Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22847-chuyen-tinh-vuot-thoi-gian-395304/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201209/22847-chuyen-tinh-vuot-thoi-gian-395304/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện tình vượt thời gian - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 10/09/2012, 09:43 [GMT+7]
22847

Chuyện tình vượt thời gian

Chiến tranh đưa họ đến với nhau bằng tình yêu trong sáng và thuần khiết đầu đời. Chiến tranh đã chia cắt họ vĩnh viễn, anh nằm lại chiến trường, còn chị thân gái một mình nuôi con.
 
Mãi gần 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt của anh mới được tìm thấy, cùng với đó là những kỷ vật chiến tranh, những lá thư thấm đẫm yêu thương giữa hai người. Lúc này, chị mới được “minh oan” thì cũng là khi cuộc đời bầm dập đã lấy đi của chị quá nhiều thứ.
 
Hạnh phúc trong bom rơi đạn nổ
 
Chị là Phan Thị Biển Khơi, ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Còn anh là Lê Binh Chủng (SN 1944), quê xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tháng 2/1962, khi đang học dở cấp 2 trường làng, chị Khơi đã trốn gia đình để gia nhập bộ đội, trở thành nữ chiến sỹ đầu tiên của tỉnh Quảng Bình tham gia chiến trường khi vừa tròn 14 tuổi.
 
Sau khóa huấn luyện, chị được điều động về Tiểu đoàn 3 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị (chiến trường B5) và tại đây, chị đã gặp trung úy Lê Binh Chủng, người con trai xứ Nghệ được điều động tăng cường lực lượng. Hai trái tim đồng cảm rồi yêu thương nhau lúc nào không hay biết.
 
Yêu nhau được hơn một năm trong điều kiện “bí mật”, chuyện kết hôn chưa được tổ chức cho phép thì cuối năm 1968, vì lý do sức khỏe chị được ra Bắc điều trị, trong khi người yêu vẫn tiếp tục bám trụ Thành cổ. Chiến tranh không ước hẹn, chị nghĩ không lúc này thì có thể sẽ không bao giờ nữa, nên đã một lần nữa bạo dạn xin được tổ chức lễ cưới và lần này anh chị đã được toại nguyện.
 
Tháng 1/1970, đám cưới nho nhỏ nhưng ấm cúng và hạnh phúc đã được tổ chức tại xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch với sự chia vui của bà con lối xóm. Anh chị dự tính về Nghệ An tổ chức ra mắt họ hàng thì tại Thành cổ, địch bất ngờ mở nhiều đợt tập kích, trung úy Lê Binh Chủng, lúc bấy giờ là Chính trị viên Phó Tiểu đoàn 3 đã tình nguyện trở lại đơn vị, mặc cho ngày phép chưa hết, để cùng anh em chiến đấu.
 
Chồng ra tuyến lửa, chị Biển Khơi ở hậu phương làm cán bộ xã đội và một thời gian ngắn sau thì chị đón nhận tin vui, một mầm sống đang hình thành. Chị hạnh phúc viết thư báo tin ra chiến trường cho anh.
 
 
Chị Phan Thị Biển Khơi và con trai Lê Quảng An cùng cháu nội
 
Trong dòng phúc đáp viết vội, anh Chủng căn dặn nếu là con gái thì đặt tên cháu là Lê Thị Mỹ Bình (ghép tên của xã Quỳnh Mỹ quê anh và tên Quảng Bình quê chị), còn con trai thì đặt tên cháu là Lê Quảng An (Quảng Bình và Nghệ An). Đến tháng 10/1970, chị sinh ra một cháu trai kháu khỉnh đặt tên là Lê Quảng An như ý nguyện của chồng. Trong lúc đó, anh Lê Binh Chủng vẫn đang chắc tay súng nơi chiến trường.
 
Mãi đến đầu năm 1972, trung úy Lê Binh Chủng mới về thăm con được nhưng lúc này cháu Quảng An không nhận bố, câu chuyện bố con anh tựa hồ chuyện “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vừa kịp ôm con vào lòng thì anh đã lưu luyến bịn rịn chia tay mẹ con để vào lại chiến trường, gia nhập Sư đoàn 325.
 
Có ai ngờ, lần đi ấy cũng là cuộc sinh ly từ biệt mãi mãi bởi vào ngày 3/8/1972, trong cuộc chiến chống lại sự tàn phá của giặc vào Thành cổ Quảng Trị, trung úy Lê Binh Chủng đã nằm lại với đất mẹ. Năm 2000, trong khi xây dựng lại Thành cổ, người ta mới vô tình phát hiện ra hài cốt của 5 chiến sỹ bị vùi lấp.
 
Từ những di vật các anh để lại, nhiều điều kỳ diệu của cuộc sống đã được vén lên, trong đó đáng chú ý hơn cả là mối tình sắt son giữa anh lính Lê Binh Chủng và cô nữ dân quân Phan Thị Biển Khơi. Tình yêu ấy được viết lên bởi những lá thư thấm đẫm tình yêu thương.
 
Tình yêu vùi lấp dưới lòng Thành cổ
 
Trở lại với câu chuyện trùng tu di tích Thành cổ và phát hiện ra ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ đã bị vùi lấp cách đây 30 năm về trước. Quá trình lắp đặt hệ thống thoát nước đã phát hiện ra chiếc hầm bí mật, khám phá bên trong đã tìm thấy nguyên 5 bộ hài cốt của 5 chiến sỹ vẫn đang trong tư thế ngồi bồng súng. Trong số đó, có 4 người không xác định được tên tuổi, quê quán vì không có giấy tờ tùy thân, ngoại trừ bộ hài cốt của liệt sĩ Lê Binh Chủng.
 
Ngoài nhiều kỷ vật khác, người ta đã tìm thấy những lá thư được kẹp trong cuốn nhật ký của anh Chủng và người con gái đề tên Phan Thị Biển Khơi. Trong số những lá thư chị Biển Khơi viết cho anh Chủng, thì bức thư đề ngày 20/4/1972 có đoạn: “Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em. Anh ơi, bao thiếu sót với gia đình em đành chịu vậy, do điều kiện chiến tranh, anh có trách giận em cũng đành chịu.
 
Hôm trước anh về, bao chuyện rất muốn tâm sự cùng anh, muốn nói hết gan ruột mà điều kiện không cho phép. Rồi đây, chiến tranh ác liệt biết có còn sống nữa không, để hiểu nhau hơn kẻo bấy lâu cách trở quá. Việc nữa là mẹ và các anh chị chưa nhận thằng An làm cháu phải không? Em rất buồn và thương con, nhiều đêm khóc vì con khi con nó cứ kêu ba, kêu mạ".
 
Lá thư đề ngày 15/5/1972, chị viết với những lời lẽ yêu thương và tràn đầy niềm tin vào ngày mai chiến thắng: “Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em! Cầm bút biên thư cho anh trong lúc trên chiến trường Trị Thiên thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng dậy sung sướng. Tự hào thay, trong hàng ngũ những người chiến thắng đó, có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ. Anh thương yêu! Mấy chục năm nay lòng người hướng về miền Nam thân yêu, về Trị Thiên ruột thịt. Hôm nay Trị Thiên đã vùng lên… Tiếng cười của những người dân mất nước đã trở lại. Em và con gửi lời tới các anh trong đơn vị và gửi tới anh cái hôn trìu mến”. Những lá thư này, cùng với nhiều kỷ vật khác của anh chị hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.
 
Chị Phan Thị Biển Khơi hiện đang sống tại Tiểu khu 8, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Còn phần mộ của liệt sỹ Lê Binh Chủng hiện nằm tại nghĩa trang xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Hằng năm, chị đều vượt cả trăm cây số đưa con và cháu về Nghệ An chăm sóc mộ phần cho bố và bà nội (mẹ liệt sỹ Chủng mất năm 1995). Chị đã dạy con cháu, phải luôn coi Nghệ An là quê hương thứ 2 của đời mình.
Thiên Thảo

Liên hệ quảng cáo: 0383.839.044 - 0946.111.580
.