Trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phong trào hiến máu nhân đạo ngày càng phát triển rộng khắp, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Những giọt máu ấm tình người, đã góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo.
Nổi bật trong phong trào hiến máu nhân đạo trong toàn tỉnh có mô hình “Ngân hàng máu sống” của Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc. Sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã trở thành một trong những điển hình về hiến máu nhân đạo đáng được nhiều nơi học tập và làm theo.
Chị Nguyễn Thị Oanh - Điều dưỡng viên khoa Nhi là một trong những thành viên tích cực của “Ngân hàng máu sống” Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc. Cùng với các thành viên trong Bệnh viện, chị đã nhiều lần tham gia hiến máu nhân đạo cứu bệnh nhân.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với chị là lần chị trực tiếp hiến máu cứu sống một sản phụ bị tai biến sản khoa, mất máu nhiều sau sinh. Lúc đó, chỉ mới 4 giờ, đang trong ca trực, nhưng với suy nghĩ, một giọt máu hồng sẽ cứu được tính mạng một người đang ngàn cân treo sợi tóc, khi được gọi, chị đã vội vàng đến ngay phòng lấy máu.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Oanh đang hiến máu
Chị tâm sự: “Khi được thông báo có cùng nhóm máu với sản phụ đang gặp nguy kịch, tôi đã đến ngay. Hôm đó, tôi đã cùng với 2 đoàn viên góp được 3 đơn vị và đã cứu sống được sản phụ. Tôi rất hạnh phúc, tôi nghĩ sức trẻ cần cống hiến nhiều hơn nữa để cứu người”.
Bác sỹ CKII Cao Xuân Hải - Trưởng khoa Huyết học và truyền máu Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc cũng kể lại: “Hôm đó là ca tôi trực lãnh đạo, thì có trường hợp sản phụ là Nguyễn Thị Thu ở xã Nghĩa Lộc bị sang chấn áp xe sau sinh, chảy máu ồ ạt phải mổ cấp cứu, cần một lượng máu truyền nhưng trong tủ bảo quản của Bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị máu nhóm B, chúng tôi đã huy động 3 đoàn viên cho máu, phải lấy máu từ 4 giờ đến 5 giờ mới xong, rất may là nhờ số máu được truyền, ca mổ đã thành công và bệnh nhân đã được cứu sống”.
Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc đứng chân trên địa bàn một huyện miền núi, chịu trách nhiệm khám chữa bệnh cho nhân dân thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn và các huyện lân cận như Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Hàng ngày, lưu lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện rất đông.
Trước đây, khi có trường hợp cấp cứu cần truyền máu, Bệnh viện phải huy động lấy máu người nhà. Những trường hợp không trùng với nhóm máu của người nhà buộc Bệnh viện phải chuyển lên tuyến trên. Do ở xa trung tâm thành phố Vinh tới 100km nên việc chuyển tuyến rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, có thể dẫn tới tử vong bất kỳ lúc nào.
Trước tình hình đó, vào giữa năm 2010, Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc đã thành lập mô hình “Ngân hàng máu sống”, có trên 100 thành viên với lực lượng nòng cốt là đoàn viên của 14 khoa, phòng trong toàn đơn vị. Từ khi Ngân hàng máu đi vào hoạt động, việc điều trị và cấp cứu của bệnh viện gặp nhiều thuận lợi hơn.
Chỉ tính sau 2 năm thành lập, “Ngân hàng máu sống” của Bệnh viện đã huy động được 600 đơn vị máu. Bác sỹ CKII Cao Xuân Hải cho biết thêm, hiện nay Bệnh viện đã xây dựng được một danh sách “Ngân hàng máu sống” với đầy đủ họ tên, khoa phòng, nhóm máu và số điện thoại của từng người. Và Bệnh viện có thể điều động bất cứ khi nào có các trường hợp cấp cứu khẩn cấp.
Mới đây nhất là sáng 14/6, sản phụ Trần Thị Thu Hiền (24 tuổi) ở Quỳ Hợp, sau khi sinh ở Bệnh viện đa khoa Quỳ Hợp bị bục tử cung phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc cấp cứu. Sản phụ thuộc nhóm máu hiếm AB nên không trùng với người nhà.
Ngay lập tức, các thành viên “Ngân hàng máu sống” đã được huy động và những người trùng nhóm máu đã hiến máu để cứu bệnh nhân. Hiện nay, sản phụ đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục dần.
Đến nay, chưa chế phẩm nào có thể thay thế được máu nên nghĩa cử hiến tặng máu sẽ góp phần giúp người bệnh, nhất là bệnh nhân sản khoa được cứu sống. Nhận thức được điều đó, nhiều thành viên Ngân hàng máu Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc đã không ngần ngại tham gia hiến máu để cứu người bệnh, trong đó không ít người đã 8 đến 9 lần cho máu. Điển hình như điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương Ly, Nguyễn Thị Oanh, bác sỹ Vương Khả Vinh...
Chính từ mô hình này, trong hai năm gần đây, phong trào hiến máu nhân đạo phát triển rộng khắp trên địa bàn thị xã Thái Hoà. Đến nay, Thái Hòa đã trở thành đơn vị điển hình trong phong trào hiến máu nhân đạo của tỉnh và được UBND tỉnh tặng Bằng khen liên tục trong 2 năm 2010 - 2011.
Từ việc làm của các thành viên Ngân hàng máu Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Bắc, ngay từ bây giờ, mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và hành động bởi “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.
Hiến Chương
.