Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20507-nghi-luc-phi-thuong-cua-cuu-nu-cong-binh-397111/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201205/20507-nghi-luc-phi-thuong-cua-cuu-nu-cong-binh-397111/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghị lực phi thường của cựu nữ công binh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 29/05/2012, 08:21 [GMT+7]
20507

Nghị lực phi thường của cựu nữ công binh

Tham gia kháng chiến và đã bị chiến tranh cướp đi một phần thân thể của mình vào cái tuổi đẹp nhất của người con gái nhưng không vì thế mà bà gục ngã. Ngược lại, bà lại lấy đó làm động lực để bản thân mình vươn lên sống tốt, sống có ích cho xã hội.
 
Bao nhiêu năm qua, không ít người thầm khâm phục nghị lực sắt đá của bà Hồ Thị Kim Loan trú tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn - từng là người lính công binh trong thời chiến và là một cô giáo trong những năm tháng thời bình.
 
Bà Hồ Thị Kim Loan (SN 1951) sinh ra trong một gia đình đông anh em tại xã Xuân Hòa. Nhà có 7 anh chị em trong khi bố bà là một nhà giáo còn mẹ chỉ làm nông và chạy chợ nên cuộc sống của gia đình rất vất vả. Năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi, bà Loan lên đường tham gia kháng chiến.
 
 
Bà Hồ Thị Kim Loan
 
Hơn 1 năm đóng quân tại Hà Tĩnh để huấn luyện cũng như trang bị vũ khí, năm 1972, bà Loan mới đủ điều kiện vào chiến trường. Hồi đó, bà tham gia đơn vị C3D33, binh trạm 14, đoàn 559, đóng quân ở nước bạn Lào. Công việc chính mà đơn vị công binh của bà đảm nhiệm là san đường, nhưng với cá nhân bà Loan được giao nhiệm vụ làm cấp dưỡng.
 
Ngày đó, đói kém vất vả nhưng tâm hồn người lính luôn vui tươi trẻ trung. Ai cũng đều mong góp sức mình để đánh bại giặc ngoại xâm. Ra chiến trường được một thời gian, trong một lần đi công tác, bà Loan bị trúng bom tọa độ. Một chân của bà bị nát bươm đến tận bẹn, chỉ còn dính tí da. Đau đớn, bà Loan ngất đi. Bà được đồng đội nhanh chóng sơ cứu vết thương và chuyển về hậu phương. Do vết thương ở chân quá nặng, lại đang có dấu hiệu nhiễm trùng, các bác sỹ đành phải phẫu thuật cắt bỏ.
 
Bà Loan nhớ lại: “Những ngày đầu mới phẫu thuật cắt đi một bên chân, hôm nào tôi cũng ngủ mơ thấy mình là một người bình thường, có thể đi đứng và chạy nhảy, nhiều hôm tỉnh giấc tôi chỉ biết nằm khóc. Cũng có hôm, sáng vừa tỉnh giấc, tôi lao nhanh xuống giường để đi bằng chính đôi chân của mình.
 
Khi đó, cả người ngã lăn xuống, một bên chân cụt đập xuống nền gạch đau buốt óc tôi mới nhận ra sự thật”. Ngày bà trở về, trong niềm vui đoàn tụ với gia đình, cha mẹ bà khóc như mưa khi đứa con gái nhỏ, xinh xắn, đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời con gái lại trở về thành một người tàn phế.
 
Không thể làm gì khi đôi chân không còn lành lặn, nhưng thấy bạn bè đua nhau đăng ký học ôn thi vào đại học, cao đẳng, ước mơ làm giáo viên đứng lớp của bà Loan lại trỗi dậy. Bà về xin phép gia đình, được mọi người ủng hộ, thế là bà hăm hở dùi mài kinh sử chờ ngày thi. Cũng trong năm đó, bà được cơ quan chuyển ra ôn thi đại học tại Hà Nội, lần đó bà Loan đủ điểm vào học trường Đại học Sư phạm Vinh.
 
Đỗ vào đại học là một niềm vui lớn của người thiếu nữ ngày đó. Nên dù khó khăn vất vả, bà vẫn theo đuổi đam mê của mình. Mỗi ngày hai lần lên giảng đường đã mệt đối với một người lành lặn, còn với bà Loan lại càng vất vả gấp bội. Khi được lắp chiếc chân giả bằng gỗ để tiện đi lại, phải mất 2 tháng bà Loan mới làm chủ được chiếc chân.
 
Nhưng để đi được bình thường thì chưa thể, cứ mỗi lần tập đi, được vài bước, mất cân bằng bà Loan lại ngã nhào. Chưa kể, phần khớp nối với chiếc chân giả bắn máu, cứa vào thịt đau buốt. Nhiều lần chán nản, định bỏ cuộc nhưng nhìn bao người lành lặn khác, bà lại khao khát và quyết tâm. Cứ như vậy, đến khi cất những bước chân vững chắc, bà Loan mừng rơi nước mắt. Đi bộ vững rồi, bà Loan lại bắt đầu tập đi xe đạp để tự mình đi lại mà không phải nhờ vả mọi người.
 
Sau 4 năm đại học, năm 1978 bà Loan tốt nghiệp ra trường và được nhận về công tác tại trường THPT Nam Đàn 1. Cảm phục trước tấm gương vươn lên của bà Loan, ông Nguyễn Thanh Đăng khi đó đang là giáo viên trường năng khiếu ở Nam Đàn, từng là một người lính, đem lòng yêu thương. Năm 1979, cô giáo Loan lên xe hoa về nhà chồng.
 
Có người bầu bạn và chia sẻ, bà Loan không còn mặc cảm. Một năm sau, đứa con trai ra đời làm tổ ấm của gia đình thêm hạnh phúc nhưng cũng không kém phần khó khăn. Khi lần lượt ba đứa con ra đời, vì cuộc sống mưu sinh, ngoài giờ lên lớp, bà Loan vẫn tự tay làm mọi việc như người bình thường, từ giặt giũ, nấu cơm cho đến làm vườn.
 
Sau 15 năm đứng lớp, năm 1993, bà Loan nghỉ hưu. Để có thêm thu nhập nuôi con, hai vợ chồng bà lại bắt tay vào tăng gia sản xuất, chăn nuôi, buôn bán, đến mùa hai vợ chồng còn thu mua nông sản về xay xát rồi đem ra chợ bán. Cuộc sống không mấy khấm khá nhưng gia đình bà luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
 
Năm 2008, bà may mắn gặp lại đồng đội cũ của bà năm xưa, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi trong ngày tái ngộ. Ai cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy bà còn sống, bởi ngày đó bà bị thương quá nặng, nhìn thân hình nhỏ bé của bà ai cũng nghĩ là không qua khỏi.
 
Đến nay, khi bà đã 62 tuổi (chồng bà mất cách đây 2 năm), 3 cậu con trai đều ăn học thành tài và đi làm xa, một mình trong căn nhà nhỏ, bà Loan làm bạn với mảnh vườn nhỏ trước sân, sống hòa đồng, thân thiện với xóm làng. Mọi người ai cũng quý bà một cô giáo Loan, một cựu người lính công binh đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Trịnh Thành
.