Gia đình xã hội
Đề cao quyền lực của Nhân dân
15:00, 14/01/2014 (GMT+7)
Đây là nội dung bao trùm nhất trong bản Hiến pháp sửa đổi 2013. Có thể khẳng định rằng, việc xác lập quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp của nước ta là sự nhất quán, kiên định, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội. Đó là sự kế thừa những giá trị phổ quát và tiến bộ của nhân loại, đồng thời rất phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến quyền làm chủ của Nhân dân, coi đó là mục tiêu cơ bản nhất và xuyên suốt của cuộc cách mạng. Người nói: “Suốt bao năm trường, Đảng ta cùng quân và dân ta đã anh dũng hy sinh chiến đấu, đánh đổ thực dân, phong kiến để giành lại cho nhân dân lao động cái quyền làm chủ nước nhà”. Người luôn nhấn mạnh, chế độ xã hội của chúng ta do Nhân dân lao động làm chủ, dân chủ là dân làm chủ và dân là chủ.
Trong suốt 84 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò của Nhân dân và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”, Đảng ta chỉ rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”. “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”.
Theo kim chỉ nam chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (được sửa đổi năm 2013) đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Trong bản Hiến pháp lịch sử đó, nội dung bao trùm nhất là đề cao quyền lực của Nhân dân và quyền làm chủ của Nhân dân. Hiến pháp long trọng tuyên bố: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Cũng trong bản Hiến pháp này, lần đầu tiên chữ “Nhân dân” đã được viết hoa trong các văn cảnh nói tới Nhân dân. Đây chính là điểm nhấn mới, nhấn mạnh Nhà nước ta là của Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của xã hội và là chủ thể tối cao quyền lực của Nhà nước. Hiến pháp sửa đổi 2013 thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân theo một số nội dung.
Thứ nhất, xác định phương thức cụ thể để Nhân dân thực hiện quyền lực của mình đối với xã hội và nguyên tắc Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước. Điều 6 Hiến pháp ghi rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong và bản chất vì Nhân dân của Đảng, đồng thời bổ sung một yêu cầu rất quan trọng là “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Hiến pháp qui định cụ thể việc Nhân dân (cử tri) bầu ra người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình làm đại biểu Quốc hội. Điều 7 Hiến pháp qui định rõ (1) “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”. (2) “Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”. Đó là những hình thức cụ thể bảo đảm cho Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.
Thứ hai, Hiến pháp đề cao quyền con người. Chương 2 của Hiến pháp sửa đổi có 35 điều qui định quyền con người, quyền công dân. Các điều qui định đó được thể hiện một cách cụ thể, đầy đủ, chính xác và có tính khả thi cao. Điều 14 đã ghi rõ: (1) “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”; (2) “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo qui định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.
Thứ ba, Hiến pháp qui định, Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng việc kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nhân dân là chủ thể tối cao quyền lực Nhà nước nên phải kiểm soát được quyền lực Nhà nước. Việc kiểm soát đó bao gồm kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên trong là kiểm soát việc thực thi lập pháp, hành pháp và tư pháp. Kiểm soát quyền lực Nhà nước ở bên ngoài là Nhân dân thông qua các tổ chức chính trị-xã hội và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Điều 9 của Hiến pháp ghi rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc xác lập quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp của nước ta là sự nhất quán, kiên định, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội. Đó là sự kế thừa những giá trị phổ quát và tiến bộ của nhân loại, đồng thời rất phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Hiến pháp được thực thi, quyền làm chủ của Nhân dân được đề cao, việc quản lý của Nhà nước có hiệu quả, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với tầm cao trí tuệ, nhất định đất nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao đẹp: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
GS.TS Vũ Văn Hiền
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Chinhphu