Tôi đến thăm làng trẻ SOS Vinh vào một buổi chiều cuối thu. Những gương mặt hiền hậu, những nụ cười nồng ấm như xua đi cơn gió lạnh ùa về. 20 năm tròn trịa, ngôi làng đã bao bọc những mảnh đời bất hạnh và dệt nên những câu chuyện cổ tích có thật về tình mẫu tử đầy yêu thương và xúc động. Đó là câu chuyện về các mẹ - những vị “bồ tát” sống giữa cuộc đời.
Ngôi nhà số 13 là một trong 15 mái ấm của những mảnh đời thiếu may mắn. Mẹ Nguyễn Thị Nhân là “trụ cột” trong ngôi nhà đó và cũng là người nhiều tuổi nhất trong số các mẹ ở đây. Sinh ra trên mảnh đất Nghi Hưng (Nghi Lộc) nghèo khổ, cuộc đời mẹ Nhân là những năm tháng đói triền miên không đủ miếng ăn, manh áo.
Năm 20 tuổi, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở nên vô cùng ác liệt, mẹ tình nguyện viết đơn tham gia vào đội TNXP ở chiến trường Quảng Trị cùng đồng đội làm nhiệm vụ mở đường cho những chuyến xe qua. Tuổi mười tám đôi mươi nhiều hoài bão, ước mơ và khát vọng, mẹ vẫn ấp ủ trong tim mối tình duyên chờ ngày thống nhất sum vầy. Năm 1972, mẹ trở về quê hương nhưng tâm nguyện về một mái ấm gia đình đã không thành hiện thực.
Các mẹ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để dành tình thương cho các con
Cuộc sống khó khăn quay vòng, mẹ đã tự tìm và từng làm việc ở nhiều nơi. Năm 1977, mẹ Nhân được chuyển công tác về Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An. Những năm tháng làm hộ lý nơi đây, tận mắt chứng kiến những mảnh đời khốn khó, những số phận bất hạnh đã khơi dậy bản năng và tình cảm thiết tha cháy bỏng của người phụ nữ.
Khi có quyết định thành lập Làng trẻ SOS, mẹ Nhân đã viết đơn tình nguyện về làng trước sự phản đối, can ngăn của gia đình và bè bạn. Nhưng vượt qua tất cả rào cản, mẹ vẫn vững vàng với quyết định của mình vì “hàng ngày muốn được nhìn thấy nụ cười của những đứa con thơ”.
Hàng ngày quây quần bên các con, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, bảo ban việc học, dạy các con cách làm người - với mẹ đó là thiên chức cao cả nhất của người phụ nữ. Những đứa con lớn dần lên theo năm tháng. Con của mẹ Nhân có mặt trên mọi miền đất nước, có đứa đỗ đạt thành tài, có đứa cuộc sống cũng bình thường, dung dị thôi nhưng lòng mẹ vẫn ngập tràn niềm vui xen lẫn tự hào vì chúng đã vững vàng trên đường đời đầy gian nan, thử thách.
Năm nay, mẹ Nhân bước sang tuổi 64, mái tóc điểm nhiều sợi bạc và đôi mắt đã hằn vết chân chim. Đi qua quá nửa cuộc đời, đến bây giờ mẹ vẫn còn muốn cống hiến cho xã hội. Mẹ chia sẻ với tôi rằng, mẹ chỉ còn một ước muốn duy nhất là sau khi qua đời được hiến tặng thi thể cho khoa học.
Mẹ đã viết thư bày tỏ tâm nguyện đó cho Trường ĐH Y Hà Nội và đã có thư phúc đáp cảm ơn từ trường. Mẹ bảo, cuộc đời mẹ chỉ có thế, mẹ muốn “sống là để cho đi”…
Cũng giống như mẹ Nhân, mẹ Nguyễn Thị Vĩnh (SN 1954) ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) về với Làng trong những ngày đầu thành lập. Những khao khát, yêu thương về một mái ấm gia đình được mẹ giữ kín, chôn chặt trong tận đáy tâm hồn để rồi một ngày vỡ òa trong vòng tay của những đứa con thơ. Ngôi nhà của mẹ Vĩnh và 10 đứa con cũng giống như nhiều ngôi nhà thân quen trong Làng trẻ.
Trong khoảng không gian bé nhỏ đó luôn ngập tràn tình mẫu tử thiêng liêng, ngọt ngào. Trong câu chuyện với tôi, mẹ Vĩnh nghẹn ngào khi kể về hoàn cảnh của những đứa con mà mẹ nhận nuôi. Những năm tháng sống dưới mái nhà chung của làng trẻ, niềm vui, nỗi buồn đều có cả nhưng với mẹ, vượt lên tất cả đó vẫn là niềm hạnh phúc được làm mẹ một cách đúng nghĩa.
Mẹ đọc cho tôi nghe rành rọt họ tên, tính tình, sở thích của từng đứa con của mình và tôi thấy đôi mắt mẹ chợt ngời sáng. Mẹ tự hào “khoe” với tôi hạnh phúc của các con khi trên đường đời có người đồng hành, sẻ chia. Đám cưới của các con dù quãng đường xa ngái, mẹ vẫn vượt cả hàng nghìn km đến dự với kỷ niệm còn ấm áp, nguyên vẹn tình thân.
Những ngày lễ trọng đại trong cuộc đời, ngôi nhà mẹ Vĩnh lại ngập tràn tiếng cười, tiếng nói. Các con trở về trong xúc động, quây quần tụ họp. Có đứa xa cách mười mấy năm trời vẫn về quỳ gối sà vào lòng mẹ để cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng.
Mẹ Nhân và mẹ Vĩnh là đại diện cho những bà mẹ có tấm lòng “bồ tát” ở Làng trẻ nơi đây. Các mẹ đã hy sinh hạnh phúc riêng để dành cho các con những tình cảm cao quý hơn mọi thứ trên đời. Hôm nay, vườn hoa của Làng trẻ đang khoe sắc rực rỡ như muốn bày tỏ cùng các con sự kính phục, lòng biết ơn đến với các mẹ, các dì.
Chia tay Làng SOS Vinh trong buổi chiều muộn, tôi mang theo bao cảm xúc về những câu chuyện cổ tích được viết lên giữa đời thường. Bất chợt, trong tâm trí vang lên những câu hát thiết tha, quen thuộc: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào/ Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào/ Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào/ Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”.
Ngọc Anh
.