Chuyện gì đang xảy ra với những nhan sắc có danh vọng ấy(?!).
1. Đêm cuối tuần rồi, các trinh sát thuộc Đội 5 - PC45 Công an TP HCM đã bắt quả tang một số người đẹp đang có hành vi bán dâm cho khách làng chơi với cái giá từ 1.500 USD đến 2.000 USD tại một khách sạn ở quận 1. Lần này, vướng vào đường dây buôn hương bán phấn ấy, là hoa hậu Võ Thị Mỹ Xuân.
Mỹ Xuân sinh năm 1985, tại Hậu Giang. Tốt nghiệp Trường trung cấp Du lịch, Mỹ Xuân trở thành hướng dẫn viên du lịch phục vụ du khách tại một tour thuộc miền Trung. Năm 2009, sau khi đăng quang ở cuộc khi "hoa hậu cấp miền", Mỹ Xuân nói rất nhiều về tuổi thơ nghèo khổ của cô. Mỹ Xuân bảo, có lúc, cuộc sống của Mỹ Xuân túng thiếu đến mức cô phải đi bán vé số để mưu sinh. Vì vậy, khát khao để thoát nghèo luôn ám ảnh Mỹ Xuân.
Đăng quang ngôi hoa hậu, Mỹ Xuân là một trong những người đẹp dám nói và chịu nói về đại gia. Trong một bài phỏng vấn, Mỹ Xuân thẳng thừng: “Tại sao mọi người cứ cho rằng, những người đẹp như chúng tôi phải yêu người nghèo thì chúng tôi là người tốt, còn nếu chúng tôi yêu đại gia thì bị coi là ham tiền, là xấu".
Mặc dầu, ngoài danh xưng hoa hậu, Mỹ Xuân được các tờ báo trích dẫn là đang hoạt động người mẫu. Như những hoa hậu của các cuộc thi nhan sắc nhỏ khác, Mỹ Xuân khá yên ắng trong thế giới của chân dài nhún nhẩy trên sàn catwalk. Ngoại trừ những lần làm từ thiện theo đúng hợp đồng với những người tổ chức ra cuộc thi hoa hậu ấy. Giới làm nghề chỉ biết đến Mỹ Xuân khi cô là "gà" của một trong những ông chủ của giới người mẫu tại Sài Gòn. Nhân vật này cũng được cho là người đã yêu cầu các thí sinh tham gia một cuộc thi sắc đẹp khác phải "hầu rượu" những đại gia, gây nên sự xôn xao trong dư luận năm vừa qua.
Năm 2011, Mỹ Xuân đột ngột xuất hiện bằng những bức ảnh tươi mát trên các trang báo mạng. Tuy nhiên, vì sức ảnh hưởng của tên tuổi không lớn nên chiêu trò "đổi da thịt, lấy tai tiếng" của Mỹ Xuân đã thất bại toàn tập.
Đương nhiên, không phải danh xưng hoa hậu nào cũng có giá như vương miện của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Nhưng không sao, cái mà các người đẹp cần không phải là vương miện hiện hữu, mà chính là sự hào nhoáng đằng sau vương miện.
Có vương miện, nhan sắc sẽ trở nên long lanh hơn trong các buổi giao tiếp, các lần tổ chức sự kiện, danh xưng trong tiệc tùng… Từ danh xưng này, người muốn sở hữu hoặc cặp kè với nhan sắc phải trả giá cao hơn. Thế nên, nhan sắc lao đầu vào các cuộc thi hoa hậu từ lớn đến bé, từ trên báo in cho đến báo mạng, từ vùng biển cho đến vùng cao… Hễ ở đâu có cuộc thi hoa hậu là nhan sắc đùng đùng kéo đến.
Thực tại cho thấy, nhan sắc đeo vương miện không hẳn vì dung nhan hay trí thông minh. Vì có cuộc thi hoa hậu nào mà lại không râm ran những thông tin về tiền bạc, tình ái. Để có được vương miện, nhan sắc phải bỏ ra một cái giá nhất định để sở hữu. Cái giá này, đôi lúc là hiện kim, đôi khi là… chính bản thân nhan sắc.
Tôi có gọi điện thoại hỏi vài người am tường về hậu trường của vài cuộc thi hoa hậu. Họ đều đưa ra cái giá tiền để sở hữu một vương miện, tùy theo quy mô từng cuộc thi. Hẳn nhiên, không phải là tất cả, mà chỉ là đa số. Có cuộc thi hoa hậu, vương miện được rao với giá vài chục triệu đồng kèm với sự phục vụ của thí sinh dự thi. Thế nên, mới có nhan sắc, rình rình rang rang là hoa hậu lại chỉ sử dụng danh xưng ấy cho những bức ảnh phồn thực.
Có nhan sắc lấy danh xưng hoa hậu để nhào lên trang Facebook cá nhân chửi đổng thiên hạ bằng những ngôn ngữ của dân anh chị đường phố. Có nhan sắc tiếp cận vương miện hoa hậu bằng sự dối trá về trình độ học vấn…
...Và giờ đây, có nhan sắc lấy vương miện hoa hậu để nâng giá cho mình trong những phi vụ bán dâm.
Lạ lùng thế(!).
Từ Hoa hậu Mỹ Xuân (bên trái) đến Á khôi Thiên Kim đều kiếm tiền cùng một cách. |
2. Nhan sắc thích vương miện để làm gì(?!).
Đơn giản, bấy lâu nay, người ta vẫn đánh đồng vương miện với sự giàu sang, với xa hoa. Ít ai biết được hoa hậu làm nghề gì. Người ta chỉ thấy, hoa hậu xuất hiện ở đâu là có ánh đèn của báo chí ở đó, là có tiệc tùng, là có trang sức đắt giá, là có xe hơi nhiều tỉ, là có áo quần hàng trăm cho đến cả tỉ đồng… Hoa hậu hào nhoáng đến mức khiến ai cũng phải choáng váng. Hoa hậu có thể trần tình, hoa hậu kiếm tiền từ quảng cáo, từ show trình diễn thời trang, từ phim ảnh.
Nhưng mọi người đều hiểu, hoa hậu xứ mình quá khó để kiếm một show diễn chục nghìn USD, một hợp đồng quảng cáo trăm nghìn USD hoặc một bộ phim truyền hình với cát-sê vài mươi triệu/tập…
Hoa hậu đóng phim, nửa năm hay một năm, mới thấy hoa hậu có cơ hội góp mặt một lần ở… vai phụ. Vậy thì, hoa hậu lấy đâu ra tiền để tiêu hoang.
Một số ít nhan sắc là trí thức, sau cuộc thi hoa hậu, họ tiếp tục đi học, kiếm việc làm và xây dựng tương lai dựa trên chuyên môn mà họ được đào tạo. Thi thoảng, họ xuất hiện ở các buổi tiệc hoặc lễ trao giải thưởng, với phong thái đúng chất một người đại diện cho cái đẹp.
Theo chỗ tôi được biết khi đoạt vương miện, hoa hậu sẽ phải làm từ thiện 2 hoặc 3 năm, tùy theo hợp đồng quy ước với ban tổ chức. Trong khoảng thời gian này, hoa hậu sẽ tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện để khuếch trương lòng nhân ái cho dư luận thưởng ngoạn. Chắc là, người ta muốn hoa hậu cũng có cái tâm lành, kiểu như "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Nên ở mỗi cuộc thi hoa hậu, dù lớn dù bé, ban tổ chức đều lùa một rừng thí sinh, mặt hoa da phấn, mắt xanh môi đỏ, tóc xoăn tóc duỗi… ào ào vào các trung tâm từ thiện, trại mồ côi để cày bừa trồng rau, bồng bế trẻ em, lau nước mắt thương cảm…
Một khi cá nhân chỉ xem hành động là điều kiện tiên quyết nhằm đạt được mục đích cuối cùng, thì người ta quá khó để hy vọng vào sự yêu thương chân thật.
Rặt diễn, diễn từ trên xuống dưới.
3. Những nhan sắc ngày nay chỉ qua một đêm đã trở thành hoa hậu.
Sự khác biệt được hình thành chỉ bằng cái vương miện bé xíu xiu đội hờ trên đầu ấy biến chuyển một thân phận rất nhanh chóng.
Không ai chấp nhận một hoa hậu đi xe gắn máy. Không ai chấp nhận một hoa hậu mặc áo quần chỉ có vài trăm nghìn một bộ. Không ai chấp nhận hoa hậu là một kế toán, nhân viên văn phòng, chủ tiệm may, chủ quán ăn…
Đương nhiên, không ai chấp nhận cho hoa hậu kiếm sống bằng cái nghề mà tất cả những người không là hoa hậu đang mưu sinh.
Sự thật thì hoa hậu vẫn có thể đi xe gắn máy. Vẫn có thể mặc đồ bình thường. Vẫn có thể làm chủ shop hoa tươi, nhân viên văn phòng, công chức…
Nhưng, cái vương miện hoa hậu đã biến sự bình thường trong đời sống thành thử thách. Đa phần, các hoa hậu đều không vượt qua được thử thách ấy. Hoặc có thể, họ không muốn vượt qua. Hoa hậu bị buộc phải mặc một cái áo quá rộng mà dư luận đã khoác cho họ.
Dẫu vậy, tôi vẫn nghĩ, cái áo rộng ấy là do họ tự nghĩ ra ngay khi đăng ký thi hoa hậu nhiều hơn là do dư luận ép họ khoác vào. Hơn nữa, cá nhân trên 18 tuổi thì đã có thể tự chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình.
Hoa hậu, không nghề nghiệp, chỉ có danh xưng. Thế nhưng, hoa hậu muốn sống phong lưu. Hoa hậu phải làm thế nào…
Những hợp đồng biểu diễn ít ỏi, những số tiền cát-sê không đều đặn… hoàn toàn không đủ chi phí cho hoa hậu. Nội cái chuyện, tháng ba mươi ngày, mặc một cái áo quá hai lần đã là điều đáng xấu hổ, là một "hình phạt" quá lớn cho hoa hậu.
Nên, hoa hậu buộc phải có người bao bọc cho nhu cầu thụ hưởng ấy. Có khi, trước khi là hoa hậu, nhan sắc đã nghĩ đến điều này.
Tôi vẫn thường nghe thấy râm ran, có đại gia khi tán tỉnh một nhan sắc đã hứa: "Em chịu anh, anh sẽ tặng em vương miện cho cuộc thi X, Y hay Z…".
Khi sự luyến ái được nâng tầm thành một cuộc đổi chác, thì quá khó để nghĩ về sự bền vững chân thành. Hơn nữa, đổi chác không có hợp đồng, thì bất cứ khi nào, người ta cũng có thể phá vỡ.
Sao cảm giác của tôi cứ là, trong hợp đồng ấy, đại gia mới là người nắm nhiều lợi thế. Cho dù là hoa hậu hay không là hoa hậu, thì bản chất vẫn là phụ nữ.
Cho dù là đại gia hay không là đại gia, thì ham của lạ cũng là bản chất của đàn ông. Tùy theo sự kiềm chế của mỗi người mà bản chất có thể biến thành hành vi hay không. Có điều, sự kiềm chế của người giàu bao giờ cũng kém hơn người ít tiền. Vậy đó, khi đại gia không thể kiềm chế được một nhan sắc khác, thì người tình hoa hậu ngay lập tức trở thành thứ họ cần phải thanh lý.
Vốn dĩ, sự bảo bọc đã thành thói quen. Sự thụ hưởng đã thành đặc tính.
Giờ đại gia đã bỏ đi, họ biết bấu víu vào đâu để tìm lưu hương xa hoa.
Giải pháp duy nhất phải là… bán đi cái họ tự có. Điều này, không khẳng định cho tất cả hoa hậu. Nhưng có lẽ, sẽ khẳng định cho rất nhiều hoa hậu.
Khi mà chưa chấm dứt được tình trạng loạn thi hoa hậu, thì tương lai, những người đẹp đoạt vương miện trong cuộc thi nào đó, lại tiếp tục khiến dư luận hoảng hốt về sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài.
Vương miện chắc chắn mang lại danh hiệu hoặc thêm nữa là cuộc sống sung túc, tùy theo tính toán so đo của những nhan sắc sở hữu nó.
Tiếc là, danh hiệu không bao giờ đủ quyền năng giúp cá nhân hoàn thiện nhân cách của mình.
Bởi, trước khi đến với cuộc thi kiếm tìm vương miện, họ đã toan tính chuyện sẽ làm gì sau cuộc thi ấy.
Sự toan tính này được hậu thuẫn bởi một nhóm người sẵn tiền, sẵn quan hệ, sẵn ham muốn... chuyên đứng ra tổ chức những cuộc thi hoa hậu "mạo danh cái đẹp" để đáp ứng nhu cầu kiếm danh của nhan sắc và đổi lại để "thỏa mãn nhu cầu của chính mình".
Cú "sẩy chân" của hoa hậu Mỹ Xuân liệu có thể được xem như là lời cảnh báo cho các chân dài nổi tiếng đang: "Tôi rất sợ nghèo, tôi ham tiền… Không có tiền thì cạp đất mà ăn à…"(?!)
Sau khi bị Cơ quan Công an ra quyết định tạm giữ hình sự vào ngày 3/6 vừa qua, hoa hậu Mỹ Xuân đã khai báo ra hàng loạt chân dài có danh vọng khác tham gia vào đường dây bán dâm hoặc môi giới bán dâm cùng Mỹ Xuân. Theo đó, thì nữ diễn viên Thiên Kim, người là Á khôi của một cuộc thi người đẹp năm 2012, từng tham gia vào bộ phim tưởng chừng đình đám nhưng lại gây thất vọng là "Lệnh xóa sổ". Ngoài Thiên Kim, trong đường dây của hoa hậu Mỹ Xuân còn có hoa khôi Duyên dáng thời trang 2010 Y.D., người được mệnh danh là "Hoa khôi Bến Tre". Thêm một người đẹp khác cũng liên quan với giá tiền "đi khách" còn cao hơn cả hoa hậu lẫn hoa khôi là hot girl với nghệ danh nửa Tây nửa ta J.P. J.P. không quá nổi tiếng trên mạng, nhưng vẫn được đánh giá là "hot girl nhiều tiềm năng" với những bức ảnh khiêu khích kiểu như "khoe để bán". Cũng liên quan đến đường dây mại dâm cao cấp này, Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự 2 nhân vật khác là Trần Quang Mai, Nguyễn Hữu Đạt và Lê Quang Tuấn Anh để phục vụ công tác điều tra. Mai, Đạt và Tuấn Anh là các mắc xích quan trọng của toàn bộ vụ việc này. Đã có gần 20 người bị triệu tập để Cơ quan điều tra làm rõ những nghi vấn. |