Để cứu sự sống cho một đứa trẻ lên 3, trong một lần đối đầu với tội phạm, hai cán bộ, chiến sỹ Công an thị xã Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh. Gần 30 năm đã qua, nhiều sự đổi thay bởi dòng chảy nghiệt ngã của thời gian, nhưng có những miền ký ức không thể lãng quên. Những ký ức của nhân chứng sống về tấm gương hy sinh anh dũng của những cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…
Miền ký ức
Người ta thường gọi tháng Bảy là tháng tri ân. Bởi đó cũng là thời gian để muôn triệu trái tim hướng về cội nguồn, hướng về những tấm gương thương binh, liệt sỹ đã anh dũng hy sinh hay bỏ lại một phần xương máu vì nhân dân, vì đất nước; có nhiều việc làm ân nghĩa đối với thân nhân các gia đình anh hùng, thương binh, liệt sỹ.
Và, trong dòng người hướng về ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7 ấy, không phải ai cũng có những cung bậc, tình cảm, ký ức đối với những anh hùng, thương binh, liệt sỹ đều giống như nhau.
Với chị Nguyễn Thị Mai (SN 1980) trú ở phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh thì đó là sự biết ơn vô hạn với những liệt sỹ Công an nhân dân. Bởi các anh đã ngã xuống cho sự sống của chị được hồi sinh.
Chị Mai 30 năm sau ngày được cứu sống
Gần 30 năm đã qua, bé Mai lên 3 ngày nào đã bước vào tuổi 33. Chị đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Hiện nay, chị là cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày ấy, máu các anh đã đổ…
Đó là lúc 9h15 ngày 15/3/1983, phiên chợ thị xã Hà Tĩnh đang họp đông người thì ông Nguyễn Tất Phúc, quê Thạch Thắng, Thạch Hà bị một tên lưu manh móc túi lấy mất 400 đồng. Ông kêu lên…, ngay lập tức bị tên này rút lựu đạn và dao găm đe doạ.
Các đồng chí Công an thị xã Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ nhận được nguồn tin đã có mặt kịp thời cùng nhân dân vây bắt kẻ phạm tội. Tên tội phạm bỏ chạy nhưng không thoát khỏi sự vây đuổi của công an và nhân dân.
Khi tên tội phạm chạy đến xóm Cần Phú, xã Thạch Phú, thấy một cháu gái khoảng 3 tuổi (cháu Nguyễn Thị Mai) đang chơi giữa sân. Y nhào tới ôm thốc cháu Mai để làm con tin và tiếp tục chạy, nhưng y chạy đến đâu lực lượng vây đuổi áp sát đến đó.
Tới vườn ươm cây xã Thạch Phú thì cũng là lúc vòng vây của Công an và quần chúng nhân dân đã khép chặt. Không còn nơi lẩn trốn, tên tội phạm ngồi tựa lưng vào một gốc cây cọ để cố thủ. Y cắm con dao găm trước mặt, tay trái ghì chặt cháu Mai, tay phải cầm quả lựu đạn mỏ vịt đã rút chốt an toàn, trừng mắt lớn tiếng đe doạ: “Tao đã mang án tử hình, đứa nào vào đây tao cho lựu đạn nổ thì chết tất cả”.
Lúc này, tình thế vô cùng nguy hiểm, quần chúng nhân dân đến ngày càng đông. Tính mạng cháu Mai trong tay tên cướp. Cháu Mai khóc thét đã khản cả tiếng. Cha mẹ cháu Mai và hàng trăm con mắt đều nhìn vào các đồng chí Công an.
Các đồng chí: Trần Đức Kháng, Nguyễn Xuân Khang, Trần Hữu Võ, Nguyễn Thanh Nhàn và Sử Văn Nhật (đồng chí Sử Văn Nhật là cán bộ Công an tỉnh Nghĩa Bình đang nghỉ phép tại thị xã Hà Tĩnh quê hương của anh, khi nghe tin có cướp anh đã xung phong đi bắt) đã hội ý đưa ra các phương án xử lý.
Phương án 1: Thuyết phục tên cướp đầu hàng, nộp vũ khí và thả cháu bé để được hưởng lượng khoan hồng. Phương án 2: Bất ngờ tiếp cận đối tượng, vừa tước lựu đạn, vừa đánh gục y, vừa cứu cháu Mai.
Trong 2 phương án, các đồng chí chọn phương án 1 là chủ yếu, vì nó bảo đảm được yêu cầu: Vừa bắt được đối tượng, vừa an toàn cho mọi người, lại vừa tạo điều kiện cho tên tội phạm được hưởng lượng khoan hồng.
Thế nhưng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ thuyết phục, tên cướp vẫn ngoan cố không chịu khuất phục. Ngược lại, y còn đặt điều kiện phải để cho y chạy thoát, nếu không y sẽ cho lựu đạn nổ, cả y và cháu bé cùng chết, mọi người xung quanh có thể bị sát thương.
Phương án thuyết phục không làm lay động lương tri của kẻ sát nhân đã buộc các anh vào tình huống phải thực hiện phương án 2. Sau khi đã hội ý lần cuối để thống nhất nhiệm vụ của từng người, đúng 12 giờ cả tổ hành động. Đồng chí Kháng được phân công giật cháu Mai khỏi tay tên cướp.
Trước khi làm nhiệm vụ, biết nguy hiểm có thể xảy ra nên anh đã trao chìa khoá xe đạp cho một đồng đội và dặn: “Nếu tôi có làm sao thì đồng chí mang hộ chiếc xe đạp về nhà giúp tôi” rồi bước vào vị trí chiến đấu.
Đồng chí Sử Văn Nhật lợi dụng tên hung thủ sơ hở đã bất ngờ nắm chặt tay tên cướp đang cầm lựu đạn để không cho lựu đạn nổ. Các đồng chí khác đồng loạt đánh mạnh vào đối tượng. Tên cướp to khoẻ, tuy bị đòn đau nhưng vẫn chống cự điên cuồng. Hắn giật mạnh cánh tay cầm lựu đạn làm lựu đạn rơi xuống đất xì khói. Lúc này vòng vây nhân dân vẫn còn vây kín nên không thể ném lựu đạn ra ngoài vì sợ sát thương nhân dân.
Đồng chí Trần Đức Kháng đã giật được cháu Mai, anh chỉ kịp xoay người để che chở cho cháu. Lựu đạn nổ, cháu Mai an toàn nhưng đồng chí Trần Đức Kháng hy sinh tại chỗ. Các đồng chí Nguyễn Xuân Khang, Sử Văn Nhật và Trần Hữu Võ bị thương. Đồng chí Nguyễn Xuân Khang vì vết thương quá nặng đã hy sinh lúc 16h cùng ngày.
Liệt sỹ Trần Đức Kháng và liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang
Tên cướp bị bắt. Hắn là Hoàng Thế Phương, cầm đầu một ổ nhóm cướp của, giết người nguy hiểm ở Quảng Ninh vừa mới trốn khỏi trại giam tiếp tục gây án và đang có lệnh truy nã đặc biệt. Y đã đi từ Quảng Ninh qua Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hoá... Dọc đường y đã dùng lựu đạn, dao găm để chặn cướp tài sản của nhiều người. Khi đến đất Nghệ Tĩnh, y thu nạp thêm 5 tên đồng bọn và vào chợ thị xã Hà Tĩnh gây án vào sáng 15/3/1983.
Ngày hôm sau, đám tang của đồng chí thiếu úy Trần Đức Kháng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế và chuẩn úy Nguyễn Xuân Khang - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an thị xã Hà Tĩnh được cử hành trọng thể trong niềm thương tiếc của đồng đội và nhân dân. Hàng ngàn người đã đến tiễn đưa 2 đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đồng chí Trần Đức Kháng và Nguyễn Xuân Khang đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đồng chí Trần Hữu Võ và Sử Văn Nhật đã được Bộ Nội vụ tặng Bằng khen.
Ngày 16/8/1983, đồng bọn của Hoàng Thế Phương gồm 5 tên đều bị bắt. Hoàng Thế Phương đã bị Toà án nhân dân tỉnh xét xử tuyên phạt tử hình, 5 tên đồng bọn của y chịu mức án từ 20 năm tù đến chung thân.
Tiếp bước
Gặp thượng úy Nguyễn Phi Hùng, cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Tĩnh vào một ngày tháng 7/2012, đôi mắt anh trũng sâu vì nhiều đêm thức trắng phá án.
Trước đó, anh và đồng đội đã điều tra làm rõ đối tượng Trần Hữu Cần (SN 1976) ở xóm Mới, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh về tội cố ý gây thương tích. Để “giải quyết” mâu thuẫn cho anh trai là Trần Hữu Tài và Lê Trọng Thắng, Cần đã gọi 13 “chiến hữu” dùng dao, kiếm, gậy gỗ, tuýp nước đánh anh Thắng và một số người quen của anh Thắng. Sau khi gây “hỗn chiến”, cả nhóm bỏ trốn.
Bằng tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, thượng úy Nguyễn Phi Hùng và đồng đội đã lập công xuất sắc. Bắt các đối tượng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nhưng, điều bất ngờ lớn nhất, anh chính là con trai của liệt sỹ chuẩn úy Nguyễn Xuân Khang - Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an thị xã Hà Tĩnh.
Anh tâm sự rằng, khi cha hy sinh anh chưa đầy 6 tháng tuổi. Cái mốc thời gian quá thơ dại để anh ghi nhớ dáng hình, nụ cười, đôi mắt và hơi ấm của cha trong tâm trí. Anh chỉ biết hình ảnh cha qua từng bức ảnh, chiến công của cha qua lời kể của đồng đội, nghĩa tình của cha qua đôi mắt mẹ. Ba mươi năm qua, anh luôn đau đáu khi nghĩ về cha.
Nghĩ về cha với lòng thành kính, tự hào. Và, ngay từ khi mới khoác trên mình sắc phục Công an nhân dân, anh tự hứa, noi gương cha và các thế hệ đi trước làm nhiều việc tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Vĩ thanh
Tháng 7 lại về, ký ức của những người con không bao giờ quên lãng. Tại Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài, tỉnh Hà Tĩnh, những nén hương thơm được thắp lên, tưởng nhớ các anh hùng đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp, vì bình yên cuộc sống.
Liệt sỹ Trần Đức Kháng, liệt sỹ Nguyễn Xuân Khang! xin các anh hãy yên nghỉ. Những đứa con thơ ngày nào đã trưởng thành, đã khôn lớn. Đồng đội và nhân dân luôn nhớ về các anh với lòng biết ơn, thành kính, tự hào…
Xuân Lý
.