Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18960-nghi-luc-det-nen-cau-chuyen-tinh-cam-dong-398436/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18960-nghi-luc-det-nen-cau-chuyen-tinh-cam-dong-398436/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghị lực dệt nên câu chuyện tình cảm động - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 14/03/2012, 14:00 [GMT+7]
18960

Nghị lực dệt nên câu chuyện tình cảm động

Về làng Nhân Hậu, thuộc xóm 7, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Hải Yến (SN 1959). Ngôi nhà nhỏ nằm ở phía cuối làng. Tiếng ho húng hắng của chị vợ nằm ở nhà trên. Dưới nhà bếp, nghe tiếng tôi, anh Yến đang nằm một chỗ cũng cố rướn mình, ngoảnh ra cửa nở một nụ cười. 

Số phận nghiệt ngã
 
Hải Yến sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Gia đình nghèo khó, đông anh em, mặc dù là con thứ nhưng khi 10 tuổi, cậu bé Yến đã sớm biết lo toan cuộc sống gia đình. Những lúc không học bài, cậu lại giúp cha mẹ làm lúa, làm ngô, cùng dân làng bao phen đi chắn lũ.
 
Cậu bé Yến có biệt tài vẽ tranh, viết chữ, đã nhiều lần được nhà trường cử đi thi và phục vụ trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Ngày ấy, ai ai trong xã cũng ngỡ rằng một cậu bé thông minh, tài hoa như vậy sẽ có một tương lai sáng lạn. Nào ngờ đâu, tai họa bỗng dưng ập đến.
 
Anh Yến nhớ lại: “Năm 12 tuổi, mình theo cha vào rừng chặt tre để về làm thúng và đan rèm bao quanh vườn rau. Lúc đang chặt, không may bị cành tre đâm vào cột sống lưng. Hốt hoảng mình đưa tay rút cành tre ra, kéo theo một đoạn gân trắng, máu chảy rất nhiều. Băng bó vết thương lại tiếp tục công việc của mình. Nếu chỉ có thế thì không nói làm gì. Nào ngờ, vết thương bị nhiễm trùng, do cùng mẹ đi bón phân ngoài ruộng, rồi không chịu kiêng khem, nhiễm phải hơi lạnh người mất. Cho nên từ nhiễm trùng, chuyển sang đau khớp”. Chưa chịu dừng lại ở đó, cuộc đời trớ trêu bắt anh phải chịu cảnh suốt đời tàn tật nằm một chỗ.
 
Trận lũ lịch sử  năm 1978 ập đến đã cuốn trôi của cải, hoa màu ở 3 xã Nam, Bắc, Đặng ngày ấy. Quên đi nỗi đau xương khớp, anh cùng đám bạn chạy lũ, lăn lộn hàng giờ để vớt vát hoa màu cho gia đình.
 
Ngay sau trận lụt đó, đôi tay và đôi chân anh co rút, teo tóp lại phải nằm liệt giường cho tới bây giờ. Gia đình đã cố gắng thuốc men, đưa đi chạy chữa nhiều nơi nhưng rồi y học cũng phải lắc đầu bỏ cuộc. Các bác sĩ nhận định anh bị lao xương, viêm đa khớp, vĩnh viễn nằm một chỗ. 
 
Nằm một chỗ khi tuổi đời còn quá trẻ, bao dự định còn dở dang, anh cảm thấy gò bó, bất lực trước cuộc sống này. Vừa đau đớn về thể xác lại âm ỉ nỗi đau tinh thần, tất thảy giằng xé con người anh. Hai nỗi đau chồng chéo lên nhau đã khiến anh rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Đã bao lần anh phó mặc cho số phận, tìm đến cái chết nhưng nào có được đâu. Phải chăng anh đang mắc duyên nợ với đời?
 
Đôi tay khéo léo và cái kết của một mối tình
 
Nằm riết mãi trong sự chăm sóc của cha mẹ, người thân, anh Yến cảm thấy mình như một người thừa. Thương cha mẹ bao nhiêu, anh lại thương cho mình bấy nhiêu. Nếu cứ như thế này, anh sẽ chết mòn, chết héo. Mà cái chết này còn đau đớn hơn bội phần so với cái ý định tự tử lúc ban đầu.
 
Xóa đi những mặc cảm, tự ti anh quyết tâm cố gắng tập luyện. Mỗi lần cử động những ngón tay, nơi khóe mắt anh lại ứa lệ cay cay. Cứ mỗi ngày một tí, dần già những ngón tay đã bắt đầu cử động được đủ để anh có thể lo liệu cho bản thân. Còn đôi chân kia vĩnh viễn không thể di chuyển.
 
Với đôi bàn tay khéo léo, anh Yến dồn cả sức mình vào việc đan lát. Đây là nghề truyền thống của gia đình. Mất một thời gian khá dài anh mới tập làm quen dần với những thao tác cơ bản nhất của công việc.
 
Đôi bàn tay khéo léo của anh Nguyễn Hải Yến
 
Tận mắt chứng kiến cái cảnh anh ngồi đan một chiếc rế, tôi khâm phục anh biết nhường nào. Từ việc chẻ tre, vót nan, rồi đến việc đan, lận anh đều làm thoăn thoắt. Trên chiếc giường cũ kỹ, hàng ngày anh vẫn miệt mài với công việc của mình. Chỉ với một con dao, trải một tấm vải để chống bụi, đôi tay co quắp mãi không thôi ngừng nghỉ.
 
Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến với anh để chia sẻ, đồng cảm yêu thương. Chị Lê Thị Dần, một người phụ nữ quê ở xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn đã đến với anh như duyên tiền định. Mặc dù gặp phải sự phản đối từ gia đình hai bên, năm 1993, anh chị quyết định về sống chung cùng một mái nhà.
 
Giờ đây, anh chị đã có với nhau 2 người con đủ trai, đủ gái. Đứa lớn đang học lớp 11, cậu con trai út chuẩn bị vào cấp 2. Niềm vui của anh chị là mỗi ngày nhìn thấy con mình lớn lên, khỏe mạnh, học hành giỏi giang. Ngặt nỗi, cuộc sống lại mỗi lúc khó khăn hơn, anh với công việc đan lát trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.
 
Hai năm nay, mỗi khi trái gió trở trời, bệnh lại hành hạ anh. Đã vậy, các sản phẩm đan lát mỗi ngày một ế ẩm do không có đầu ra. Chị Dần ngày ngày quần quật bên 4 sào ruộng, vừa mới đi mổ u nang thanh quản, sức khỏe giảm sút rất nhiều.
 
Chia tay anh chị khi những tia nắng còn le lói cuối ngày, tôi bỗng thấy một niềm vui len lỏi trong tâm hồn mình. Anh chị đã gieo vào lòng tôi, một niềm tin để sống ở đời. Vượt qua nỗi đau về bệnh tật, vượt qua những rào cản, chân thành đến với nhau rồi hạnh phúc sẽ đến. Ước nguyện mong được một lần tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” có lẽ không khó đối với anh chị trong hoàn cảnh như thế này.

Phan Tuyết
.