Phải chăng đây là tiền lệ xấu của ngành điện lực sau khi có những chủ trương chuyển đổi theo cơ chế mới, bàn giao lưới điện nông thôn?
Thời gian gần đây, qua tìm hiểu ở một số địa phương, phóng viên Báo Công an Nghệ An nhận được thông tin phản ánh của bà con ở các bản của xã Châu Lý về việc ngành Điện lực Quỳ Hợp thu phí của dân với số tiền lớn khi có nhu cầu thay thế, lắp mới công tơ điện về đến mỗi hộ gia đình.
Ngày 19/7/2012, chúng tôi có mặt tại địa phương này để tìm hiểu thực hư những vấn đề mà người dân băn khoăn. Lần theo phản ánh, từ trung tâm xã Châu Lý tìm đến nhà hộ dân Vi Văn Chức ở bản Bàng không quá khó. Đây là một trong những hộ dân trực tiếp bị điện lực "bắt chẹt" nộp số tiền 7,2 triệu đồng cho ngành điện Quỳ Hợp, thông qua nhân viên của Hợp tác xã dịch vụ điện năng (HTX DVĐN).
Trong ngôi nhà sàn khiêm tốn nằm ở cuối bản, ông Chức, với tâm trạng còn chưa hết những bức xúc sau khi phải bỏ số tiền quá lớn cho cán bộ điện lực để có điện sử dụng sinh hoạt trong lúc điều kiện kinh tế gia đình không phải khấm khá gì. Đầu năm nay, nắm bắt được nhu cầu của bà con dân bản trong việc xay xát gạo và các nông sản sau khi thu hoạch, dù gia đình còn khó khăn nhưng vợ chồng bàn với nhau mua sắm một bộ máy xay xát vừa phục vụ gia đình cũng như người dân quanh vùng.
Lãnh đạo Chi nhánh điện Quỳ Hợp chối bỏ trách nhiệm
Trong khi hệ thống điện sinh hoạt không thể đáp ứng đủ công suất điện để lắp đặt máy, gia đình đã làm đơn lên ngành điện để được đồng ý cho hợp đồng nối, lắp dòng điện 3 pha. Được ngành điện chấp thuận, sau đó anh Sỹ (nhân viên HTX DVĐN) cùng một số cán bộ Điện lực Quỳ Hợp đã trực tiếp đến nhà kéo điện lắp đặt cho gia đình và yêu cầu chủ hộ phải đóng số tiền 7,2 triệu đồng.
Họ còn nói đây là quy định của Điện lực, còn 200.000 đồng là tiền "bồi dưỡng" công lắp đặt. “Thấy họ yêu cầu số tiền lớn nhưng vì mình đang cần trong khi không nắm được chủ trương nên tôi cũng đồng ý nộp nhưng không có chứng từ, hóa đơn gì. Về sau, gia đình tìm hiểu mới biết là không có quy định nào bắt dân nộp số tiền ấy, nên tôi làm đơn khiếu nại lên xã”, ông Chức cho biết.
Người dân rất bất bình trước sự việc trên
Ông Vi Mạnh Thắng - Trưởng Công an xã Châu Lý cũng xác nhận: UBND, Ban Công an xã cũng nhận được đơn của một số hộ dân phản ánh về việc Điện lực Quỳ Hợp bắt dân nộp tiền khi có yêu cầu nối, lắp đặt điện. Ngoài hộ ông Chức (Tần) ở bản Bàng, còn có các hộ Vi Văn Hòa bản Pù Lầu, Lô Văn Oòng bản Choọng, đó là chưa nói đến nhiều hộ dân trong xã phải nộp từ 500.000 - 1.000.000 đồng "phí" lắp đồng hồ điện khi có chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn.
Từ những phản ánh này, cùng ngày chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại Chi nhánh Điện lực Quỳ Hợp để tìm hiểu rõ sự việc. Ông Đậu Đình Hợp - Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: Sau khi có chủ trương chuyển đổi mô hình của ngành điện, Chi nhánh đã tập trung thực hiện đảm bảo theo yêu cầu của cấp trên. Đối với địa bàn xã Châu Lý, Điện lực Quỳ Hợp đã hợp đồng với bên B là anh Lê Văn Sỹ (bản Pạn - Châu Lý) quản lý.
Sau khi chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện lực, theo quy định, các hộ dân đang sử dụng điện hoặc lắp mới sẽ không phải nộp thêm bất cứ một khoản tiền nào. Toàn bộ trang thiết bị kéo điện từ đường dây vào nhà, kể cả công tơ đều do điện lực cung cấp miễn phí. Chúng tôi ký hợp đồng với ông Sỹ để quản lý và thu tiền điện, còn việc thu phí của các gia đình, chúng tôi không có chủ trương và việc họ (ông Sỹ - PV) thu của dân bao nhiêu chúng tôi không hề biết".
Nói xong, ông Hợp cho chúng tôi xem bản Hợp đồng bán lẻ dịch vụ điện năng giữa Chi nhánh Điện lực Quỳ Hợp và ông Sỹ. Tại những văn bản về quyền, nghĩa vụ liên quan đều tập trung về vấn đề điều khoản chuyên môn và vấn đề kinh tế mà không có một ràng buộc nào giữa họ khi có tình huống tương tự như trên xảy ra. Ông Hợp còn nhất mực rằng, xảy ra chuyện này là do dưới (HTX DVĐN - PV) chứ chúng tôi, kể cả cán bộ phụ trách không liên quan.
Hợp đồng giữa Điện lực Quỳ Hợp với nhân viên HTX DVĐN
Từ đây, quả bóng trách nhiệm lại được đùn đẩy cho nhân viên HTX là ông Sỹ. Lẽ nào, với sự việc nghiêm trọng thế này ảnh hưởng đến người dân và chính quyền thì Chi nhánh Điện lực lại đứng ngoài cuộc, vô can?
Trước những phản ánh của cử tri tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, vấn đề trên cũng đã được đề cập. Ông Phan Đình Đạt - Chủ tịch HĐND huyện cho biết thêm: Tại kỳ họp thứ 3 - HĐND huyện (1/2012), vấn đề trên đã được cử tri các xã Châu Thái, Châu Lý phản ánh.
Với chức năng giám sát, HĐND huyện đã yêu cầu ngành điện giải trình và xác nhận để xảy ra sự việc trên là có thật, đồng thời khẳng định việc làm này là sai nguyên tắc. UBND huyện cũng đã yêu cầu Điện lực Quỳ Hợp kiểm điểm cán bộ và có biện pháp khắc phục, sớm hoàn lại số tiền đã thu của dân. Và mới đây (trong 2 ngày 17 - 18/7), tại kỳ họp thứ 4 - HĐND huyện, nhiều cử tri tiếp tục phản ánh.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định giao toàn bộ lưới điện nông thôn về cho ngành điện lực quản lý là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, để xảy ra "sự cố" này là một điều đáng tiếc. Đề nghị Điện lực Nghệ An, chính quyền các cấp huyện Quỳ Hợp và các bên liên quan sớm có hướng xử lý kịp thời để tránh tình trạng trên tiếp diễn và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Xuân Thống - Tr.Khuyên
.