Ngàn lý do để giữ chân bệnh nhân
Ông Thái Bá Cảnh, 53 tuổi quê ở xã Diễn Phú, Diễn Châu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hơn một năm nay. Cuối tháng 4 năm ngoái, ông đến khám và nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu.
Sau hơn 1 tháng điều trị, bệnh của ông vẫn không thuyên giảm. Mặc dù, rất muốn chuyển tuyến lên chữa ở Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, nhưng năm lần bảy lượt nài nỉ vẫn không được chấp nhận, ông Cảnh đành phải tiếp tục điều trị ở đây thêm một tháng nữa.
Đến cuối tháng 6/2011, lúc này, bệnh của ông đã diễn biến theo chiều hướng xấu, mắt mờ, răng lung lay, tê mỏi nhiều 2 chi dưới, lượng đường huyết tăng tới 28,5 mmol/l, Bệnh viện đa khoa Diễn Châu mới làm thủ tục cho ông chuyển tuyến. Trong khi đó, theo Quy định số 2043 của Sở Y tế Nghệ An, bệnh nhân đái tháo đường ở mức gluco huyết tương máu lúc đói dưới 11 mmol/l phải cho chuyển lên tuyến trên.
Tương tự trường hợp ông Cảnh, cả 2 mẹ con chị Đặng Thị Hương ở phường Hưng Bình, TP Vinh hiện đang điều trị ở BV Nội tiết Nghệ An. Chị Hương mắc bệnh tiểu đường đã 11 năm nay, còn mẹ chị đã ngoài 80 tuổi bị đái tháo đường biến chứng nặng, dẫn đến suy gan. Mặc dù có thẻ khám chữa bệnh ban đầu tại BV đa khoa TP Vinh, nhưng chị Hương vẫn đưa mẹ đến điều trị tại đây. Vì theo chị, tuy đi trái tuyến, vượt tuyến, tốn tiền một tý nhưng bù lại yên tâm chữa trị.
Chị Hương nêu lý do: Ở BV đa khoa TP Vinh họ không cho chuyển tuyến vì lý do ở đây cũng có phòng điều trị, có khoa điều trị, tôi ra ngoài này yên tâm hơn, vì đây chuyên khoa hơn. Ở đó đến khám khi thì họ nói máy xét nghiệm hỏng, khi thì mất điện nên tôi ra BV Nội tiết điều trị yên tâm hơn, cho dù phải chi trả 30% nhưng tôi vẫn thấy thoải mái.
Nhiều bệnh viện tìm đủ lý do giữ chân bệnh nhân để hưởng lợi từ bảo hiểm
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh viện “giữ chân”. Không hiếm các trường hợp bệnh nhân thì năn nỉ cố xin chuyển tuyến còn bệnh viện thì nhùng nhằng cố giữ bệnh nhân. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở bệnh viện tuyến huyện mà còn xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
Nhiều người bệnh phản ánh, mặc dù không cho chuyển tuyến nhưng cán bộ y tế cũng không giải thích thỏa đáng cho người bệnh, chỉ nói chung chung là bệnh chưa đến lúc cần phải chuyển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính của các ca bệnh vượt tuyến, trái tuyến gia tăng.
Tất cả vì lợi nhuận
Qua tìm hiểu, nhiều cán bộ trong ngành y tế cho biết, với việc khoán quỹ bảo hiểm theo định suất hiện nay cho các cơ sở y tế thì chuyện “giữ chân” bệnh nhân là lẽ đương nhiên. Nếu bệnh nhân đến khám, bệnh viện giữ lại điều trị ở cơ sở khám chữa bệnh ban đầu của mình thì có thể quản lý được nguồn quỹ, không bị thâm hụt quỹ. Từ đó, đơn vị sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn và sẽ được hưởng lợi nhuận nhiều hơn so với việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Qua trao đổi lãnh đạo một số bệnh viện cho biết, việc giữ bệnh nhân lại để xảy ra các sự cố đáng tiếc, thực chất là do không tiên lượng được diễn biến bệnh tình. Bác sỹ Nguyễn Danh Linh, Giám đốc BV đa khoa tỉnh cho biết, nếu đơn vị nào lôi kéo thẻ BHYT hoặc giữ bệnh nhân bằng thủ tục hành chính trong khi anh không làm được, vẫn cố tình để làm sai, dẫn đến điều trị sai cho người bệnh càng nặng hơn là anh đã vi phạm. Tuy nhiên, hiện tượng đó không phổ biến, trừ một số trường hợp người thầy thuốc không tiên liệu được bệnh đó cần phải chuyển tuyến.
Bác sỹ Bùi Đình Long - Phó Giám đốc Sở Y tế thừa nhận chuyện các bệnh viện cố giữ chân bệnh nhân vì bảo hiểm là có. Nguyên nhân là do cơ chế khoán quỹ bảo hiểm theo định suất. Nếu số bệnh nhân có thẻ BHYT khám chữa bệnh ban đầu càng lớn và ở lại điều trị tại bệnh viện càng nhiều thì lợi nhuận càng cao.
Tuy nhiên, số người phản ánh việc chuyển tuyến khó khăn chủ yếu rơi vào 3 đối tượng. Đối tượng thứ nhất có tâm lý không tin tưởng tuyến dưới muốn lên tuyến trên điều trị cho yên tâm. Thứ 2, một số bệnh nhân đi khám chữa bệnh theo nhu cầu, nhưng vì có mối quan hệ quen thân hoặc phát hiện bệnh tại đây nên nằm lại điều trị và quay trở lại tuyến dưới xin giấy chuyển tuyến để được thanh toán BHYT.
Trường hợp thứ 3, bao gồm các bệnh nhân bị bệnh mãn tính khám ở tuyến Trung ương được cấp giấy hẹn tái khám theo quy định. Song khi khám và điều trị lần đầu và ra viện lại không lấy giấy hẹn. Đến thời gian tái khám, họ phải xin cấp lại quy trình chuyển tuyến ban đầu. Qua số liệu điều tra của phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế có khoảng 80% bệnh nhân có thể nằm điều trị tuyến dưới nhưng lại xin chuyển lên tuyến trên.
Bác sỹ Bùi Đình Long cũng cho rằng, trong thực tế số bệnh nhân được chuyển tuyến là rất lớn. Cụ thể, hàng tháng có tới 45 - 50% số quỹ khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện dành cho chuyển tuyến tỉnh. Và mỗi tháng, BHXH Nghệ An phải chuyển cho Bệnh viện tuyến Trung ương 6 tỷ - 10 tỷ đồng do điều trị chuyển đa tuyến.
Phó Giám đốc Sở Y tế Bùi Đình Long khẳng định: Vấn đề giữ bệnh nhân gây khó khăn cho người bệnh chúng tôi khẳng định là có, nhưng do yếu tố khách quan. Còn lại việc giữ bệnh nhân để bệnh biến chứng nặng thì tỷ lệ này không nhiều lắm. Quan điểm của chúng tôi nếu không điều trị được sẽ cho chuyển. Vì vậy, song song công tác nâng cao chất lượng KCB, ngành y tế Nghệ An chú trọng đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tối đa chuyển tuyến Trung ương.
Rõ ràng, để giải quyết tình trạng bệnh viện giữ chân bệnh nhân như người dân phản ánh, thì rất cần phải có thời gian. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có những sửa đổi về cơ chế kịp thời và hợp lý. Về phía các cơ sở khám chữa bệnh cần nỗ lực nâng cao chất lượng điều trị, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao y đức, gây dựng thương hiệu tạo niềm tin với nhân dân.
Về phía người bệnh, cần phải tin tưởng, an tâm chữa trị nơi khám chữa bệnh ban đầu. Bởi hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã đầu tư nâng cấp cả về trang thiết bị cũng như nhân lực, đảm bảo đủ năng lực điều trị và phẫu thuật những ca bệnh khó.
Hiến Chương
.