Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/dan-kho-vi-khong-co-cau-432467/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/dan-kho-vi-khong-co-cau-432467/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dân khổ vì không có cầu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 24/12/2013, 08:59 [GMT+7]

Dân khổ vì không có cầu

(Congannghean.vn)-Xã Nam Xuân, Nam Đàn có cầu Phù Đồng bắc qua sông Đào được xây dựng từ năm 1973, là cây cầu huyết mạch có ý nghĩa quan trọng trong giao thương cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây. Trải qua thời gian, cây cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình trên, năm 2011, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án xây mới cầu Phù Đồng với tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khi cầu cũ bị dỡ bỏ, cầu tạm lại không được xây dựng nên mọi hoạt động đi lại, sản xuất của bà con bị ngưng trệ, gây bức xúc cho người dân.
 
Đầu tháng 12/2013, khi cầu Phù Đồng bị dỡ bỏ để xây mới theo kế hoạch đã phê duyệt của Dự án, người dân xã Nam Xuân rất lo lắng và bức xúc. Bởi cầu cũ bị phá dỡ nhưng lại không có cầu tạm nào để người dân đi lại qua sông. Điều này đã khiến hàng nghìn người dân tại địa phương này gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động giao thương và sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xóm 3 với hơn 120 hộ dân đều có đất sản xuất nằm phía bên kia cầu, khi cầu bị phá dỡ thì mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ hoàn toàn. Trong thời gian qua, người dân xóm 3 phải đi đường vòng qua cầu Cay (xa hơn qua cầu cũ khoảng 8 đến 10 km) mới ra được đến ruộng, trong khi đó nếu có cầu tạm thì chỉ cách vài bước chân là đã tới được đất sản xuất của mình.
 
Ông Nguyễn Hữu Nhi, người dân xóm 3 bức xúc nói với chúng tôi: “Thời điểm làm vụ Đông Xuân đã đến rồi, nhưng không có cầu để trâu bò, xe kéo vận chuyển vật tư phân bón ra đồng. Nếu dắt trâu ra đồng bằng đường vòng thì cả đi cả về mất hơn 4 tiếng đồng hồ, thời gian đâu nữa mà gieo trồng, sản xuất. Chính quyền muốn làm cầu gì thì làm, nhưng trước hết phải đảm bảo cho nhân dân đi lại và lao động sản xuất. Nếu không đi làm vụ mùa thì lấy gì để thu hoạch, làm thế khác nào bảo chúng tôi bỏ ruộng cho rồi”.
 
Cầu Phù Đồng đã được dỡ bỏ để xây mới
Cầu Phù Đồng đã được dỡ bỏ để xây mới
 
Trước nhu cầu bức thiết về đi lại của nhiều người dân, anh Nguyễn Công Mạnh, một người dân ở xóm 3 đã đứng ra làm một chiếc bè để chuyên chở bà con qua sông. Có mặt tại xã Nam Xuân vào một ngày trời mưa tầm tã, chúng tôi chứng kiến cảnh mọi người đang xếp hàng dài chờ đến lượt mình bước lên chiếc bè nứa, phương tiện duy nhất để người dân sang sông lúc này. Tuy nhiên, ai muốn qua bên kia sông thì phải chịu mức phí từ 2.000 đến 5.000 đồng/lượt (gồm cả người và xe), còn mỗi hộ muốn qua sông phải nộp 70.000 đồng/tháng. Điều đáng nói, chiếc bè thì nhỏ nhưng vừa chở người vừa chở hai ba chiếc xe máy cứ chòng chành đến sợ. Dẫu biết rằng, chiếc bè này không đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhưng vì không còn cách nào khác nên người dân đành cố liều chấp nhận.
 
Ông Nguyễn Vinh Thắng nói giọng rưng rưng: “Qua bên kia sông hái được mớ rau ra chợ bán được 18 nghìn đồng, mà mất 4 nghìn đồng tiền bè cả đi và về rồi. Nếu ngày nào cũng mất tiền bè như vậy thì lấy đâu ra tiền mà mua thức ăn nữa”.
 
Còn ông Nguyễn Hữu Hà - Bí thư Chi bộ xóm 3 giải thích: “Phía bên này cầu Phù Đồng là xóm 3 và bên kia là 5 xóm gồm xóm 8, 9, 10, 11 và 12 dường như bị chia cắt hoàn toàn. 5 xóm bên kia muốn lên UBND xã, huyện hoặc đi chợ Chùa, người dân đều phải đi đường vòng mất gần 10 km, các em học sinh mầm non và tiểu học cũng chấp nhận vượt quãng đường xa xôi mới đến được trường. Điều chúng tôi thấy vô lý là cả một Dự án hơn 13 tỷ đồng mà không làm cầu tạm cho dân đi lại thì thật bất cập, vừa gây ách tắc giao thông, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của dân. Bây giờ muốn qua sông phải mất tiền bè, mà một ngày có thể đi nhiều chuyến liên tục, trong khi chiếc cầu này dự kiến xây dựng trong thời gian 6 tháng, tính ra khoản tiền đi bè phải trả cũng đã nhiều lắm rồi”.
 
Không có cầu tạm để đi lại nên người dân phải đi bè qua sông với mức phí từ 2.000 đến 5.000 đồng
Không có cầu tạm để đi lại nên người dân phải đi bè qua sông với mức phí từ 2.000 đến 5.000 đồng
 
Đem những bức xúc và lo lắng của người dân trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, ông Dũng cho biết: Trước sự xuống cấp của cầu Phù Đồng, xã đã làm tờ trình xin tỉnh cho Dự án xây mới cầu này. Năm 2011, tỉnh phê duyệt Dự án và giao cho UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư. Do đó, xã chỉ là đơn vị chủ quản chứ không trực tiếp quản lý. Xã cũng chỉ biết do không có kinh phí nên không xây cầu tạm mà thôi. Đối với người dân xóm 3, do đồng ruộng đều ở bên kia cầu nên xã đã quyết định trích 1 triệu đồng/tháng hỗ trợ cho anh Nguyễn Công Mạnh (chủ bè) để giảm tiền đi bè đối với các hộ dân xóm 3 từ 70.000 đồng/hộ/tháng xuống 30.000 đồng/hộ/tháng. Còn việc xã thu của anh Mạnh mỗi tháng 300.000 đồng là tiền phí bến bãi để anh có ý thức và trách nhiệm hơn…”.
 
Mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét nguyện vọng chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại cần vận động, tuyên truyền đến mọi người dân được biết, để khơi dậy sức mạnh toàn dân, trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm, để cầu Phù Đồng xã Nam Xuân sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.
.

Lê Hoa