Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25839-gui-tam-hon-qua-nhung-sac-mau-tho-cam-392862/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25839-gui-tam-hon-qua-nhung-sac-mau-tho-cam-392862/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gửi tâm hồn qua những sắc màu thổ cẩm - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 28/01/2013, 07:49 [GMT+7]
25839

Gửi tâm hồn qua những sắc màu thổ cẩm

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 15km, làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu chìm khuất trong con đường khúc khuỷu, gập ghềnh sỏi đá. Nơi đây sắc màu núi rừng và tâm hồn của người phụ nữ Thái đều được gửi gắm qua các sản phẩm thổ cẩm nức tiếng gần xa.
 
Những bậc cao niên trong bản cũng chẳng còn ai nhớ nghề dệt thổ cẩm có từ khi nào, chỉ biết rằng đó là nghề truyền thống của ông cha được truyền từ đời này qua đời khác và đến bây giờ, nó vẫn là niềm tự hào của bà con nơi đây. Bản Hoa Tiến với 100% là đồng bào dân tộc Thái từ xa xưa đã tự tay dệt nên những sản phẩm dùng trong cuộc sống sinh hoạt và làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng.
 
Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, người phụ nữ Thái phải trải qua rất nhiều công đoạn từ trồng bông, nuôi tằm, kéo sợi, cuốn sợi, kéo khung đến cuối cùng là dệt vải. Do tất cả công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và lòng kiên nhẫn. Đã là con gái Thái thì ai cũng phải biết thêu thùa và dệt thổ cẩm.
 
Ngay từ khi còn là những cô bé 9 - 10 tuổi, con gái Thái đều được bà và mẹ truyền dạy cho nghề truyền thống với mong muốn sau này về nhà chồng sẽ trở thành người phụ nữ đảm đang, khéo léo. Hầu hết trong các gia đình ở bản Hoa Tiến đều có một khung cửi riêng và những đồ dùng phục vụ cho nghề dệt truyền thống. Sau những giờ làm việc nặng nhọc trên nương rẫy, thời gian rảnh rỗi là chị em phụ nữ lại miệt mài, cần mẫn bên khung cửi quen thuộc.
 
Mỗi chiếc khăn Piêu hay chiếc váy thổ cẩm làm ra đều gửi gắm trong đó tình yêu lao động và ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no đủ đầy. Những đường nét, màu sắc và hoa văn trên mỗi sản phẩm đều là sự kỳ công, sáng tạo của người thợ dệt, thể hiện sự tinh tế, nhẹ nhàng nhưng cũng hết sức khoáng đạt, rắn rỏi như chính tâm hồn người dân vùng núi.
 
Sản phẩm dệt thổ cẩm Hoa Tiến chủ yếu là các loại khăn, váy và tấm treo. Trung bình mỗi chiếc khăn bán ra ngoài thị trường có giá từ 100.000 - 300.000 đồng/chiếc và tấm treo khoảng 500.000 đồng - 1 triệu đồng tùy theo sự lựa chọn của khách hàng. Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn thiện, người phụ nữ Thái cần khoảng 3 ngày, đối với những sản phẩm tinh tế, kỳ công thì cần thời gian lâu hơn (10 ngày trở lên).
 
Tuy nhiên, do có thuận lợi về nguồn nhân lực chủ yếu là người bản địa được thừa hưởng nghề truyền thống của cha ông, có tay nghề cao cùng với sự say mê, nhiệt tình lao động nên nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến ngày càng phát triển với những sản phẩm phong phú, đa dạng, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.
 
Sau nhiều cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương, đặc biệt là của những người thợ dệt thì đến năm 2009, Hoa Tiến đã được UBND tỉnh công nhận là “Làng nghề dệt thổ cẩm”. Năm 2010, Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm truyền thống ra đời nhằm phát triển và nhân rộng hơn nữa mô hình của địa phương.
 
Những chính sách hỗ trợ thiết thực cùng các dự án đầu tư với nguồn vốn tương đối đã giúp cho làng nghề sống lại và phát triển bền bỉ, lâu dài với thời gian. Các sản phẩm làm ra đều được tập trung tại đây, sau đó mang đi các đại lý, thông qua hội chợ, dịp lễ nhằm giới thiệu và quảng bá đến với du khách gần xa. Hiện nay, thổ cẩm Hoa Tiến với chủng loại đa dạng, phong phú không những có mặt ở hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn được xuất khẩu sang một số nước có nền kinh tế phát triển của thế giới như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Ý…
 
“Dệt thổ cẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho đời sống dân bản nói chung nhưng trên hết, Hoa Tiến muốn duy trì tổ nghiệp cha ông để lại. Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã đã có hơn 60 thành viên trong độ tuổi từ 30 - 50 với mức thu nhập khá. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa những lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao tay nghề cho chị em để sản phẩm truyền thống ngày càng chất lượng, đạt độ thẩm mỹ cao, thu hút người tiêu dùng nội địa và vươn rộng hơn nữa ra thị trường quốc tế” - Chị Sầm Thị Bích, chủ nhiệm Hợp tác xã chia sẻ.
 
Những ngày giáp Tết, có dịp đặt chân lên mảnh đất Quỳ Châu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và lạc vào một thế giới đầy màu sắc của những chiếc khăn Piêu truyền thống hay váy áo xúng xính làm nên nét duyên dáng của người con gái Thái. Một mùa Xuân nữa về trên rẻo cao lại thêm phần ngọt ngào, nồng đượm.
 
Trong cái lạnh se sắt của ngày cuối năm, sắc màu Châu Tiến như làm cho lòng người ấm lại. Xa xa trong phiên chợ quê, du khách vẫn còn cảm nhận rất rõ trái tim thổn thức và ánh mắt tình tứ của những đôi trai gái trao nhau trong sắc Xuân ngập tràn…

Ngọc Anh
.