Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18876-pho-mac-tinh-mang-cho-cau-tre-noi-398509/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201203/18876-pho-mac-tinh-mang-cho-cau-tre-noi-398509/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phó mặc tính mạng cho... cầu tre nổi - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 11/03/2012, 08:02 [GMT+7]
18876

Phó mặc tính mạng cho... cầu tre nổi

Cứ mỗi ngày, hàng trăm em học sinh và người dân bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương phải chênh vênh trên cây cầu tre nổi tạm đầy bất trắc và nguy hiểm để đến trường và đi làm.
 
Đã hơn 7 tháng nay, gần 160 hộ dân với 686 nhân khẩu của bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng muốn đi canh tác sản xuất phải liều mình vượt qua dòng sông Lam bằng chiếc cầu tre nổi tạm.
 
Đây là cây cầu được làm thủ công, với chiều dài 78m, mặt cầu được làm bằng các cây mét đặt song song với nhau, bên dưới được đỡ bằng những khúc mét và buộc những sợi dây bì xác rắn. Do làm thủ công nên bà con phải thường xuyên sửa chữa bằng cách tự thay những cành cây mới vào những chỗ mặt cầu bị gãy, mục.
 
Gọi là cầu tre nổi tạm nhưng là nơi đi lại hàng ngày của người dân nơi đây. Không có nó thì họ phải đi đò để qua lại. Theo những người dân nơi đây phản ánh, đã có rất nhiều trường hợp người dân khi đi qua cầu bị té ngã xuống sông, kể cả trẻ em lẫn người lớn, cũng may là chưa có trường hợp nào tử vong khi qua cây cầu nổi này.
 
 
Mặc dù họ biết qua cầu là nguy hiểm nhưng hàng ngày người dân và các em học sinh vẫn bất chấp mạng sống mà di chuyển trên chiếc cầu này, bởi đây là cách giúp họ có thể qua bên kia bờ sông lao động, mưu sinh, đi học. Nhìn chiếc cầu nổi tự chế, không khỏi rùng mình khi nó dập dềnh đưa trên nước rung bần bật khi có người qua.
 
Trưởng bản Khe Ngậu Trương Văn May chia sẻ: “Hiện nay số học sinh trong bản có 170 em đang học từ tiểu học đến THPT đều phải qua cầu nổi này thì mới đến được trường. Nhưng cứ vào mùa lũ, lụt (tháng 7 - 8), có rất nhiều em phải nghỉ học vì nước lũ dâng cao và chảy xiết, cầu tạm thì bị cuốn trôi, còn đò không đưa các em sang bên kia được… Bản thân tôi chứng kiến cảnh bà con qua cầu trong sự nguy hiểm đến tính mạng cũng rất lo lắng. Chúng tôi rất mong muốn có được một cây cầu khác chắc chắn hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên không biết đến khi nào mới được xây dựng lại một cây cầu khác. Đi cầu này, không ai dám khẳng định là an toàn. Người lớn còn ý thức được mỗi khi qua cầu phải cẩn thẩn tránh bị sẩy chân, nhưng đối với các cháu nhỏ trong bản hàng ngày đi học về đôi lúc còn chạy nhảy nô đùa trên cầu nên khả năng tai nạn là rất cao, cũng đã có nhiều cháu bị rơi khỏi cầu nhưng rất may tất cả đều thoát nạn”.
 
Được biết, tháng 10/2006 tại bản Khe Ngậu đã được đầu tư 474 triệu đồng để xây dựng chiếc cầu treo, sau hơn 3 tháng xây dựng, đầu năm 2007, đưa vào sử dụng. Nhưng đến tháng 5/2011 do lũ lụt, cây cầu lại bị cuốn trôi. Người dân trong bản phải làm chiếc cầu tạm để đi lại từ đó đến nay.
 
Khi được hỏi về thực trạng và sự nguy hiểm của cây cầu tạm, ông Hải - Trưởng phòng Công thương huyện Tương Dương cho biết: Ngay sau khi lũ lụt năm 2011 cuốn trôi cây cầu treo tại Khe Ngậu, huyện đã tiến hành cấp một chiếc thuyền, cử người có chứng chỉ để lái thuyền cho bà con ở bản này qua lại, được một thời gian bà con không muốn đi qua sông bằng thuyền nên đã tự lập cầu tre nổi để đi. Cũng biết cầu nguy hiểm là vậy, cũng muốn làm lại một cây cầu mới cho người dân được đi lại an toàn, nhưng phải chờ cấp trên bổ sung nguồn vốn xây dựng lại cầu treo tại đây. Việc cầu nổi tạm do dân tự lập thật sự là nỗi lo lắng của chính quyền.
 
Hiện mỗi ngày có tới hàng trăm người dân, học sinh bản Khe Ngậu và các vùng lân cận vẫn qua sông Lam trên chiếc cầu tre nổi tạm bợ. Với tình trạng này không biết bao giờ người dân và các em học sinh nơi đây mới có một cây cầu thực sự an toàn để đi. Mong sao cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng sớm đầu tư kinh phí, xây dựng lại cầu mới vững chắc, giúp nhân dân thoát khỏi hiểm họa của “cầu nổi tạm”.

Trường Khuyên
.