rồi, các thầy cô nào đâu có mơ đến chuyện thưởng Tết. Và có lẽ điều này như đã thành thông lệ đối với những người làm một công việc vô cùng đặc biệt - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
 
Dù không thể so sánh với các cơ quan, doanh nghiệp khác nhưng có thể nói rằng, mức thưởng Tết ở thành phố cũng có sự khác biệt so với vùng sâu, vùng xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Cũng là phụ thuộc vào nguồn ngân sách chi tiêu nhưng hàng năm, ở các trường đóng trên địa bàn thành phố, thị xã, mức thưởng Tết của giáo viên có thể nói là khấm khá hơn nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng từ 500.000 - 800.000 đồng. Một số trường có mức thưởng cao hơn thì cũng chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Điều này phụ thuộc vào điều kiện tích lũy thêm từ các nguồn thu khác, hoặc có một số trường thì có thêm sự hỗ trợ từ phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, con số đó là không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi bên cạnh đó, cũng không thiếu những trường, mức hỗ trợ chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng.
 
Thưởng Tết của giáo viên thành phố đã vậy, với giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn ái ngại hơn rất nhiều lần. Trong một chuyến công tác lên huyện  miền núi Tương Dương, chúng tôi đem câu chuyện thưởng Tết ra trao đổi với các thầy cô đang công tác ở một số điểm trường thì chỉ nhận lại nụ cười buồn bã, thậm chí nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên và xem đó như là một khái niệm gì đó rất xa vời, lạ lẫm.
 
Vất vả, nhọc nhằn là thế, ngày qua ngày, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp hình ảnh giáo viên đứng trên bục giảng cần mẫn, miệt mài truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học sinh thân yêu. Và trên cuộc hành trình gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang đó, không thiếu những hình ảnh giáo viên trèo đèo lội suối, vượt thác ghềnh hiểm trở vào tận bản nghèo để vận động, giúp đỡ học sinh mà không màng đến sự thiệt hơn của bản thân mình. Có như thế, mới biết được rằng, hai chữ “cao quý” là đủ đầy cho nghiệp gieo chữ…

Ngọc Anh

Các tin khác