Một buổi chiều mưa dầm rả rích, chúng tôi tìm đến nơi ở của bà cụ neo đơn với cuộc đời đầy những nỗi khổ đau. Phải lách người lại mới bước qua được chiếc cổng của ngôi nhà bên cạnh, trước mắt là ngôi nhà cấp bốn của bà Ba chỉ rộng chừng khoảng 10 m2, tồi tàn, cũ kỹ.
Vừa đặt chân vào nhà, đã cảm nhận một bầu không khí ảm đạm, một sự nghèo khổ túng bấn. Chiếc bóng đèn đã bật mà vẫn liu hiu chừng muốn vụt tắt không đủ làm sáng một góc nhà, bên trong không có một vật dụng gì đáng giá, chiếc giường ọp ẹp cùng manh chiếu đã rách nát, đồ đạc bày ra ngổn ngang như một mớ hỗn độn.
Nghe tiếng gọi, một bà lão gầy gò, ốm yếu, chân tay lở loét bước ra từ tấm mành che đã pha màu rêu úa. Nhìn thấy người lạ, bà nói giọng thều thào như mếu: “Khổ lắm, có khách đến mà không có lấy một chỗ ngồi để tiếp!”.
Ngồi ngoài hiên nhà, chúng tôi xót xa khi nghe những dòng tâm sự về quãng đời bất hạnh của cụ Nguyễn Thị Ba. Bà kể giọng nghẹn ngào: “Lúc còn là con gái khoẻ mạnh, tôi là công nhân của Công ty giao thông Hạt 13 Nghĩa Đàn từ năm 1966. Đến năm 1985, tôi phát bệnh đau nhức, lở ngứa toàn thân, máu nóng xông lên đầu, sức khỏe như cạn kiệt nên phải xin nghỉ việc. Mặc dù đã có nhiều cống hiến cho ngành giao thông với một thời gian dài làm công nhân nhưng cơ quan không cho hưởng một chế độ gì. Vay mượn được ít tiền, tôi đi bệnh viện khám thì phát hiện mình bị bệnh phong”.
Bà Ba sống một mình trong căn nhà lụp xụp cùng căn bệnh phong quái ác
Từ đó đến nay, căn bệnh quái ác luôn hành hạ nên bà Ba ở vậy một mình, không lấy chồng. Thời trẻ, bà cũng có yêu một người đàn ông, nhưng bà đã quyết định chia tay để người ấy không phải gánh nặng cuộc đời bệnh tật của mình.
Thương cho hoàn cảnh của em gái vợ, người anh rể đã cho bà Ba ở tạm trong căn nhà một gian hiện nay để bà có chỗ ăn ở. Căn nhà này cũng đã được Báo phụ nữ TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 15 triệu đồng để sửa sang lại từ năm 2009. Vì hoàn cảnh khó khăn, nên bà ăn uống hết sức kham khổ thiếu thốn.
“Tôi ít khi đi chợ lắm, vì bác sĩ bảo cái gì cũng phải kiêng, thịt cá ăn không được, tôi chỉ ăn rau qua bữa mà thôi”. Có người hàng xóm nói nhỏ với chúng tôi: “Đó là bà Ba kể vậy, chứ bà ấy không có tiền nên chỉ ăn rau qua bữa mà thôi”.
Hàng ngày để chống chọi với bạo bệnh, vì không có tiền nên bà không uống thuốc tây, chỉ mua mấy cây thuốc nam và nghệ cho rẻ, rồi tự sắc uống. Mấy năm trở lại đây, số tiền mà bà dành để ăn uống, mua thuốc chữa bệnh đều lấy từ số tiền trợ cấp người nghèo 180.000 đồng/tháng, ngoài ra không còn chế độ gì khác.
Chị Trần Thị Hà - Một người dân cùng xóm cho biết: “Bà Ba là người nghèo khổ nhất xã này đó các cô ạ. Giờ tuổi cao sức yếu, lại một mình chống chọi với bệnh tật thế này thì thật thiệt thòi và đáng thương quá”.
Tạm biệt bà Ba khi trời vừa nhá nhem tối, chúng tôi thấy hiện lên trên khuôn mặt tội nghiệp đăm chiêu ấy một nỗi niềm u uất. Rồi đây, cảnh già neo đơn không người chăm sóc sẽ phải chống chọi với căn bệnh phong như thế nào đây? Khi mà số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ để cho bà sinh hoạt và chữa bệnh.
Mong rằng những nhà hảo tâm bằng tình thương, bằng lòng nhân ái và bằng trái tim yêu thương sẽ dang rộng vòng tay giúp đỡ bà trong những ngày tháng khó nhọc còn lại của cuộc đời.
Hằng Nga - Lê Hoa
.