Họ có đủ thành phần, già trẻ, trai gái tranh thủ lúc nông nhàn kiếm thêm chút thu nhập trang trải cho cuộc sống… Trong số họ, ít ai kịp nghĩ, chỉ ít lâu nữa thôi, những cánh én báo hiệu mùa Xuân sẽ chỉ còn lại trong ký ức xa xăm.
Những ngày nông nhàn, khi ruộng lúa, nương ngô, bãi lạc đã được làm sạch cỏ chờ ngày thu hoạch, những người nông dân chân chất không biết buôn bán, không có nghề phụ, họ rủ nhau ra những con đường làng đánh bắt chim trời. Mỗi nhóm đem một tấm lưới thưa đủ để lũ én sau khi sập bẫy không thể thoát ra, dài chừng 5 - 6 m, rộng 2 - 3m, hai đầu được cố định bởi một ống nứa, tạo thành góc quay so với mặt đất. Họ nói, nghề đánh chim trời chỉ “thịnh” trong ba tháng đầu Xuân và vào dịp tháng 7, 8 âm lịch.
Kỹ nghệ đánh chim bằng giàn nhử
Những lúc ấy, không hiểu từ đâu, lũ én, cò bay về không biết cơ man nào kể xiết. Chúng chao lên không trung rồi liệng xuống những con đường đi ngang qua bãi ngô, bãi lạc, nơi có đồng loại của chúng bị bắt làm chim mồi đang vùng vẫy.
Lũ chim mồi bị buộc chặt vào những sợi dây cước, chúng luôn cố gắng thoát ra và bay lên cao mỗi khi bị giật dây mà đâu biết rằng, hành động bản năng của mình đã vô tình nhử đồng loại đến gần hơn tới ranh giới giữa sự sống và cái chết. Khi một chú én sà cánh xuống mặt đường, hai người ngồi hai đầu chăm chú theo dõi, bất ngờ cất lưới. Cứ vài ba phút một mẻ lưới, những thợ săn chim lại ngất ngây trong nụ cười chiến thắng.
Lưới đánh én thường được đặt ở những con đường có khoảng không gian rộng, không có cây cối, dây điện cản trở. Họ nói, lũ én không sợ người, dù nhìn thấy chỗ đông người nhưng có đồng loại của mình vẫy vùng trên mặt đất, dường như chúng cũng lao xuống để làm nhiệm vụ giải thoát. Nhiều người nói, lũ én tội nghiệp nhưng cũng vì chúng dại dột, dẫu biết chết mà vẫn lao vào như những con thiêu thân nên mới mắc bẫy.
Một “sát thủ” chim trời
Ít có chú én nào lao xuống mà thoát khỏi tay những thợ săn lão luyện. Những “Sứ giả mùa Xuân” mỏng manh, yếu đuối may mắn có thể giữ nguyên vẹn hình hài, không bị chảy máu, gãy cánh, xù lông khi bị sức mạnh của những tấm lưới quật mạnh xuống nền bê tông. Nhưng cũng có nhiều chú én đã bị chết trước khi được đưa đến các nhà hàng, quán nhậu.
Lũ trẻ nhỏ và cả người lớn háo hức khi mỗi mẻ lưới đều đem về những chiến lợi phẩm, còn những con én xấu số, chúng như những con thiêu thân, trước sứ mệnh giải thoát cho đồng loại bất thành. Thợ đánh én bảo, mỗi lần cất lưới chỉ được 1 con bởi lũ én thường không đi thành bầy đàn, vì thế mỗi ngày cùng lắm cũng chỉ đánh được nhiều nhất là 400 - 500 con. Đến mùa đánh chim sẻ, tình hình khả quan hơn, có khi đánh bắt được hàng nghìn con bởi mỗi lần cất lưới, có khi hai, ba chục con cùng dính bẫy.
Điều khiển lưới đánh én chỉ cần hai người, thậm chí một người cũng đủ. Sau những cơn mưa, trời hửng là lúc thích hợp nhất cho việc đánh én. Nhiều gia đình tận dụng hết quỹ thời gian tập trung vào việc đánh én. Sáng sớm, con cái đến trường, bố mẹ, cô chú, cụ dì cùng ra đồng đánh én. Trưa về, lũ trẻ ra thay, mọi người về ăn cơm để buổi chiều tiếp tục đánh én. Nếu làm cật lực từ 7 - 8 giờ đến 15 - 16 giờ, có thể thu về trên dưới 500 con én. Vì đánh én chỉ làm được vài tháng đầu Xuân nên khi đã đi đánh én, ai cũng muốn tranh thủ bắt thật nhiều chim én.
Lâu nay, chim trời là một thứ đặc sản, tận hưởng hương vị của “Sứ giả mùa Xuân” lại càng khiến nhiều thực khách mê đắm. Họ nói, thịt én béo, săn chắc, lại thơm hơn bất cứ loại chim trời nào. Chẳng biết các nhà hàng chế biến thế nào nhưng nếu được ngồi nhâm nhi chén rượu bên một đĩa chim én quay cùng bè bạn thì thực khách không còn muốn rời bàn nhậu.
Chính vì thế, ngày càng có nhiều người tranh thủ lúc nông nhàn, ra giêng cả nhà đi đánh én, sản phẩm thì khỏi lo về đầu ra, đánh được đến đâu có người đến đặt hàng mua tới đó. Đánh én cũng giúp nhiều gia đình có thêm khoản thu nhập kha khá, mỗi cặp én sống được các nhà hàng đến lấy giá khoảng 7.000 - 8.000 đồng.
Đánh én bằng lưới tuy không phải đầu tư nhiều nhưng tốn công sức và chưa thể gọi là chuyên nghiệp. Ở Diễn Thành, có những gia đình hành nghề đánh chim trời cả chục năm nay. Họ làm cả những dàn nhử hàng chục cọc công phu. Trên mỗi giàn nhử được đính rất nhiều những chú chim mồi hình nộm.
Trên các giàn nhử như thế đều được phết một loại keo đặc biệt mà chỉ cần chim trời khờ dại mắc lừa là bị dính chặt. Làm giàn nhử tuy tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng được cái, mùa nào chim ấy, ra giêng nhử én, hè về nhử lũ sẻ đồng, giữa thu, đầu đông thì nhử cò vạc… chỉ cần thay chim mồi là có thể tận dụng giàn nhử đến cả vài ba năm vẫn chưa hỏng.
Cách đánh chim này, số lượng chim én bắt được mỗi ngày có thể ít hơn đánh lưới nhưng người đỡ mệt, lại có thể đánh bắt bất cứ lúc nào… Để thuận tiện việc đánh bắt chim trời, người dân Diễn Thành còn làm cả những chòi canh, chỉ cần một người chuyên ngồi trông, khi thấy chim dính bẫy đi gỡ là được.
Chúng tôi không có dịp được mục sở thị “kỹ nghệ” đánh chim trời ở những xã khác của huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, qua lời ông Phan Nhật Thành - Chủ tịch UBND xã Diễn Thành được biết, trên địa bàn huyện Diễn Châu có nhiều xã “kỹ nghệ” đánh chim còn đạt đến trình độ “thượng đẳng”. Ở Diễn Thành, tuy tình trạng đánh bắt chim trời diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền tới người dân chứ chưa áp dụng một chế tài xử phạt nào đối với những người chuyên đi đánh bắt chim trời.
Năm nào cũng vậy, đàn chim trời khờ dại vẫn bay về nơi đây. Phải chăng, sứ mệnh của chúng là đem đến mùa Xuân cho con người, cho dù chúng có bị chính con người phụ bạc?
Văn Dũng
.