Sau nhiều dư luận về tác động tiêu cực của xả lũ đến đời sống người dân, được biết quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện miền Trung đang được nghiên cứu để sửa đổi. Với cái “sai cơ bản” của quy trình hiện nay được chỉ ra là việc đưa những tham số “hết sức không chắc chắn” vào để buộc mọi người tuân theo, trong khi với lưu vực sông nhỏ, địa hình dốc, lũ miền Trung về rất nhanh và vượt ngoài dự báo; nhiều địa phương miền Trung đang đồng tình với phương án nên điều hành theo mùa thay vì từng cơn lũ như hiện nay. Dù sao đi nữa, an toàn của người dân vẫn phải đặt lên trên hết.
Đưa quá nhiều yếu tố bất định vào quy trình
Có thể giải thích một cách đơn giản, quy trình xả lũ hiện nay của chúng ta áp dụng cho các thủy điện khu vực miền Trung là điều hành theo từng cơn lũ, dựa trên bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn và khả năng dự báo của bản thân các hồ. Các chủ hồ sẽ hạ cao trình nước trong hồ để đón lũ dựa theo bản tin dự báo trong vòng 24 giờ tới và bản tin 6 đến 12 giờ tới. Nếu dự báo nước về nhiều, các chủ hồ sẽ phải hạ mực nước xuống thấp hơn tương ứng để góp phần cắt giảm lũ. Quy trình này đã được áp dụng thành công trên hệ thống các sông lớn như sông Hồng và sông Cửu Long.
Tuy nhiên, điều gì làm cho quy trình này phá sản? Điểm cốt yếu nhất đã được ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ ra, đó là: “Chúng ta đưa những tham số hết sức không chắc chắn vào quy trình”. Để quy trình phát huy hiệu quả chống lũ, chúng ta cần phải có bản tin dự báo thời tiết đúng - cả về thời gian và lưu lượng lũ; chủ hồ thực hiện nghiêm chỉnh việc hạ mực nước đúng như yêu cầu. Tất cả những điều này đều khó như tìm đường lên trời vậy. Trong khi ai cũng biết về chất lượng các bản tin dự báo thời tiết thì đặc điểm tự nhiên của lưu vực các sông miền Trung còn làm cho bản tin này trở nên kém tin cậy hơn bất cứ khu vực nào trên cả nước. Nguyên nhân do lưu vực các sông ở đây đều nhỏ và dốc, mưa ở thượng nguồn đổ về hạ lưu cực kỳ nhanh, ào một cái, tất cả đã ngập trắng.
Nhà dân ở Quảng Ngãi chìm trong cơn lũ dữ hồi tháng 11 vừa qua |
Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng trong cuộc họp với Bộ Công thương về vận hành thủy điện cho biết: Trong đợt mưa xảy ra “tai tiếng” (hồi tháng 11) vừa qua, trong 7 tiếng đồng hồ mưa tại Khâm Đức để xảy ra lũ chảy về Đắk Mi 4, thì sau 3 tiếng đồng hồ thôi đã xuất hiện đỉnh lũ vào hồ Đắk Mi 4 rồi; làm gì có thời gian để đợi “nếu dự báo trong 6 đến 12 giờ tới lũ về đạt đỉnh” thì các hồ vận hành giảm đỉnh lũ như trong quy trình phê duyệt.
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị tham mưu xây dựng quy trình vận hành các hồ cũng thừa nhận: Vận hành theo từng cơn lũ đòi hỏi mấy việc, chủ hồ phải nâng cao năng lực dự báo, tăng cường hệ thống quan trắc, phục vụ việc dự báo vận hành hồ của mình, đặc biệt là vào mùa lũ; thứ hai là người điều hành chỉ huy cơn chống lũ phải hết sức kiên quyết, nhanh, chậm một chút thôi là đỉnh lũ qua. Việc này đòi hỏi “hết sức chuyên môn sâu”.
Để vận hành được cái quy trình hiện nay, không chỉ là năng lực dự báo chung của ngành khí tượng thủy văn, trước hết việc quan trắc mưa, dự báo lượng nước về để điều hành là trách nhiệm của chủ hồ. Nếu dự báo sai sẽ không còn hiệu quả nữa. Thế nhưng, chưa nói đến vấn đề chất lượng các bản tin dự báo, thì ông Bảy còn cho biết có tình trạng các chủ hồ nấn ná, “có dự báo nhưng vẫn lo không biết nước có về hay không, chờ thêm một tí, đến lúc lũ về thì xả không kịp”.
Nên điều hành theo mùa
Vậy tại sao một quy trình bất định như vậy lại được lựa chọn? Được biết, ngay từ khi xây dựng đã có tranh cãi việc nên vận hành theo mùa, tức là cứ đến mùa lũ các hồ thủy điện phải hạ mực nước hồ xuống một cao trình nhất định để chừa lại dung tích đón lũ, kết thúc mùa lũ lại tích nước trở lại để phát điện. Ông Hoàng Văn Bảy thừa nhận rằng, với cách điều hành này, “thế chủ động của chúng ta rất là rõ, dễ, đỡ đổ cho nhau”, nhưng “rất căng thẳng là liên quan đến hiệu quả đầu tư của các nhà máy điện”. Sau khi “cân nhắc cả năm trời, giải trình lên giải trình xuống” thì kết quả chúng ta đều đã biết.
Tuy nhiên, với những hậu quả đã xảy ra, một lần nữa các địa phương lại kiến nghị phải vận hành hồ thủy điện theo mùa. Lãnh đạo Quảng Nam kiến nghị: Cứ đến 1 - 9 hàng năm, các hồ thủy điện giảm cao trình tích nước xuống một mức nhất định, thấp hơn mức hiện nay. Cụ thể, A Vương giảm 3m, xuống 373m; Đắk Mi 4 xuống 251m so với mức 255m hiện nay; sông Tranh 2 hiện để tự do ở mức 161m, cũng được đề nghị hạ xuống. Theo kinh nghiệm của Quảng Nam, từ 1/9 đến 1/10 là lũ chính vụ, lượng nước về sẽ rất nhanh nên các nhà máy vẫn có nước xả để phát điện.
Đến 31/12, hết mùa lũ, các hồ thủy điện sẽ được đảm bảo mực nước dâng bình thường, như vậy vẫn có đủ nước cho cả mùa khô năm sau. Thậm chí, đang có những ý kiến đề nghị có phương án đền bù, “mua” dung tích phòng lũ của các hồ thủy điện, nếu đến cuối mùa lũ họ không tích đủ nước. Phương án này cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều địa phương miền Trung khác cũng như đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường.
.