Ngôi làng bị "bỏ quên"
Từ TP Vinh theo QL46 rẽ qua chợ Sáo, xã Nam Giang, men con đường liên thôn quen thuộc xóm Đồng 1, Vân Hội 3, chúng tôi đến với xóm Lâm Nghiệp, xã Kim Liên, Nam Đàn chỉ trong chốc lát.
Đứng chân ở cầu Bản, phóng mắt lên đồi thông vi vút, men theo lối mòn đi giữa rừng thông, qua nhiều cồn đất bị xói mòn chúng tôi có mặt ở đây, nơi 12 hộ dân sinh sống từ mấy chục năm nay.
Cụ Nguyễn Thị Châu, năm nay đã bước sang tuổi 75, là người lớn tuổi nhất ngôi làng này bộc bạch: "Mấy chục năm nay rồi chú ạ, bà con chòm xóm chúng tôi "đóng cửa" bảo nhau thôi, chẳng có một ai dòm ngó đến". Căn nhà của bà Châu Thị Lan (64 tuổi) nằm khiêm tốn giữa làng hôm nay dường như đông vui nhất.
Bà tâm sự: Gia cảnh riêng tư của tôi dẫu không bằng bạn bằng bè nhưng cũng cho là ổn, con cái trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Đến giờ tôi chỉ mong ước có một điều đơn giản là làm sao những người như chúng tôi về già có một tổ chức đoàn thể để sinh hoạt, con cháu trong làng có nơi để vui chơi, ngày lễ, Tết có một nơi để vui vẻ. Sinh sống đã từ lâu nhưng mọi quyền lợi tối thiểu của con người cũng không được hưởng thụ.
Họ là những thanh niên xung phong. Năm 1970, Trạm Trồng cây Núi Chung thuộc Ty Lâm nghiệp Nghệ An được thành lập, họ được cấp trên giới thiệu, phân công về đây công tác, đến năm 1976 Trạm sáp nhập với Trạm Trồng cây thành phố Vinh. Từ năm 1982 đến nay, đơn vị được cắt về Lâm trường Đại Huệ - Nam Đàn quản lý.
Những hộ dân xóm Lâm Nghiệp
Với nhiệm vụ được giao là: Gieo, ươm sản xuất các loại cây giống; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, cây cảnh, trồng cây phủ kín Núi Chung. Sau hơn 20 năm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ họ được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ.
Trong số những công nhân từng làm việc tại đây, số thì trở về nghỉ hưu tại quê hương, số còn lại nghỉ hưu tại Đội Trồng cây Núi Chung, thuộc xã Kim Liên, Nam Đàn. Tại đây các công nhân này được Lâm trường chia cho mỗi hộ một ít diện tích đất ở và đất vườn đồi; sau đó các hộ được nhập khẩu thường trú tại xã Kim Liên, Nam Đàn với tên gọi mới: Xóm Lâm Nghiệp.
Có đất dựng nhà và làm vườn, trồng cây, 12 hộ dân ở đây đã làm tròn nghĩa vụ của Nhà nước trong việc đóng đầy đủ các loại thuế, tham gia các kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.
Bà Hoàng Thị Thanh (69 tuổi), là đảng viên, từng là Đội trưởng, Bí thư Chi bộ từ những năm 1976 - 1980, nhớ lại: Ngày ấy, sau khi chúng tôi được cấp trên cho ở lại khu vực lâm trường lập nghiệp, bà con ai nấy đồng lòng và hưởng ứng nhiệt tình mọi hoạt động của cấp trên, từ thuế quỹ đến thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân; mặc dù từ đó đến nay chúng tôi sinh sống độc lập, tạm bợ, mang tiếng là cư dân xóm Lâm Nghiệp nhưng chẳng được quyền lợi gì, từ chuyện con cái ăn học, chăm sóc sức khỏe đến việc tham gia các tổ chức, đoàn thể; thanh niên trong xóm trưởng thành, người thì học lên cao, còn số ở nhà muốn tham gia nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc cũng không được chấp nhận.
Nói xong, như để chứng minh cho trăn trở của mình, bà Thanh đưa cho chúng tôi xem tờ "Thông báo nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế đất năm 2000" do ông Vương Khánh Điệp - Chủ tịch UBND xã Kim Liên ký và tờ biên lại thu tiền thuế của Đội thuế Kim Liên, Chi cục Thuế Nam Đàn phát hành thực hiện về 2 nội dung: Thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế nhà đất.
Thế nhưng có một điều đáng quan tâm đó là dù người dân đã hoàn thành các loại thuế của Nhà nước quy định nhưng trên thực tế đến nay họ không có một giấy tờ nào hợp pháp công nhận quyền sử dụng đất của họ hay GCNQSDĐ.
Bức xúc và buồn bã cho cuộc sống thực tại của các hộ gia đình, từ năm 2005 và 2006, đại diện các hộ đã thống nhất làm đơn, cầu cứu các cấp từ xã, huyện nhưng đều không được giải quyết, tất cả đều rơi vào im lặng.
Chính quyền thiếu trách nhiệm?
Rõ ràng những phản ánh của 12 hộ dân thuộc xóm Lâm Nghiệp, xã Kim Liên về việc đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết những quyền lợi của họ về nơi ở, quyền hợp pháp về nơi ở, đất sản xuất và các quyền lợi liên quan về sinh hoạt, hội họp cho các tổ chức, đoàn thể... là hoàn toàn chính đáng.
Để làm rõ hơn những kiến nghị này, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Kim Liên, nơi 12 hộ dân đăng ký hộ khẩu thường trú.
Ông Trần Lê Chương - Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, người được cấp trên giao nhiệm vụ điều hành UBND xã sau khi người tiền nhiệm được phân công vị trí công tác khác.
Ông Chương cho biết: Những phản ánh của các hộ dân là có cơ sở. Thực tế trong nhiều năm qua chúng tôi rất quan tâm đến đời sống của họ; còn việc họ đề nghị xóm cần có nơi để sinh hoạt, hội họp, nhất là cho người cao tuổi và thanh thiếu nhi là vấn đề nan giải.
Công văn của UBND tỉnh yêu cầu xã Kim Liên kiểm tra, giải quyết |
Trước kia, xã cũng đã có cuộc họp và thống nhất chuyển 12 hộ xóm Lâm Nghiệp về sinh hoạt ở xóm Hội 4 nhưng vì điều kiện địa hình không thuận lợi, trong khi chi ủy, ban cán sự xóm Hội 4 không đồng lòng nên họ cũng không tham gia, cuối cùng lại trở về. Còn việc giải quyết liên quan đến đất ở và đất sản xuất chúng tôi không thuộc thẩm quyền.
Khi được hỏi, tình trạng trên kéo dài, người dân làm đơn nhiều lần yêu cầu giải quyết thì xã không quan tâm kiểm tra, giải quyết? Ông Chương cho biết: Tôi được giao làm Phó Chủ tịch vào năm 2004, cùng thời điểm với ông Lĩnh (Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã - PV), nhưng chúng tôi có nắm được dân gửi đơn lên đâu, chắc ông Lĩnh nhận được nhưng không thông qua (?!).
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã tiền nhiệm Trần Văn Lĩnh, nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nam Đàn, ông thẳng thừng: Tôi không nhận được bất cứ lá đơn nào của họ. Đơn gửi đã lâu, tôi không nhớ!
Trong khi đó, tất cả 12 hộ dân này đều giữ nguyên quan điểm là vào năm 2005, đại diện các hộ đã làm đơn gửi UBND xã Kim Liên nhưng không có hồi âm. Tiếp đến vào ngày 8/3/2006, họ đã tiếp tục gửi đơn lên HĐND-UBND huyện Nam Đàn.
Sau khi nhận đơn, ngày 12/3/2006, Chủ tịch HĐND huyện Nam Đàn Nguyễn Văn Bé đã ký, gửi chuyển đơn, hồ sơ cho UBND xã yêu cầu kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền. Đối chiếu với những gì chúng tôi thu thập được, có thể thấy những đòi hỏi, kiến nghị của 12 công dân thuộc xóm Lâm Nghiệp, xã Kim Liên là hoàn toàn chính đáng, nhưng vì sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người liên quan đã khiến sự việc trên kéo dài, gây mất niềm tin ở nhân dân.
Người dân đặt ra câu hỏi: Nếu sự việc vượt quá thẩm quyền và khả năng giải quyết của UBND xã thì tại sao họ không đứng ra tham mưu cho cấp trên tổ chức kiểm tra, giải quyết, để một sự việc tưởng chừng đơn giản lại kéo dài gần một thập kỷ, khiến họ phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi, làm ảnh hưởng đến tình hình chung cũng như mất an ninh trật tự ở địa phương?
Xuân Thống
.