Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/23866-khi-thu-han-lan-at-ly-tri-394464/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201211/23866-khi-thu-han-lan-at-ly-tri-394464/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi thù hận lấn át lý trí - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 01/11/2012, 14:00 [GMT+7]
23866

Khi thù hận lấn át lý trí

1. Ngày 27/10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phan Thị Tuyết (SN 1979), trú xã Đồng Lộc về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án, dù được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia nhưng hiện đã tử vong, điều đáng nói hơn, đó chính là người chồng đã gần 15 năm gắn bó. Vì những mâu thuẫn vặt vãnh trong cuộc sống, nửa đêm, lựa lúc chồng đang say ngủ, Tuyết đã châm lửa đốt chồng.
 
Mâu thuẫn vợ chồng, đó là tất cả những gì mà người mẹ của hai đứa trẻ này viện dẫn khi nói về nguyên nhân, mục đích và động cơ đốt chồng. Năm 1998, Tuyết - một cô gái quê xinh xắn, dù không có công việc ổn định, không được học hành bằng cấp nhưng vẫn được anh quân nhân Trần Văn Tự (SN 1975) để ý ngay sau khi giải ngũ trở về địa phương.
 
Sau khi làm lễ cưới, Tự thi đỗ cao đẳng, tốt nghiệp ra trường về nhận công tác giảng dạy tại huyện miền núi Vũ Quang đến năm 2004 mới chuyển công tác gần nhà. Trong thời gian ấy, Tuyết đã làm tròn phận sự của người vợ, người mẹ, tảo tần với ruộng đồng để nuôi con. Từ khi được chuyển về công tác gần nhà, tại Trường THCS Sơn Lộc, những tưởng mọi khó khăn, xa ngái bấy lâu nay được bù đắp.
 
Nào ngờ, những khúc mắc cũng nảy sinh từ đấy. Thực ra, theo người nhà thầy Tự, mâu thuẫn vợ chồng xảy ra từ năm 2003, khi sinh đứa con gái
Giết vợ, Cao Mạnh Cường (Hà Tĩnh) phải nhận bản án 10 năm tù
đầu lòng và chuyển ra ở riêng. Vợ chồng đã tính chuyện ly hôn song được gia đình hai bên vun vén vào nên tiếp tục sống chung với nhau. Cũng từ đấy, cuộc sống của đôi vợ chồng này thường xuyên xảy ra cãi cọ, đến độ con cái phải về ở hẳn với ông bà nội.
 
Một phần vì Tuyết vụng, nhưng nguyên nhân chính vẫn là Tự hay uống rượu, say về đánh đập vợ. Ban ngày lên lớp, Tự làm tròn phận sự của một giáo viên, nhưng tối về là nốc rượu đến say mèm để hành hạ vợ không thương tiếc.
 
Bi kịch xảy ra vào lúc 3 giờ ngày 20/10. Trước đó, Tự qua nhà bố mẹ đẻ kêu vợ con về sum họp ngày lễ. Trong khi ba mẹ con chở nhau bằng xe đạp về nhà thì Tự lại chạy xe máy đi uống rượu. Đến khoảng 1 giờ sáng, Tự khật khưỡng về nhà, gây sự đánh vợ rồi đuổi 3 mẹ con ra khỏi nhà, còn mình thì đóng cửa nằm ngủ. Uất ức, tủi phận, sau khi đưa các con đi ngủ nhờ nhà người quen, Tuyết đã lặng lẽ trở về châm lửa đốt nhà để giải thoát cho cuộc sống tù ngục của mình.
 
Lúc ấy tầm 3 giờ sáng, khi mọi người phát hiện ra lửa bùng phát bất thường trong đêm, chạy đến thì thấy Tự đang quằn quại trong đống lửa, bỏng toàn thân. Một tuần sau xảy ra vụ việc, hung thủ thực sự của vụ án là Phan Thị Tuyết đã cúi đầu nhận tội.
 
Phía trước người vợ nông nổi này là bản án, bởi tin từ chính quyền xã Đồng Lộc cho hay vào rạng sáng ngày 30/10 nạn nhân đã tử vong sau đúng 10 ngày điều trị. Chỉ tội hai đứa trẻ, một đứa lớp 4 và một đứa lớp 2, chúng còn quá nhỏ để đối diện với nỗi đau quá lớn này.
 
Phút gặp gỡ của con gái với người cha tử tù Nguyễn Khắc Long
mang bản án giết vợ ở trại tạm giam Công an tỉnh
 
2. Những vụ án, bất luận là lớn hay nhỏ thì vẫn luôn có những oan khiên để lại. Nhưng trong số những vụ án mà tôi tiệm cận, thì nỗi đau lắng đọng và âm ỉ hơn cả vẫn là những vụ án gia đình. Những người vợ, ông chồng sau hàng chục năm đầu ấp môi kề tay gối, chỉ vì những lục đục nhỏ nhặt trong cuộc sống không được giải quyết dứt điểm đã sinh ra bế tắc, thù hận và sau rốt là tìm cách sát hại nhau.
 
Còn nhớ, mới đây nhất, vụ án Nguyễn Văn Nhuần giết vợ ở xã Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu) hồi tháng 9/2012, hẳn ai được chứng kiến hình ảnh 5 đứa trẻ lít nhít, đứa lớn mới 14 tuổi và đứa nhỏ chưa đầy 2 tuổi buồn tênh trong vành tang trắng, sẽ không cầm được nước mắt. Vì sa vào cờ bạc, Nhuần đã lóa mắt trước ván bài đỏ đen mà quên mất việc trân trọng những giá trị thực về gia đình mình đang có.
 
Đáng thương hơn nữa khi mà người vợ bị Nhuần tước đi mạng sống, là một cô gái quê lam lũ, thương Nhuần cảnh gà trống nuôi con nên đã về làm vợ, làm mẹ một cách vô điều kiện. Ấy vậy mà, chỉ vì người vợ trẻ không chịu đưa 5 triệu mới bán lợn cho Nhuần đi chơi bạc, hắn đã đang tâm bóp cổ vợ đến chết rồi cố tạo hiện trường giả để chối tội. Mẹ mất, bố chờ ngày ra công đường nghe pháp luật phán xét tội trạng, 5 đứa trẻ giờ thực sự đã mất tất cả.
 
Trước đó, vào năm 2009, tại xã Hiến Sơn (Đô Lương), vụ án Nguyễn Công Hùng (SN 1956) sát hại vợ cũng gây xôn xao phố núi. Ngót hai chục năm sống chung dưới mái nhà, sinh được 3 đứa con, đến lúc đứa lớn chuẩn bị lập gia đình, đứa út cũng bắt đầu tự lập nghiệp được (16 tuổi), thì hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn.
 
Một ngày giữa tháng 5/2009, thấy vợ lạnh nhạt, Hùng đã dùng dao đâm chết vợ, sau đó tự đâm vào bụng mình nhưng không chết. Ông trời bắt tội gã sống để trả giá, với mức án chung thân. Nhưng bản án đời người, mà có lẽ Hùng sẽ rất ân hận nếu biết rằng, ba đứa con của mình, sau cú sốc mất mẹ, mất cha, đã phiêu bạt kỳ hồ, vào tận miền Nam làm thuê kiếm sống. Ngôi nhà rộng ở quê, hai mươi năm đong đầy hạnh phúc giờ đã rêu phong, hoang lạnh.
 
3. Chưa có con số thống kê chính thức, song trong những năm gần đây, vấn nạn bạo hành và kết thúc bằng những bản án nhói lòng xảy ra đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về bạo lực gia đình. Nghĩa phu thê tuyệt giao bằng cái chết và sự thù hận cho thấy sự bế tắc trong việc tìm được tiếng nói chung khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.
 
Tại hội nghị Quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình diễn ra cuối tháng 9/2012 tại Hà Nội vừa qua đã công bố những con số giật mình: 58% phụ nữ và 36% trẻ em hiện nay là nạn nhân của bạo hành gia đình. Trong khi nạn nhân trực tiếp luôn rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn bã, mệt mỏi, bi quan và có lúc muốn tự tử thì những đứa trẻ lại bị rối nhiễu tâm lý nặng.
 
Đặc biệt, những đứa trẻ trong các vụ án mạng gia đình, mà nạn nhân là chồng hoặc vợ, còn hung thủ là người đã phu thê giao bái, sau thảm án thường phải chịu tổn thất nặng nề về cuộc sống vật chất cũng như tinh thần.
 
Thực tế, nhiều vụ án như Nguyễn Khắc Long giết vợ ở bến đò cây Chanh (Anh Sơn), Cao Thị Liệu đốt chồng ở Nghĩa Đàn, Hồ Hải Tiến sát hại vợ ở Anh Sơn… những đứa trẻ mồ côi đều được đón về Làng trẻ em SOS Vinh nuôi dạy trong tình trạng tâm lý bị tổn thương nặng nề, sốc nặng và sống thu mình. Đó mới là những nạn nhân thực sự của cái gọi là nhạt nghĩa vợ chồng, oan khiên để lại.

Thiên Thảo
.