Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/than-ho-ve-o-rung-sang-le-434612/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/than-ho-ve-o-rung-sang-le-434612/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
"Thần hộ vệ" ở rừng săng lẻ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 29/12/2013, 14:49 [GMT+7]

"Thần hộ vệ" ở rừng săng lẻ

(Congannghean.vn)-Quốc lộ 7A đoạn qua địa phận xã Tam Đình (Tương Dương) có rừng săng lẻ rộng khoảng 70 ha, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách khi đi qua đây. Khu rừng này là kho “vàng xanh”, nằm trong Khu dự trữ sinh quyển có vành đai xanh lớn nhất Đông Nam Á đã được Unesco công nhận. Ít ai biết rằng, để có được như ngày hôm nay, hơn 30 năm trước, nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương Vi Chính Nghĩa đã xung phong vào rừng dựng lán đối phó với lâm tặc. Ông Nghĩa hiện đang sống trong ngôi nhà đơn sơ dưới gốc cây săng lẻ cổ thụ, thuộc bản Thịnh Quang, xã Tam Đình.


Tâm huyết với rừng của cựu Bí thư Huyện ủy


Ông Vi Chính Nghĩa năm nay đã bước sang tuổi 89, song vẫn rất tinh anh và minh mẫn. Từ nhiều năm nay, ông cùng vợ là bà Lương Thị Sâm (70 tuổi), sống trong căn nhà tranh tre đơn sơ giữa rừng săng lẻ. “Từ tháng 3/2008 đến nay, rừng đã yên, người thì tuổi già, mắt kém nên tôi đã trao việc giữ rừng lại cho người khác. Anh Vi Văn Tuấn, một người trẻ tuổi, tâm huyết với rừng đã được già “chọn mặt gửi vàng” để tiếp tục công cuộc giữ rừng”, ông Nghĩa mở đầu câu chuyện về tình yêu với rừng của mình.

Ông Vi Chính Nghĩa
Ông Vi Chính Nghĩa


Chuyện ông Nghĩa bén duyên với rừng săng lẻ, bắt đầu từ năm 1964, khi Lâm trường Tương Dương có chủ trương xin tỉnh khai thác cây săng lẻ trên địa bàn để phục vụ cho ngành lâm nghiệp. Lúc ấy, ông Vi Chính Nghĩa đang làm Bí thư Huyện ủy Tương Dương, biết được chủ trương này thì lo lắm. Bởi là người con của núi rừng, từ ấu thơ đã tắm mình trong không khí yên bình của khu rừng trăm năm tuổi này, nên hơn ai hết, ông Nghĩa yêu quý nó như chính máu thịt của mình vậy.

Do đó, khi biết khu rừng này sẽ bị triệt hạ trong nay mai, ông đã đích thân họp bàn với Ban Thường vụ đề nghị giữ lại khoảnh rừng rộng gần 100 ha này và được sự đồng ý nhất trí cao. Ngay sau đó, ông Nghĩa đạp xe 13 cây số đến Hợp tác xã Quang Thịnh trên địa bàn xã Tam Đình để truyền đạt ý tưởng và rất may được phía Lâm trường đồng ý. Vậy là rừng được giữ. Nhưng khó khăn ở chỗ, rừng không bị triệt phá ồ ạt, nhưng lại không có ai bảo vệ, nên lâm tặc cứ thế thi nhau vào lén lút đốn hạ. Thương địa đàng xanh chảy máu, Bí thư Huyện ủy Vi Chính Nghĩa lại một mình đích thân vào đại ngàn chống lại lâm tặc.


Năm 1966, ông được điều về giữ chức Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, việc giữ rừng săng lẻ có một khoảng thời gian dài bị bỏ ngỏ. Đến đầu năm 1980, khi Hợp tác xã Quang Thịnh tan rã, việc quản lý rừng được bàn giao về cho Lâm trường Tương Dương quản lý, nhiệm vụ trông coi có phần lỏng lẻo nên lâm tặc đã ồ ạt vào khai thác gỗ trái phép, buộc đơn vị này phải bàn giao lại cho Hạt Kiểm lâm quản lý.

Một góc rừng săng lẻ Tương Dương
Một góc rừng săng lẻ Tương Dương

Đến năm 1992, khi vừa nghỉ hưu cũng là lúc ông Vi Chính Nghĩa nhận được đề nghị của Hạt này về việc nhờ ông giữ rừng giúp, với mức lương 2 triệu đồng mỗi năm. “Lương bổng đối với tôi không quan trọng, nhưng mình đã có công giữ rừng đến như vậy, với lại không nỡ nhìn địa đàng xanh bị tận diệt và chảy máu từng ngày, tôi đã nhận lời làm ông già giữ rừng săng lẻ, mặc dù khi ấy tôi còn chưa biết mình sẽ phải làm thế nào để bảo toàn gần 100 ha rừng tuyệt mỹ này”, ông Nghĩa chia sẻ.


“Thần hộ vệ” của rừng săng lẻ


Sau khi nhận nhiệm vụ giữ rừng săng lẻ, ông Vi Chính Nghĩa bắt đầu tự mình lên kế hoạch bảo vệ rừng, bằng cách vào sống chung với nó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải từ bỏ nhà cửa, bản làng để vào dựng lán trại ngay trong rừng. Quyết định ấy đã vấp phải sự phản đối của vợ và các con ông. “Ông ấy làm Bí thư Huyện ủy 2 khóa liên tiếp, lại làm đến chức cán bộ dưới tỉnh nhưng khi về hưu chẳng có gì cho vợ con ngoài chiếc radio và mấy tấm Bằng khen không quy đổi được bằng tiền. Đã vậy còn nằng nặc vào lãnh địa của lâm tặc sinh sống thì lo lắm”, bà Sâm, vợ ông cho biết. Nói vậy thôi, nhưng rồi chính vợ con lại là những cộng sự đắc lực nhất của ông Nghĩa trong những ngày đầu giữ rừng săng lẻ. Khi đó, ông đã 40 năm tuổi Đảng và gần 60 năm tuổi đời.


Nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương Vi Chính Nghĩa cho biết, để bảo vệ rừng, ông đã “phân loại” những người phá rừng thành hai nhóm, nhóm những người dân bản địa phá rừng theo cách thủ công và nhóm vãng lai từ các nơi khác đến, được thuê mướn hoặc tổ chức phá có quy mô, phương tiện và máy móc. Với người dân, ông trực tiếp gặp gỡ từng người, giải thích cho họ hiểu tác hại của việc chặt phá rừng đầu nguồn. Mưa dầm thấm lâu, dần dà người dân hiểu ra và chia sẻ với tâm huyết của vị cán bộ già nghỉ hưu, từ chỗ không còn phá rừng, họ sát cánh cùng ông để đẩy đuổi lâm tặc.

Với những kẻ phá rừng có quy mô, già Nghĩa đến tận sào huyệt của chúng để làm công tác tư tưởng, vận động. Lúc bấy giờ, rừng săng lẻ đã bị chúng tự phân lãnh thổ, có nhiều nhóm khác nhau khai thác nên rất khó khăn trong việc đối phó, bằng chứng là lực lượng kiểm lâm đã bất lực. Đã có không ít lần, già buộc phải tuyên chiến lại với chúng, vết tích của những lần đụng độ này là những vết sẹo lằn ngang trên cơ thể già vẫn đang in hằn.

Với tinh thần cương quyết như thế, trong khoảng gần 2 năm sau khi nhận nhiệm vụ giữ rừng, ông Vi Chính Nghĩa đã đẩy đuổi toàn bộ trên chục nhóm lâm tặc, buộc chúng phải rời khỏi khu rừng săng lẻ, lục tục kéo về xuôi trong sự tâm phục khẩu phục ý chí và nghị lực của một già làng.


Năm 2008, thấy sức khỏe mình yếu dần, ông quyết định bàn giao việc trông coi rừng. Ghi nhớ công lao của ông, năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Anh Vi Thắng - Trưởng bản Quang Thịnh, xã Tam Đình cho biết: “Ông Nghĩa không chỉ là “thần hộ vệ” của rừng mà còn là ông tiên của bản làng. Những ai xích mích với nhau hay gặp rắc rối gì, đến nhờ ông giúp là mọi việc đều được giải quyết”. Hai vợ chồng hiện sống tại rừng săng lẻ, bởi như cựu Bí thư Huyện ủy này bộc bạch, yêu rừng quá không dứt ra được, nên những ngày cuối đời và cả khi giã từ trần thế, chỉ muốn được rừng xanh ôm ấp giữa đất mẹ nghìn năm, để trọn nghĩa với đại ngàn.

.

Thiện Thành