Thiếu tướng Trần Văn Ân vừa mới qua đời. Giữa tôi với ông có nhiều điểm khác nhau.
Ông là một người lính vào sinh ra tử, trải qua nhiều chiến trường, nhất là ở Trị - Thiên và cả ở nước bạn Lào; từ là anh đội viên mũ nan, chân đất mà trưởng thành lên, là một vị tướng.
Tôi là một người dân thường, thua tuổi ông, được lớp người như ông dành cho việc đi dạy học rồi làm công việc nghiên cứu ở trong tỉnh. Nhìn các cựu binh như ông, tôi giữ trong lòng một sự khâm phục.
Hơn nữa, tôi nhận biết ở ông sự hiền lành, giản dị. Tôi luôn gặp tướng Ân trong bộ quần áo của lính, mang màu đất hay màu cỏ úa, khi thật cần ông mới mang thêm chiếc cà vạt, với đôi mắt nhân từ và nụ cười thật đôn hậu.
Thiếu tướng Trần Văn Ân (phải) và tác giả
Kỳ thực, tôi vẫn nghĩ là ông chẳng biết gì về mình, bởi ngoài sự khác biệt nói trên, tôi là người kém về xã giao. Mỗi lần gặp, tôi tự thể hiện lòng nể trọng trong sự kín đáo nên chưa hề có dịp bắt tay ông. Thế mà năm ngoái (2011), nhân có cuộc họp ở tỉnh, trong đó một số cán bộ hưu trí được mời dự. Khi bữa cơm sắp bắt đầu, thấy tôi đi qua, ông kéo vào ngồi bên cạnh.
Tôi bẽn lẽn, nói thật:
- Chắc anh chưa biết tôi.
Vẫn nụ cười như dành cho những người khác, ông nói:
- Ai lạ chi nữa. Cậu là…
Ông vẫn vui chuyện, không hề nói đến thành tích đánh giặc cũng như huấn luyện các đội viên trẻ đã qua của mình mà kể về việc làm vườn, tập thể dục dưỡng sinh và đọc sách.
Nhân tiện, tôi nói là muốn được ghi chép từ ông ít nhiều những tư liệu về kháng chiến của ta ở địa bàn Liên khu Tư.
Ông bảo:
- Mình ở phường Trường Thi, có địa chỉ trong danh bạ diện thoại. Khi nào đến được, cậu gọi. Nếu là ở nhà mà không bận là mình vui mừng tiếp. Rồi ông gọi người đến chụp ảnh chung.
Tôi quen ông từ đó và thời gian còn lại thật quá ngắn!
Chu Trọng Huyến
.