Khoảng 17h ngày 3/11, sản phụ Dương Thị Nguyệt thấy đau bụng. Nghĩ rằng đến thời điểm chuyển dạ nên chị vội đi đến phòng khám đa khoa Bắc Kỳ Anh để khám. Khi đến nơi thấy y sỹ sản nhi Trần Thị Nguyệt đang đánh bóng chuyền, sản phụ đành ngồi chờ ở bậc tam cấp phòng khám. Khoảng 17h30, chị Nguyệt được y tá trưởng Phùng Thị Thủy, là người trực ở phòng khám tiến hành đo áp huyết. Kết quả huyết áp bình thường.
Đến gần 18 giờ, y sỹ Trần Thị Nguyệt đánh bóng chuyền xong mới tiến hành thăm khám cho thai phụ. Trong quá trình khám, thấy thai nhi có những biểu hiện bất thường và nghi bị thai ngôi ngang nên nữ hộ sinh này liền hướng dẫn cho sản phụ lên tuyến trên để sinh. Đến Bệnh viện huyện Kỳ Anh, qua quá trình siêu âm, nghe tim thai, các y, bác sỹ ở đây kết luận song thai đã tử vong.
Sau vụ việc trên, Sở Y tế Hà Tĩnh, Bệnh viện huyện Kỳ Anh đã tiến hành kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Mới đây, Sở Y tế Hà Tĩnh ra văn bản kết luận, nội dung ghi rõ, y sỹ Trần Thị Nguyệt đã vi phạm các quy định: Không khám bệnh kịp thời mà để bệnh nhân phải ngồi chờ; vi phạm quy chế chuyên môn, khám thai không đúng quy trình, không nghe tim thai; chuyển bệnh nhân lên tuyến trên không đúng quy trình, không có hồ sơ chuyển viện, không có nhân viên y tế hộ tống bệnh nhân.
Quyết định điều chuyển y sỹ vi phạm lên công tác tại bệnh viện huyện |
Chưa vội phân tích tính chính xác và khách quan của kết luận trên, điều khiến dư luận bức xúc là trong khi chưa có quyết định kỷ luật cuối cùng thì ngày 19/11, Giám đốc Bệnh viện huyện Kỳ Anh đã bất ngờ ra quyết định điều chuyển y sỹ Trần Thị Nguyệt lên công tác tại phòng khám bệnh viện huyện. Nhiều người cho rằng, lẽ ra khi đã có kết luận của Sở Y tế Hà Tĩnh, Bệnh viện huyện Kỳ Anh nên tạm đình chỉ công tác đối với y sỹ Trần Thị Nguyệt. Sau đó tùy vào mức độ kỷ luật để đưa ra quyết định thuyên chuyển mới hợp lý.
“Rõ ràng việc điều chuyển trong trường hợp này là không hợp lý. Khách quan mà nói, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các y, bác sỹ có biểu hiện chai lỳ cảm xúc, suy thoái về y đức. Qua vụ việc này, tôi nghĩ ngành y tế Hà Tĩnh nên chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ phục vụ của những người thầy thuốc nếu không thì thật nguy hiểm. Và nếu không xử lý nghiêm, cứ mỗi khi vi phạm lại chuyển sang vị trí khác tốt hơn nơi cũ như cô Nguyệt thì ai cũng muốn vi phạm”, một cán bộ y tế đã nghỉ hưu bộc bạch.
Còn bà H., một người dân ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, bức xúc: “Hai mạng người chứ có phải ít đâu. Người dân chúng tôi khi đau ốm chỉ biết cậy nhờ vào bệnh viện mà họ lại coi mạng người như cỏ rác thế kia thì còn biết trông vào đâu. Các chú xem, để xảy ra việc như vậy rồi thản nhiên đi nơi khác làm thì còn đâu kỷ cương phép nước, còn đâu đạo đức người thầy thuốc”.
Để tìm hiểu vấn đề, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Bệnh viện huyện Kỳ Anh và được bác sỹ Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện giải thích rằng, việc ra quyết định thuyên chuyển y sỹ Trần Thị Nguyệt lên công tác tại khoa khám bệnh là căn cứ vào nhu cầu về nhân lực chứ không liên quan gì đến vụ song thai tử vong. Đây là việc làm bình thường, nằm trong thẩm quyền của bệnh viện. Tuy nhiên, khi được hỏi, chẳng nhẽ khoa khám bệnh thiếu y sỹ trầm trọng đến mức phải điều chuyển ngay lập tức cán bộ đang vi phạm ở nơi khác về thì vị Phó Giám đốc này lại im lặng.
Bà Phan Thị Xuân Liễu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Kỳ Anh đã có quyết định bất ngờ khi chuyển nữ hộ sinh vi phạm lên bệnh viện huyện công tác
Cũng liên quan đến quyết định điều chuyển nữ y sỹ sản nhi trên, một cán bộ Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng, việc này không có gì đáng phải “lăn tăn”. Nếu trong trường hợp vi phạm chưa làm rõ thì không được, chứ vi phạm của cô này đã rõ ràng nên chuyển lên đấy rồi kỷ luật sau cũng không vấn đề gì.
Quả thật, chúng tôi hết sức bất ngờ trước cách giải thích trên, bởi nó cho thấy một sự chai lỳ cảm xúc khác về trách nhiệm. Phải chăng, khi đưa ra “lời bào chữa” trên, vị cán bộ này quên mất rằng, hai sinh mạng bé bỏng chưa kịp chào đời kia bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của chính cán bộ cấp dưới mình?!.
Hai sinh linh bé bỏng không bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời chỉ vì sự tắc trách của người thầy thuốc nhưng cách xử lý cán bộ vi phạm của ngành y tế cho thấy còn nhiều điều chưa thỏa đáng. Ngay cả bản kết luận cũng chưa khách quan và chính xác, bởi nó không hề nhắc đến trách nhiệm của từng cá nhân trong kíp trực.
Dư luận cho rằng, ngành y tế Hà Tĩnh cần phải làm rõ và xử lý nghiêm khắc những sai phạm nhằm chấn chỉnh kịp thời tinh thần, thái độ phục vụ của những người thầy thuốc đối với người bệnh.
P.V
.