(Congannghean.vn)- Lâu nay, người dân xóm 10, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc hết sức hoang mang bởi xóm liên tiếp có người bị chết do ung thư. Xóm trưởng Trần Bá Huệ không dấu nỗi buồn và lo lắng cho biết: Trong khoảng 15 năm trở lại đây, toàn xóm có 17 trường hợp bị chết vì bệnh này. Đó là chưa kể nhiều người khác ở xóm 9 có nhà cận kề với xóm 10 cũng chịu chung số phận.
Người dân địa phương cho rằng: Hiện tượng bất thường này là do họ phải sử dụng nguồn nước nhiễm thuốc trừ sâu từ kho thuốc bảo vệ thực vật của HTX nông nghiệp Nghi Thịnh khi xưa để lại. Hộ bị ảnh hưởng đầu tiên là gia đình bà Lê Thị Phượng. Nhà bà ở gần kề kho đựng thuốc trừ sâu của HTX, bà đẻ non khi thai mới sáu tháng tuổi. Sau đó không lâu, chồng bà cũng qua đời vì bệnh ung thư. Xóm trưởng Trần Bá Huệ là người chứng kiến việc xử lý số thuốc trừ sâu còn lại khi kho này bị dỡ bỏ do HTX giải thể.
Ông Huệ cho biết: "Năm 1994, HTX giải tán, trong kho còn nhiều thuốc trừ sâu. Người ta xử lý bằng cách đưa các thùng, các bình thuốc như DDT, 666, pha-ra-tốc ra chôn. Có một bình 18 lít người ta chôn ở chỗ này. Qua thời gian lâu rồi, khi mưa nắng thì vẫn bốc lên mùi thuốc trừ sâu. Các giếng khơi, giếng đào nhiều khi múc nước lên cũng nặng mùi thuốc trừ sâu".
Như để chứng minh điều mình nói, ông Huệ còn dẫn chúng tôi đến góc vườn của một gia đình nằm trên phần đất mà khi xưa là nhà kho đựng thuốc trừ sâu của HTX. Ở đây có một cái chum bị vỡ, vốn là dụng cụ chứa thuốc trừ sâu trước đây. Quả thật, dẫu đã gần 20 năm phơi nắng, phơi mưa nhưng khi ngồi cạnh cái chum vỡ này, chúng tôi vẫn thấy mùi khó chịu của thuốc trừ sâu bốc lên.
Vườn chanh của hộ bà Phạm Thị Lành ở xóm 10, xã Nghi Mỹ, huyện Nghi Lộc trước kia là kho thuốc trừ sâu |
Cũng tương tự như xóm 10, xã Nghi Thịnh, xóm 10, xã Nghi Mỹ chỉ có hơn 100 nóc nhà, thế mà 10 năm qua, xóm có trên 10 người phải ra đi vì bệnh ung thư quái ác. Đó là chưa kể nhiều trường hợp khác bị đẻ non, sinh con bị các dị tật bẩm sinh. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là hơn 30 hộ gia đình ở quanh khu vực vốn là kho thuốc BVTV của Công ty Vật tư Nghi Lộc. Kho thuốc xưa kia nay là nhà ở và vườn cây ăn quả của các hộ dân.
Cũng với cách xử lý thủ công sơ sài khi phá bỏ nhà kho, lượng thuốc trừ sâu tồn dư vẫn còn lớn, việc nhận biết bằng cảm quan không mấy khó khăn. Đưa chúng tôi ra ngoài vườn chanh, bà Phạm Thị Lành ở xóm 10, xã Nghi Mỹ cho biết: "Nơi đây xưa kia là kho thuốc trừ sâu của Công ty Vật tư Nghi Lộc. Gia đình tôi hàng năm dùng vôi bột cải tạo. Thế nhưng đã hơn 10 năm, mỗi khi trời mưa chuyển sang nắng, ra ngoài vườn thấy nặc mùi thuốc trừ sâu".
Nghi ngờ nguồn nước bị nhiễm thuốc trừ sâu, người dân địa phương đã bỏ giếng khơi, giếng thùng và chuyển sang sử dụng giếng khoan. Thế nhưng, loại giếng này ở xóm 10, xã Nghi Thịnh chỉ sử dụng được nguồn nước ở độ sâu 4 m. Với mạch nước ngầm nông thế này, xem ra tình thế thay đổi cũng không được là bao. Người trong xóm vẫn nối tiếp bị ung thư và theo nhau từ giã cõi trần. Trước hiện tượng bất thường này, Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An và UBND huyện Nghi Lộc chỉ đạo ngành y tế huyện tiến hành khảo sát tổng thể để đánh giá chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại hai khu dân cư này.
Kết quả cho thấy, nguồn nước sinh hoạt tại đây đều bị nhiễm bẩn và có lượng thuốc BVTV vượt chỉ giới an toàn ở mức khá cao. Ngành y tế đã đề xuất với UBND huyện một số giải pháp khắc phục như nâng cấp trạm nước sạch xã Nghi Diên, xây dựng Nhà máy nước sông Cấm gần cầu Phương Tích, triển khai lắp đặt hệ thống dẫn nước sạch của Nhà máy nước Nam Giang.
Ông Vương Quang Trung - Trưởng phòng y tế huyện Nghi Lộc cho biết: Trước mắt, ngành Y tế khuyến cáo người dân tự khắc phục nguồn nước tại gia đình: "Chúng tôi khuyến cáo nhân dân trước mắt nên đầu tư bể đựng nước mưa, lọc sơ bộ để lấy nước sinh hoạt. Nếu hộ gia đình có điều kiện thì dùng thiết bị lọc RO của Kanguro thì sẽ đảm bảo nước sinh hoạt trước mắt".
Theo khuyến cáo của ngành y tế, người dân cũng bắt đầu sử dụng máy lọc nước tinh khiết. Thế nhưng, số hộ có điều kiện dùng thiết bị này mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhân dân hai xóm mong muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ cải tạo môi trường. Trước mắt, chương trình nước sạch về nông thôn sớm được đưa vào sử dụng. Như vậy mới có thể chấm dứt việc người làng bị ung thư cứ lần lượt ra đi, để lại nỗi xót thương lẫn hoang mang cho người dân ở địa phương.