Gia đình xã hội

Bấp bênh lao động làng nghề truyền thống

10:14, 20/11/2013 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Việc phát triển nghề và làng nghề được huyện Đô Lương (Nghệ An) xác định là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất trong nghề và làng nghề ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, chưa thu hút được nhiều lao động tham gia.
 
Đô Lương được biết đến với các nghề: Bánh đa kẹo lạc, nồi đất, mây, tre đan, ươm tơ dệt lụa... Hiện nay, còn xuất hiện thêm các nghề mới như sản xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí, khai thác cát, chế biến nông, lâm sản. Không thể phủ nhận nghề và làng nghề ở Đô Lương phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đem lại giá trị sản xuất cao. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đối với nghề và làng nghề đạt trên 100 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm là 12,18%. Giá trị sản xuất từ nghề năm sau luôn cao hơn năm trước. Những nghề mang lại giá trị sản xuất cao như: Mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây, tre đan, bánh đa kẹo lạc. Có thể nói, nghề và làng nghề ở Đô Lương luôn phát triển theo hướng đa nghề, các xã tiếp tục duy trì những nghề đã có và du nhập thêm nghề mới phù hợp với thực tế lao động tại địa phương. Nhiều năm qua, nghề và làng nghề phát triển đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình.
 
Do giá ươm tơ thấp nên nhiều hộ dân chủ yếu nuôi tằm bày bán thành món đặc sản
Do giá ươm tơ thấp nên nhiều hộ dân chủ yếu nuôi tằm bày bán thành món đặc sản
 
Tuy nhiên, nếu như trước đây nghề trồng dâu nuôi tằm thu hút đông lao động và là nghề sản xuất chính ở một số xã của huyện Đô Lương thì những năm trở lại đây, nghề này đang có xu hướng giảm lao động, một số cơ sở đã ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. Điển hình như làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương. Ở thời kỳ hưng thịnh, có hơn 500 hộ tham gia trồng dâu nuôi tằm, sản phẩm đầu ra ổn định. Thế nhưng, 5 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm đang dần dần mai một, nhiều nơi phải ngừng hoạt động vì sản phẩm làm ra qua nhiều khâu trung gian nên giá trị ngày công không tương xứng với sức lao động dẫn đến tình trạng người dân tìm nghề khác để làm, cho thu nhập ổn định hơn. Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự là làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở Xuân Như (Đô Lương), hiện đang gặp nhiều khó khăn như đầu ra chưa ổn định, giá kén thấp, hơn nữa kỹ thuật ươm tơ kém hiệu quả nên sản phẩm làm ra thường bị ép giá. Chính vì vậy, nhiều hộ sau khi nuôi tằm trưởng thành sẵn sàng bán tằm ăn.
 
Ngoài ra, còn một số nghề và làng nghề khác như nồi đất, hiện nay, lượng lao động cũng đang giảm dần. Một số làng sản xuất nồi đất do chủ cơ sở chuyển sang nghề khác nên việc duy trì và phát triển nghề đang gặp khó khăn. Những nghề mới như cơ khí mỏ, khai thác cát chỉ dừng lại ở việc khai thác lao động của gia đình, hoặc nếu có thuê người làm thì cũng chỉ khoảng 5 - 7 người. Không chủ động được nguồn hàng, phụ thuộc vào chủ hàng cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cơ sở gặp khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành nghề.
 
Theo ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương cho biết: Thời hoàng kim, nghề trồng dâu nuôi tằm giúp người dân trên địa bàn huyện xóa đói giảm nghèo, làm giàu. Lúc ấy, diện tích khoảng 700 ha được trồng phủ kín dọc bờ sông Lam. Đến thời điểm này, nhiều nơi mạnh ai nấy làm, gặp phải biến động giá cả, thay đổi thị trường thì gần như bị tê liệt. Từ nguyên nhân đó mà hiện nay, diện tích giảm xuống chỉ còn 300 ha trồng dâu nuôi tằm. Việc khôi phục nghề phát triển trở lại để hình thành thêm ngày càng nhiều diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn là điều cần thiết.
 
Trước thực trạng trên, huyện Đô Lương đang có cơ chế chính sách hỗ trợ giá giống dâu trồng mới, tập trung phát triển vùng chuyên canh, tìm đầu ra ổn định. Đồng thời, giải quyết những khó khăn vướng mắc, có như thế mới tạo động lực thúc đẩy nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững.

Trường Khuyên

Các tin khác