Nguyễn Đức Phú trước tòa |
Chị đến Tòa với tư cách là người bị hại trong một vụ giết người dã man mà thủ phạm - không ai khác - chính là người đàn ông mà chị từng gọi là chồng. Gương mặt sạm đen, khắc khổ, người đàn bà ấy vốn đã gầy gò, bé nhỏ, giờ lại bị hành hạ bởi những vết thương chi chít nơi vùng đầu, vùng cổ - di chứng từ cuộc truy sát của chồng - khiến chị nom tiều tụy hơn, tên chị là Đỗ Thị Phúc.
1. Nhưng, kỳ lạ là trong suốt cả phiên xử, không có bất kỳ sự thù hận nào giữa hai bên. Chị đến Tòa từ rất sớm, xách một túi nặng quà cho người chồng, bên trong có đủ đầy bánh, sữa, trái cây. Chị tận dụng tất cả mọi cơ hội được nói trước Tòa để xin giảm nhẹ hình phạt cho kẻ đã cầm dao sát hại mình. "Sau khi được cứu sống, từ bệnh viện trở về, tôi đã ly hôn với anh ấy. Chúng tôi không còn là vợ chồng nữa nhưng anh ấy vẫn còn là cha của con trai tôi. Tôi tha thứ cho anh ấy vì con và đó cũng là cách để tự tôi xóa đi những ký ức đớn đau cho lòng mình thanh thản", chị nói trước Tòa mà nước mắt tuôn rơi. Ở trước vành móng ngựa, bị cáo giơ đôi tay bị còng lên phía trước quệt nước mắt: "Tôi ân hận vì những sai lầm của mình, thưa quý tòa"…
Cha ruột của chị Đỗ Thị Phúc kể lại câu chuyện xảy ra cách đây gần 1 năm mà vẫn bàng hoàng. Khoảng 21 giờ ngày 1/1/2012, chuẩn bị đi ngủ thì bỗng nhiên điện thoại của gia đình ông réo vang. Linh cảm của một người cha khiến ông cảm thấy bất an: "Chắc lại có chuyện gì xảy ra với con Phúc rồi".
Sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái nhưng tất cả đều sống gần ông ở quê xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội. Chỉ riêng Phúc là sống ở xa. Sinh năm 1977, khi chúng bạn cùng lứa ở quê đã con bồng cháu bế rồi thì Phúc mới kết hôn với Nguyễn Đức Phú, một người cùng làng, kém Phúc 4 tuổi. Lấy nhau rồi, hai vợ chồng dắt díu nhau ra Hà Nội làm thuê nên ở trọ tại xã Đại Mỗ, Từ Liêm. Thi thoảng, Phúc mới về quê và lần nào cũng thấy con gái buồn. Ông có gặng hỏi nhưng Phúc không nói, chỉ khóc. Dù con gái cố tình giấu cha nhưng ông có nghe phong thanh đâu đó rằng, Phúc rất hay bị chồng đánh.
Phú là người cùng làng ông chả lạ gì. Nhà Phú chỉ có hai anh em, cuộc sống nghèo khó nhưng ông bà thân sinh ra Phú lành hiền và Phú trước khi về làm rể ông cũng là đứa chăm chỉ làm ăn. Nhưng nghe đâu từ ngày ra Hà Nội, Phú nghiện lô đề nên đi làm được bao nhiêu tiền thì nướng vào cờ bạc cả. Phúc làm công nhân ở một công ty dược, lương tháng cũng chả được bao nhiêu nên phải chật vật lắm mới lo được cuộc sống gia đình ổn định. Vì thế không có tiền cho Phú đánh bạc, nên Phú mới đánh.
Cuộc điện thoại giữa đêm, đúng như linh cảm của ông, là của một người cháu họ cũng ra Hà Nội làm thuê, gọi về báo hung tin: "Phúc bị chồng sát hại, đang cấp cứu tại Bệnh viện Hà Đông, không biết liệu có qua khỏi".
Ông tức tốc thuê xe ôm chạy ra bệnh viện ngay đêm ấy, giấu cả vợ và các con. Bởi, ông biết nếu không may Phúc có mệnh hệ gì thì vợ ông cũng không qua khỏi.
Nửa đêm thì ông vào đến giường bệnh của Phúc. Nhìn con thoi thóp thở, băng kín vùng đầu, vùng cổ, chỉ còn hở hai con mắt mà ông như đứt từng khúc ruột. Khi chấp nhận cho Phú cưới Phúc, ông không bao giờ hình dung được có một ngày đau đớn như hôm nay. Nếu biết trước thì ông thà cho con gái ở vậy suốt đời…
Chị Phúc tha thiết xin Tòa giảm nhẹ hình phạt cho chồng. |
2. Khác hẳn với vẻ côn đồ khi xuống tay với vợ, trước vành móng ngựa, Phú tỏ ra sợ sệt, không dám nói to mà chỉ lí nhí trong miệng. Phú khai, sau khi làm đám cưới năm 2010, chị Phúc có thai, hai vợ chồng ra Hà Nội. Với mức lương 3 triệu đồng mỗi tháng, chỉ thời gian đầu là Phú đưa được về cho vợ một nửa để chi tiêu, sau đó là thôi không đưa về đồng nào cả. Lý do, Phú thừa nhận là "bị cáo ham chơi đề mà toàn bị thua nên lĩnh lương xong là sạch bách".
Phúc đứng sau chồng, nước mắt lã chã rơi khi những lời khai của Phú gợi lại cuộc sống đọa đày mà chị đã phải trải qua. Phúc kể, bụng mang dạ chửa, một mình Phúc quần quật dãi nắng dầm mưa mới lo đủ tiền ăn tiền thuê trọ. Sợ lúc sinh con không có tiền, Phúc cố gắng tằn tiện, chắt chiu dành dụm được chút ít. Nhưng do liên tục thua bạc nên Phú đã cạy tủ lấy cắp hết số tiền dành dụm ấy. Phú còn về nhà đòi vợ đưa tiền để chơi đề và khi Phúc không có tiền cho chồng thế là Phú quay sang đánh đập vợ, ngay cả khi vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh nở.
Hận chồng, Phúc quyết định ly thân khi đứa con trai còn đỏ hỏn. Phú về quê còn Phúc cùng con ở lại Hà Nội, trong khu nhà trọ làm lụng nuôi con.
Được ít lâu thì Phú đòi quay lại, Phúc không chấp nhận thì Phú nhắn tin đe dọa, nói nếu không tha thứ thì chồng sẽ giết vợ để con mồ côi.
Và, Phú không dọa suông.
Khoảng 16 giờ mùng 1 tết dương lịch năm 2012, Phú từ quê ra khu nhà trọ của hai mẹ con Phúc. Lấy lý do muốn thăm con, Phú được chị Phúc mở cửa cho vào nhà để hai bố con chơi với nhau. Buổi tối, chị Phúc dọn cơm ăn cùng hai người bạn trọ nhưng không mời chồng ăn. Phú ra ngoài ăn rồi quay lại nhà trọ, nói với vợ cho được ngủ lại với con, sáng mai sẽ về nhưng chị Phúc không đồng ý.
"Lúc đó, bị cáo thấy tổn thương và bực tức. Bị cáo đã hành động sai trái", Phú lí nhí khai trước tòa.
Không được vợ đồng ý cho ngủ lại qua đêm, Phú lừa lúc chị Phúc không để ý bèn lấy con dao nhọn ở bếp đâm vợ từ phía sau. Do chị Phúc mặc áo len cao cổ nên mũi dao bị trượt. Đâm tiếp 2 nhát nữa nhưng vẫn trượt nên Phú đã dùng dao cứa cổ vợ. Trong hoảng loạn và đau đớn, chị Phúc vùng vẫy chống trả và may mắn chị đã nắm được bàn tay cầm dao của Phú khiến Phú bị ngã xuống nền nhà. Dù vậy, vẫn không chịu buông tha vợ, Phú vớ tiếp chiếc chày gỗ đập vào đầu Phúc thêm nhiều nhát nữa. May mắn có một người hàng xóm thuê trọ, nghe tiếng kêu cứu của chị Phúc đã xô cửa xông vào và hô hoán mọi người đến ứng cứu, giải thoát cho chị Phúc. Do được cấp cứu kịp thời nên dù bị 4 vết thương nặng ở vùng đầu, vùng cổ nhưng Phúc may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Đưa nước cho chồng uống trước giờ HĐXX làm việc, Phúc nước mắt lưng tròng: "Hôm ấy mà tôi chết thì giờ ai nuôi con cơ chứ!". Phú đón chai nước từ tay vợ, cúi đầu lí nhí: "Chồng biết chồng có tội với vợ, chồng ân hận lắm rồi". Phúc hình như mủi lòng, thì thầm: "Có đói không, tôi mang bánh cho". Phú cúi gằm mặt lắc đầu…
3. Mẹ Phú, một người đàn bà lam lũ, bần hàn, tất tả đến phòng xử án khi phiên xử đã gần kết thúc. Gia đình thuộc diện nghèo ở thôn, lo hai bữa ăn hàng ngày đã chật vật, hôm nay bà phải đi vay 200 nghìn đồng để thuê xe ôm từ quê ra dự phiên tòa xử con. Bà không có tiền để mua quà cho Phú. Bà chỉ nhìn con mà khóc. Phiên tòa kết thúc, nghe Tòa tuyên án Phú 15 năm tù giam về tội “Giết người”, bà cứ đứng như chôn chân trong phòng xử. Phúc níu tay bà: "Con có sữa và bánh cho anh ấy đây rồi, bà đưa cho anh ấy đi".
Hai người đàn bà đau khổ - mẹ chồng cũ và con dâu cũ - nắm tay nhau, bước chân buồn bã, thẫn thờ ra khỏi phòng xử án. Cha Phúc, anh trai Phúc, cô bác Phúc vẫn chờ họ ở bên ngoài Tòa án. Cha Phúc quay sang nói với bà thông gia cũ: "Thằng Phú có tội chứ bà có lỗi gì đâu. Mời bà đi xe về quê cùng gia đình chúng tôi, đừng thuê xe ôm nữa kẻo tốn tiền". Rồi giục con gái: "Con đưa bà ra xe để về thôi, quá trưa rồi".
Có ai đó đã nói rất đúng rằng, hãy viết thù hận lên cát và yêu thương lên đá.
Vượt qua thù hận, nhiều người vợ vị tha đã xin giảm án cho chồng
• Theo cáo trạng, chị N.T.L. kết hôn với Nguyễn Tiến Thịnh vào tháng 12/2006 và đến năm 2007 họ có một con gái tên là Nguyễn Khánh Linh. Đến tháng 7/2008, được sự đồng ý của hai bên gia đình, chị L. đi lao động tại Angola. 3 năm sau (tháng 1/2011), chị L. về Việt Nam. Tình cảm gia đình sau đó rạn nứt do Thịnh nghi ngờ chị L. có bồ còn chị L. thì phát hiện chồng mình có mối quan hệ bất chính với một phụ nữ ở gần nhà. Thịnh nhiều lần chửi bới, đánh đập vợ. Tối 21/10/2011, Thịnh đã dùng ống nhựa cứng, rỗng ruột vụt liên tiếp vào vai, mạng sườn trái của chị L. Sau đó, Thịnh bắt vợ mình nằm sấp trên giường rồi dùng tiếp đoạn ống nhựa trên vụt liên tiếp vào vai, mông, chân. Thịnh còn ép vợ xem clip sex của mình với người tình. Đồng thời, bắt vợ phải cắt tóc để đoạn tuyệt với người tình nhưng chị L. không nghe. Thịnh bèn bảo em trai mình cắt 3 lọn tóc của chị L. Cơ quan chức năng xác định chị L. bị thương tích 17%. Không những vậy, thời gian chị L. nằm viện, Thịnh còn đe dọa không được tố cáo lên cơ quan công an nếu không sẽ giết chết. Mặc dù không hài lòng với thái độ của chồng tại tòa khi Thịnh có vẻ như chưa nhận ra lỗi của mình và thái độ của gia đình nhà chồng, trong phiên xét xử, nhưng chị L vẫn một mực xin giảm án cho Thịnh. Thậm chí, chị L. còn nhiều lần xin với HĐXX Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc để Thịnh không bị tù giam. "Tôi không muốn con tôi có ký ức không hay về bố mẹ. Tôi chỉ mong chồng tôi cảm thấy có lỗi thì xin lỗi mẹ, tôi và con. Tôi xin tòa giảm nhẹ cho chồng tôi vì dù sao anh ấy vẫn là chồng, là cha của con tôi" . • Nguyễn Hồng Nam và chị L.T.Y. là vợ chồng, có 5 người con, sinh sống tại Long An. Trong quá trình chung sống, giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn do Nam thường uống rượu say về đánh đập vợ con, có lần chính quyền địa phương phải tiến hành hòa giải. Ngày 4/7/2010, sau khi nhậu nhẹt say xỉn, Nam đã rút cây phảng (loại dụng cụ có lưỡi bằng sắt, có cán cầm dùng để phạt cỏ) chém nhiều nhát vào đầu và người chị Y. Ngay sau đó, chị Y. thoát ra được và chạy sang hàng xóm cầu cứu. Xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Nguyễn Hồng Nam mức án 9 năm tù về tội "Giết người". Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Y. xin tòa giảm án cho chồng. Ngay sau khi tòa tuyên án, người đàn bà bất hạnh lại tiếp tục kháng cáo xin tòa xem xét, giảm nhẹ mức án cho chồng. • Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Phú Lên ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng - kẻ dùng xăng thiêu sống vợ và 3 con gái - vào ngày 22/3/2012 vừa qua, chị Nguyễn Thị Y - vợ bị cáo - đã 2 lần đứng lên xin giảm án cho chồng. Hành động vị tha của chị Nguyễn Thị Y đã thực sự làm xúc động cả Hội đồng xét xử và hàng trăm người chứng kiến. Kẻ gây tội ác tày trời Phạm Phú Lên cũng đã được hưởng sự khoan hồng của Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng, đã được giảm án tội “Giết người" từ 20 năm xuống còn 17 năm tù.
|