CCHC

Kỳ vọng từ cổng dịch vụ công quốc gia

09:15, 29/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là mục tiêu mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đặt ra ở Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Dù còn nhiều thời gian để hoàn thiện song người dân hy vọng sẽ có một địa chỉ cung cấp dịch vụ công minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, mang lại lợi ích thiết thực.

Việc khai trương Cổng DVCQG cung cấp dịch vụ minh bạch, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp
Việc khai trương Cổng DVCQG cung cấp dịch vụ minh bạch, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp

Tại thời điểm khai trương, Cổng DVCQG sẽ cung cấp 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mãi; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện. 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp bộ gồm: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá, nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là 2 tiện ích nộp thuế điện tử và đối với doanh nghiệp, tiện ích thanh toán tiền điện. Đối với 4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công: TP HCM: Đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội: Đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; Quảng Ninh, Hải Phòng: Đăng ký khai sinh.

Theo kế hoạch, trong quý I/2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ…Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng DVCQG lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Cổng DVCQG cũng sẽ tích hợp các dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, người dân chỉ cần đăng nhập 1 lần (bằng mã số bảo hiểm xã hội hoặc số chứng minh nhân dân/căn cước công dân) thì thông tin đó sẽ được sử dụng để đăng nhập cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương và dùng trong các lần sau. Bên cạnh làm thủ tục, cổng dịch vụ công sẽ giúp người dân, doanh nghiệp theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Cùng với đó, việc tiếp nhận, phản ánh kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính cũng được tích hợp trên cổng dịch vụ công. Theo tính toán sơ bộ đối với chi phí thực hiện nhóm dịch vụ công đang cung cấp với tần suất giao dịch hiện nay, khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỉ đồng/năm, trong đó, chi phí tiết kiệm được do lợi ích từ việc thực hiện qua Cổng DVCQG mang lại khoảng 1.736 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Cổng DVCQG với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng dịch vụ công này sẽ được tiếp tục tăng lên nhanh chóng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan trong việc kết nối hệ thống và lựa chọn cung ứng dịch vụ công để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân có thể truy cập vào Cổng DVCQG bằng nhiều thiết bị khác nhau (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng có thể kết nối internet) bất cứ lúc nào và ở đâu để đăng ký sử dụng các dịch vụ công, cũng như giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính. Để đảm bảo tính an toàn thông tin cho người sử dụng, hệ thống cũng sẽ xác thực bằng mã OPT về số điện thoại mà người dân đăng ký. Đây là mức bảo mật ngành với các ngân hàng đang sử dụng khi thanh toán trực tuyến. Người dân cũng hy vọng việc triển khai Cổng DVCQG sẽ giúp chuẩn hoá việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…

Tuệ Trang

Các tin khác