Hôm ấy, Chủ tọa Phiên tòa tuyên phạt bà mức án 7 năm tù giam. 7 năm dài dằng dặc bởi tuổi bà còn bao lâu. Mà chắc là, mức án bà nhận từ quy định của pháp luật dành cho hành vi của bà không phải là điều khiến bà đau đớn nhất. Bởi ngoài hình phạt này, bà còn chịu đựng sự dằn vặt tâm tưởng vào những năm cuối của kiếp người.
Tuổi già còn bề bộn nghĩ suy
1. Bà tên Trần Thị Bưởi, cái tên nghe rặt chất quê dẫu cho gốc bà ở Sài Gòn, miệt Nhà Bè. Về sau, bà chuyển qua sinh sống cùng con cái ở huyện Bình Chánh. Bình Chánh hay Nhà Bè cũng đều là những huyện vùng ven của Sài Gòn còn nhiều khó khăn, đường xá ngổn ngang.
Chớm thời con gái, bà lập gia đình, sinh liền tù tì 8 người con. Người lớn sinh năm 1968, người nhỏ nhất sinh năm 1982. Sau khi sinh người con cuối cùng, thì chồng bà mất. Con cái bà đều đã lớn nhưng lại có cảm giác, họ phải nhọc nhằn kiếm sống chứ không dư dả gì. Chính vì không dư dả, nên họ để bà kiếm thêm đồng ra đồng vào bằng nghề phụ việc nhà. Chính từ đây, bi kịch cuối đời của bà đã diễn ra.
Người thuê bà giúp việc, có mối quan hệ huyết thống cùng bà. Bà gọi người này là cô ruột. Bà về nhà cô ruột phụ việc được hơn mười hôm, thì xảy ra chuyện.
Bà có hai người cô, một người cô định cư ở Mỹ, người cô còn lại trông coi căn nhà nơi bà đang giúp việc. Mà chắc là họ cũng thương bà, nên mức lương hàng tháng của bà so với mức lương của người giúp việc khác rất cao, 5 triệu/tháng.
Một ngày đầu tháng 5/2012, cô bà nhờ bà mở tủ để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mang ra ủy ban nhân dân làm giấy tờ. Trong lúc lục tìm mảnh giấy này, bà phát hiện có một túi ny-lon màu đen nằm trong góc tủ. Do tò mò, bà mở túi ny-lon ra xem thì choáng váng khi thấy bên trong túi toàn vàng miếng SJC, loại 1 lượng/miếng. Không kịp nghĩ gì khác, bà nhanh chóng lấy bịch vàng giấu dưới chân cầu thang. Đồng thời, thưa với người cô rằng bà không tìm thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tin lời bà, người cô không hỏi gì thêm.
Bà giấu số vàng đó ngay góc cầu thang trong nhiều ngày liền, mãi sau bà mới bỏ vào ba lô rồi xin phép cô cho về nhà vài hôm để giải quyết chuyện gia đình. Người cô của bà đồng ý. Mang vàng về nhà, bà đưa cho cô con gái 2 lượng để trả nợ nần. Bà nói dối với con, đó là số vàng mà người cô ruột thương tình ứng lương cho bà để bà trả nợ. Số vàng còn lại, bà bỏ trong bịch ny-lon mang chôn ở mảnh đất sát bên cạnh nhà. Xong đâu đấy, bà trở lại nhà cô làm việc.
Ngẫu nhiên trong thời điểm này, người cô ruột ở Mỹ của bà về Việt Nam thăm quê. Lại ngẫu nhiên, người cô bà đang chăm sóc đang nằm bệnh viện do suy giảm sức khỏe vì tuổi tác. Và cũng rất ngẫu nhiên, số vàng mà bà trộm trong tủ chính là số vàng của người cô ở Mỹ nhờ người cô đang sống tại Việt Nam cất giùm.
Rất nhiều cái ngẫu nhiên, tạo nên sự nghiệt ngã của số phận.
Bà Trần Thị Bưởi bị giải đi sau phiên Tòa sơ thẩm
Người cô từ Mỹ về, mở tủ lấy vàng để đi giao dịch không thấy. Hoảng hốt, bà liền đến Cơ quan Công an trình báo. Nhận được tin báo về vụ mất cắp tài sản lớn, Cơ quan Công an lập tức tiến hành điều tra. Lúc này, người cô từ Mỹ về mới nhớ, trong nhà chỉ có sự có mặt của bà là đáng ngờ nhất.
“Con có lấy vàng trong tủ không Bưởi?”, người cô hỏi. “Dạ, có ạ. Con lỡ dại, vì con thiếu nợ nhiều, người ta thúc ép quá”, bà trả lời. “Con mang vàng trả lại cho cô đi giải quyết công việc”, người cô yêu cầu. Và bà đồng ý.
Ngay khi nhận được yêu cầu của người cô, bà vội vã về nhà đào vàng lên, hỏi khắp con trai con gái để gom góp số tiền hơn 80 triệu (tiền bán 2 lượng vàng trước đó - K.H.) mang ra Cơ quan Công an nộp lại và khai báo toàn bộ vụ việc.
Đã không còn cơ hội cho bà để vụ việc có thể được giải quyết trong nội bộ của gia đình. Hiển nhiên, người cô của bà không muốn bà ra Tòa, lại càng không muốn bà đi tù. Nhưng biết là làm sao, luật là luật và hành vi sai luật phải nhận hình phạt tương thích.
Câu chuyện của bà có buồn không? Buồn chứ. Tuổi già đã đủ để buồn, huống hồ tuổi già vướng vào vòng lao lý, nỗi buồn lại càng tuyệt vọng hơn. Buồn như nhìn chiều đi, hiu hắt đấy, xao lòng đấy nhưng không biết phải là làm sao để thoát khỏi tình cảnh này. Nếu như phận bà không nghèo, nếu như đời bà may mắn, nếu con cái đủ khả năng lo lắng cho tuổi già của bà… bà đã không vướng phải sự bất trắc của đời sống mọi thứ sẽ khác hơn.
Chắc bà sẽ trách bà trong hơn hai nghìn ngày trong phòng giam, hai nghìn ngày đủ sức nuốt chửng khoảng thời gian ít ỏi mà bà còn may mắn được sở hữu. Khoảnh khắc bà thấy túi ny-lon đựng đầy vàng, bà đã không thể nghĩ đến cảnh bà phải đứng trước phiên tòa hôm ấy.
2. Tôi tuyệt nhiên không có thói quen trách cứ người già. Cứ nhìn người suy mình, biết đâu sau này mình già, mình còn đổi tính đến mức lẩm cẩm hơn. Mà cũng có thể, do tình cảm của tôi dành cho ba má mình.
Do đặc tính nghề nghiệp, tôi tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi. Ít khi tiếp xúc trong khung cảnh ấm áp, toàn là trong hoàn cảnh đượm nhiều nỗi buồn.
Nhớ hôm xuống Củ Chi, gặp bà nội của cô bé mười ba tuổi bị cha lừa sang Campuchia để “thế nợ”. Bà dáng người khắc khổ, nói dăm câu lại khóc mấy lần. Chiều ấy sâm sẩm tối, gió lùa xuyên qua nhà vắng, thổi nước mắt già nua vào tôi lạnh buốt đầu ngón tay. Chuyện của bà buồn lắm, nỗi buồn sinh ra từ khốn khó. Có cậu con trai thì cậu vướng vào cờ bạc, con dâu ẵm cháu nội về nhà mẹ đẻ, bà thương cháu mà không biết làm sao. Ông con chơi bài chán chê mê mải ở quê nhà, nghe lời bạn bè rủ rê “Sang Campuchia đánh dễ ăn lắm”, vậy là hí hửng mò sang chơi. Chơi cạn tiền, mang mạng sống mình ra cầm. Cầm xong, gọi điện thoại về cầu cứu bà, bà làm gì có tiền để mà cứu. Căn nhà bé xíu xíu ở Củ Chi, bán không ai mua, mà bán rồi thì tuổi già ở đâu? Cùng đường, ông con lừa chính con gái ruột mình sang Campuchia thế nợ để gây áp lực cho vợ mang tiền chuộc về.
Tôi ngồi với bà xong, sang nhà cô con dâu để trao đổi thêm. Cô con dâu sống chung với mẹ đẻ, nhà cũng không dư dả gì. Để có tiền chuộc con về, cô phải vay mượn tứ tung. Chị có nói với tôi, ngỏ ý trách gia đình bên chồng, không có động thái gì để cứu cháu nội về nước. Mấy lần tôi định nói với chị là, bà làm gì có tiền. Nhưng nghĩ sao, lại thôi. Tôi chỉ nhớ đến đôi bàn tay đen đúa với những đầu ngón tay chai sần của bà do nghề đan lát tạo ra.
Năm 2003, tôi đang là sinh viên năm 3 - Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Đợt đó, Khoa yêu cầu sinh viên đi thực tập 3 tuần tại vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nhiệm vụ của chúng tôi là sưu tầm, khảo cứu những bài hát ru, ca dao đang được truyền khẩu trong dân gian, gọi là đi điền dã. Mỗi tốp sinh viên hơn 10 người, được chính quyền địa phương bố trí cho ở nhà dân để tiện việc sưu tầm.
Cách nơi nhóm của tôi lưu trú chừng 200 mét, là căn nhà mà nếu tôi nhớ không nhầm là căn nhà của bà Thương. Tôi toàn gọi bà là “Bà Thương”, bà quý tôi lắm, khen tôi nhiều điều. Người cung cấp cho nhóm tôi nhiều câu hát ru nhất chính là bà, có những câu hát ru rất lạ chúng tôi mới được nghe lần đầu.
Ở quê, trời mau tối. Đêm ấy, tầm 20 giờ, bà chống gậy tẩn mẩn tìm đến nơi tôi ở, gọi tôi ra trước sân thì thầm (tôi nhớ như in lời bà nói): “Con biết không, con đừng gọi bà là bà Thương nữa. Ở đây, người ta gọi bà là bà Hai. Người già không thích gọi tên, con ạ. Lúc đầu nghe con gọi, bà giận lắm. Nhưng bà nghĩ, con ở Sài Gòn về không biết nên bà không trách. Đáng lẽ, bà không gặp con để nói chuyện này đâu. Nhưng mà, bà thương con, bà mới nói”. Dứt câu chuyện, bà lại chống gậy về nhà. Tôi đi cạnh bên, luôn miệng xin lỗi rất bối rối. Đến nơi, bà vào trong nhà rồi, tôi còn đứng ngoài ngõ suy nghĩ miên man. Đó là bài học đầu tiên tôi được một người già dạy cho.
Ngày về Sài Gòn kết thúc khóa thực tập, tôi chỉ kịp chào bà ít câu. Bà đang ngồi đan giỏ bàn, nhìn tôi cười tạm biệt, thương lắm. Vài năm trước, tôi đi công tác ở An Giang, ghé thăm bà. Nhà đã đổi chủ, nghe hàng xóm nói bà theo con cái dời nhà vào sinh sống ở tuốt miệt Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Tôi về lại khách sạn, vẫn cứ nhớ váng vất lời bà dạy đêm nào.
Không biết, giờ bà còn hay đã mất? Chuyện thoáng chốc mà đã mười năm trôi.
ANTG
.