Gia đình xã hội
Nâng cấp điểm bưu điện văn hóa: Cần sự vào cuộc của các cấp, ngành
(Congannghean.vn)- Chương trình xây dựng điểm bưu điện văn hóa xã được ngành Bưu chính Viễn thông triển khai từ năm 1998. Sau 15 năm thực hiện, đến nay, cả nước có trên 8.150 điểm bưu điện văn hóa xã, trong đó có trên 3.000 điểm thuộc xã miền núi, chiếm 36%; 1.705 điểm thuộc các xã đặc biệt khó khăn, chiếm 21%.
Riêng Nghệ An, có 404/480 xã, phường, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã. Trong đó, gần 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa có điểm bưu điện văn hóa xã. Trong 10 năm đầu, điểm bưu điện văn hóa xã đạt được nhiều kết quả to lớn, người dân nông thôn được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, viễn thông cần thiết, tiếp nhận được các nguồn thông tin; góp phần giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Tuy nhiên, những năm gần đây, mô hình này bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém cần khẩn trương khắc phục nhằm đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới.
Thực trạng.
Theo cô Vi Thị Hoài, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Châu Tiến (Quỳ Châu) thì, khách hàng của cô đa dạng lắm. Lớp trẻ thì có những bạn như Lương Thị Hằng, Vi Thị Yến... đến đây để đọc sách, báo và cả tán gẫu; bà con ở các xóm đến để mua sim, thẻ điện thoại, bì thư…
Bà Sầm Thị Bình - Chủ nhiệm HTX Làng nghề thổ cẩm ở xã Châu Tiến cho biết, nhờ có điểm bưu điện văn hóa xã, bà gặp nhiều thuận lợi khi nhận hoặc chuyển thư, bưu phẩm phát nhanh. Bà là người quan hệ rộng trong việc làm ăn, con cái đều ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh nên trở thành khách thường xuyên của điểm bưu điện văn hóa xã trong nhiều năm nay.
Cũng theo cô Hoài, mấy năm gần đây, Bưu điện văn hóa xã không còn “tấp nập” như trước. Có nhiều lý do, trong đó, theo cô thì việc “phổ cập” điện thoại di động đến tận từng nhà, từng người là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Có điện thoại di động, bà con không cần đến đây “a lô” cho người thân, thư từ cũng vậy, ít người còn dùng. Phong bì phần lớn được bà con mua dùng trong các đám hiếu, hỉ...
Tuy nhiên, cô Hoài vẫn lạc quan rằng, điểm Bưu điện văn hóa xã vẫn cần thiết cho người dân, nhất là ở vùng miền núi như xã Châu Tiến quê cô. Khác với niềm lạc quan như cô Vi Thị Hoài ở xã vùng cao Châu Tiến (Quỳ Châu), ông Trần Thượng Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành (Yên Thành) cho biết, điểm Bưu điện văn hóa ở xã ông ngừng hoạt động đã vài năm nay.
Lý do là hoạt động không hiệu quả, nhân viên chê lương thấp lại không có bảo hiểm xã hội, doanh thu kém nên họ xin nghỉ và hiện chưa có người thay. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại huyện Yên Thành, trong 30 điểm bưu điện văn hóa xã thì có 6 điểm đang “tạm ngừng hoạt động” hoặc đang trong tình trạng “cầm cự” như các xã Tăng Thành, Nam Thành,
Hợp Thành, Bảo Thành, Trung Thành và Tây Thành… Ở huyện Đô Lương cũng có tới 8/32 điểm lâm vào hoàn cảnh tương tự. Theo bà Ngô Thị Thủy - Giám đốc Bưu điện huyện Diễn Châu thì, huyện này có 34/39 xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa, hầu hết các điểm đều hoạt động “tương đối hiệu quả”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy chưa có điểm nào “tạm ngừng hoạt động”, nhưng hầu hết điểm bưu điện văn hóa xã không phát huy được hiệu quả như yêu cầu.
Đổi mới để phát triển.
Cần cải tiến, đổi mới để nâng cao hiệu quả của các điểm bưu điện văn hóa xã |
|
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam nói chung, Bưu điện Nghệ An nói riêng đã, đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thêm nhiều dịch vụ như chi trả lương hưu, chuyển giao giấy CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe… bước đầu thu được một số kết quả khả quan.
Tuy nhiên, với mức lương “cứng” 850.000 đồng, nhân viên nào năng động trong kinh doanh thì có thu nhập cao hơn, nhưng khó có thể trên 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cho đến thời điểm này, nhân viên bưu điện văn hóa xã chưa có bảo hiểm xã hội.
Đã thế, sau hơn 10 năm hoạt động, nhiều điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh ta từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện phục vụ xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ bưu chính, văn hóa của người dân nông thôn đang ngày một cao.Phải chăng, thực tế đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng phần lớn bưu điện văn hóa xã đang hoạt động cầm chừng, thậm chí có một số điểm phải tạm ngừng hoạt động?
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Quang Hào - Giám đốc Bưu điện Nghệ An cho biết, vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của bưu điện văn hóa xã đang là trăn trở của cả ngành Bưu chính. Sắp tới, ngành sẽ có những chủ trương mới, mở thêm những dịch vụ mới; vấn đề quyền lợi của nhân viên bưu điện văn hóa xã sẽ được quan tâm hơn, trong đó, nhân viên có thể được hỗ trợ 50% số tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Có thể khẳng định, mô hình kết hợp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông với việc phổ biến thông tin và đọc sách, báo miễn phí cho người dân vùng nông thôn được ngành Bưu chính Viễn thông triển khai thực hiện từ năm 1998 đã thực sự phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong đó, nổi bật là vai trò chuyển tải những thông tin chính thống về cơ sở, góp phần ổn định chính trị ở nông thôn; đồng thời, tạo điều kiện cho bà con nông dân được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ văn hóa và các dịch vụ khác.
Tuy vài ba năm gần đây, điểm bưu điện văn hóa xã đang bộc lộ những vấn đề bất cập, nhưng thực tế cho thấy: Mô hình này vẫn thích hợp, cần thiết trong tiến trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Cần khẳng định, vai trò của điểm bưu điện văn hóa xã trong việc cung cấp thông tin, văn hóa kết hợp với các dịch vụ bưu chính và các dịch vụ khác là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay.
Do đó, mô hình này cần phải được cải tiến, đổi mới toàn diện từ nâng cao cơ sở vật chất, mở rộng dịch vụ cho đến nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên làm công tác này. Để đạt được điều đó không chỉ có ngành Bưu chính vào cuộc mà cần sự phối hợp thực sự của các ngành, các cấp từ tiền của cho đến sự quan tâm, tạo điều kiện.
Việt Long