Gia đình xã hội

Về vụ cưỡng chế thi hành án một gia đình thương binh

08:02, 16/11/2013 (GMT+7)
Theo đó, ngày 6/11/2013, Cục THADS tỉnh Nghệ An đã cưỡng chế ngôi nhà số 174, ngõ 64, đường Phan Đăng Lưu, thuộc khối 10, phường Trường Thi. Đây là tài sản sau ly hôn, được bà Mai Thị Phương Lan thỏa thuận chuyển quyền sở hữu cho ông Phan Sỹ Mai và các con. Tuy nhiên, tại Điều 1, Quyết định cưỡng chế số 13/QĐ-CTHA của Cục THADS tỉnh Nghệ An vẫn ghi: "Kê biên, xử lý tài sản của bà Mai Thị Phương Lan...". 
 
Nỗi uất ức của một thương binh
 
Theo đơn trình bày của ông Phan Sỹ Mai, sau hơn 9 năm tham gia quân đội, ông xin chuyển ngành với vết thương ở vùng đầu và nhận chế độ thương binh 4/4. Là thương binh, ông được Nhà nước ưu tiên mua một mảnh đất có diện tích 157,9 m2. Sau đó (năm 1989), ông kết hôn cùng bà Mai Thị Phương Lan. Bà Lan không có công ăn việc làm nên cuộc sống vô cùng vất vả. Ông Mai vừa phải bươn chải nuôi sống mình và vợ con, vừa tích cóp, vay mượn đến năm 2000 thì xây được ngôi nhà 2 tầng. Do bà Lan sa vào lô đề, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, vợ chồng ông Mai dắt díu nhau ra tòa.
 
Ngày 25/2/2009, Tòa án nhân dân TP Vinh ra Quyết định số 19/2009/QĐ-ST "Công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự" cho ông Phan Sỹ Mai và bà Mai Thị Phương Lan. Theo đó, 3 người con chung được ông Mai trực tiếp nuôi dưỡng. "Về tài sản: Ông Phan Sỹ Mai và bà Mai Thị Phương Lan thỏa thuận, tự phân chia với nhau, không yêu cầu Tòa án giải quyết". Ngày 1/3/2009, bà Lan viết "Đơn thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn", tự nguyện chuyển toàn bộ số tài sản được chia gồm 1/5 trong khối tài sản nhà, đất cho ông Mai và các con.
 
Ngày 6/11, Cục THADS tỉnh Nghệ An cưỡng chế thành công  ngôi nhà của ông Mai
Ngày 6/11, Cục THADS tỉnh Nghệ An cưỡng chế thành công ngôi nhà của ông Mai
 
Tháng 7/2009, bà Lan bị bắt vì liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản án số 43/2010/HSST ngày 26/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 14 năm tù đối với bà Lan vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; yêu cầu bà Lan bồi thường thiệt hại cho 21 nạn nhân với tổng số tiền 1.085.700.000 đồng, 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm, 42.240.000 đồng án phí dân sự. Bản án cũng nêu rõ: "Đối với thửa đất, ngôi nhà số 174, ngõ 64, đường Phan Đăng Lưu, TP Vinh, hiện do anh Phan Sỹ Mai (chồng của bị cáo Mai Thị Phương Lan đã ly hôn) và các con của Mai Thị Phương Lan sở hữu quản lý. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã xác minh, xem xét chưa có quyết định xử lý, vì vậy, không có căn cứ để xét giải quyết tại bản án này".
 
Khi bà Lan đang thụ án tại Trại giam số 6, Bộ Công an thì ngày 10/8/2011, Cục THADS tỉnh Nghệ An ra Quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản số 13/QĐ-CTHA. Dù ông Mai và các con kịch liệt phản đối, nhưng toàn bộ số tài sản trên đã bị kê biên, xử lý. Sau nhiều lần đem ra đấu giá, đến ngày 20/9/2013, Cục THADS tỉnh Nghệ An đã ra Thông báo số 898/TB-THA về việc bán đấu giá tài sản thành công và yêu cầu tự nguyện giao nhà; yêu cầu ông Mai và các con ra khỏi nhà, đồng thời chuyển toàn bộ tài sản, đồ dùng sinh hoạt đến nơi ở mới để Cục THADS tỉnh Nghệ An giao nhà cho người trúng giá trong thời hạn 15 ngày. Từ giá trị được định giá ban đầu là 3,2 tỷ đồng, nhưng khi đem ra đấu giá lần cuối, ngôi nhà 2 tầng và mảnh đất 157,9 m2 chỉ được bán với giá 1.678.715.000 đồng.
 
Cùng ngày, Cục THADS tỉnh Nghệ An cũng ra thông báo mời ông Mai đến nhận số tiền bán nhà là 839.357.500 đồng. Bất bình với quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý và bán đấu giá số tài sản trên, gia đình ông Mai quyết định không lên nhận số tiền bán đấu giá. Đến ngày 6/11/2013, Cục THADS tỉnh tổ chức cưỡng chế ngôi nhà số 174, ngõ 64, đường Phan Đăng Lưu. Không còn nơi ở, bố con thương binh Phan Sỹ Mai buộc phải đến tá túc tại nhà dì, em bà Lan, bản thân ông Mai phải nằm điều trị tại Bệnh viện GTVT vì vết thương cũ tái phát.
 
Thi hành cưỡng chế đã thấu tình đạt lý?
 
Gặp chúng tôi trong ngôi nhà do chính ông một tay tạo dựng, trước ngày bị cưỡng chế gần 1 tuần, ông Mai chua xót: "Tôi được Nhà nước ưu tiên mua một suất đất khi chưa lập gia đình. Vợ tôi không nghề, không ngỗng, chỉ ở nhà nuôi con. Cơ ngơi này một tay tôi gây dựng, vợ tôi không những không tìm việc làm mà lại lao vào lô đề, cuộc sống không hạnh phúc mới phải dắt nhau ra tòa. Tôi cống hiến cho đất nước, được Nhà nước công nhận, ưu tiên một mảnh đất để ổn định cuộc sống. Vợ chồng ly hôn, tôi một nách nuôi 3 đứa con, không nghĩ rằng sẽ có một ngày Cục THADS tỉnh lại cưỡng chế ngôi nhà này, làm trái với Bản án số 43/2010/HSST ngày 26/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, đẩy 4 cha con tôi ra đường. Đối xử như thế với một thương binh đã đổ xương máu vì Tổ quốc có quá đáng không chú? Rồi bố con tôi biết ở vào đâu?".
 
Ông Mai trong ngôi nhà số 174, ngõ 64, đường Phan Đăng Lưu, 1 tuần trước ngày cưỡng chế
Ông Mai trong ngôi nhà số 174, ngõ 64, đường Phan Đăng Lưu, 1 tuần trước ngày cưỡng chế
Ông Mai kể tiếp: "Không thuyết phục được tôi, Thi hành án đồng ý bán đấu giá nhà và đất, chị Lê Thị Hải, chấp hành viên (CHV), Cục THADS tỉnh nhiều lần gọi điện, đến nhà, thậm chí đến cơ quan yêu cầu tôi phải thi hành án. Bản thân chị Hải nhiều lần đưa người đến nhà tôi để bán nhà và nói, nếu tôi đồng ý đưa 822.500.000 (để thi hành án - P.V) thì nhà sẽ không bị đem ra bán đấu giá. Nhưng đồng lương của tôi nuôi 3 con ăn học còn không đủ lấy đâu ra hơn 800 triệu đồng thi hành án thay cho người vợ đã ly hôn?". Cháu Phan Thị Huyền Trang (SN 1990), con đầu của ông Mai, bà Lan còn cho biết: "Nhiều lần cô Hải gọi điện đến yêu cầu cháu động viên bố bán cả nhà, đất. Không những gọi điện, cô Hải còn liên tục nhắn tin cho cháu yêu cầu cháu thuyết phục bố bán nhà...".
 
Trao đổi với chúng tôi, CHV Lê Thị Hải, người trực tiếp thi hành án bản án đối với bà Mai Thị Phương Lan cho biết: Trước lúc ra quyết định kê biên tài sản, Cục THADS tỉnh đã thông báo để ông Mai, bà Lan khởi kiện chia tài sản nhưng ông Mai không thực hiện quyền chia tài sản. Sau đó, Cục THADS tỉnh đã thẩm định để cho bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đến lần thứ 9 mới tìm được người mua với giá chỉ hơn 1/2 giá trị định giá ban đầu (1.678.715.000 đồng). Bà Hải khẳng định, đơn thỏa thuận phân chia tài sản sau ly hôn của bà Lan không có tính pháp lý, vì "Cái này phải do cơ quan cấp GCNQSDĐ và cơ quan Thuế chứng nhận (?)". Bà Hải cũng thừa nhận việc cưỡng chế thi hành án đi trái với Bản án số 43/2010/HSST ngày 26/5/2010 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, nhưng "Chấp hành viên có quyền xác định nguồn gốc tài sản để thi hành án (?)" - Bà Hải lý giải. 
 
Hiện, gia đình ông Mai đang ở nhờ nhà em ruột bà Lan. Ông Mai cho rằng, việc Cục THADS tỉnh tiến hành cưỡng chế là trái pháp luật, bởi bà Lan đã thuận tình trao toàn bộ số tài sản thuộc phần của mình sau ly hôn cho các con, có văn bản hẳn hoi. Hơn nữa, Bản án số 43/2010/HSST cũng nhấn mạnh, chưa có căn cứ xử lý số tài sản trên.
 
"Chúng tôi nhiều lần phản đối nhưng không hiểu vì sao, Cục THADS tỉnh vẫn quyết định thi hành án số tài sản trên? Dù đó còn là tài sản chung của hai vợ chồng đi chăng nữa, việc cưỡng chế cũng không được cưỡng chế phần tài sản của tôi. Tôi cho rằng, đằng sau quyết định cưỡng chế, kết quả đấu giá còn nhiều khuất tất cần làm rõ, vì sao một khối tài sản đã được định giá 3,2 tỷ đồng, nhưng sau đó, kết quả đấu giá chỉ được hơn 1,6 tỷ đồng" - ông Mai bức xúc.
 
Mục 2, 3, 8, Điều 21, Luật Thi hành án dân sự quy định những việc chấp hành viên không được làm:
 
2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
 
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
 
8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

Văn Dũng

Các tin khác