Thứ Năm, 26/09/2019, 08:21 [GMT+7]

Chuyển động mới trong sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

(Congannghean.vn)-Triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, với tinh thần khẩn trương, thận trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Nghệ An phấn đấu đảm bảo đúng mục tiêu và lộ trình của Đề án, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị.

Việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp sẽ được thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch
Việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp sẽ được thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch

Theo phương án sáp nhập, Nghệ An có 36 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 đơn vị thuộc 9 huyện, thị gồm: Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên và Thái Hòa. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, Nghệ An từ 480 ĐVHC cấp xã giảm còn 460 đơn vị (411 xã, 32 phường, 17 thị trấn). Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua Nghị quyết số 08 ngày 12/7/2019 về việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc 14/21 huyện trên địa bàn tỉnh và giảm được 1.608 xóm sau khi hoàn thành.

Liên quan đến việc thực hiện chủ trương trên, vấn đề được quan tâm là công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, việc sử dụng cơ sở hạ tầng tại các xã thuộc diện sáp nhập. Về công tác cán bộ, dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách.

Theo ông Lê Đình Lý, Giám đốc  Sở Nội vụ: Về phương án giải quyết cán bộ dôi dư theo thứ tự ưu tiên, đối với các cán bộ đã đủ điều kiện nghỉ hưu, sẽ tạo điều kiện cho nghỉ theo đúng chính sách; những trường hợp đủ điều kiện chuyển vị trí việc làm thì tiến hành sắp xếp, bố trí  phù hợp trong địa bàn. Các huyện và ĐVHC cấp xã tiến hành rà soát phân loại, dựa trên các tiêu chí cụ thể, khách quan để lựa chọn người chủ trì. Đối với cán bộ cấp phó, sẽ bố trí chức danh phù hợp với trình độ, khả năng, tính chất chuyên môn; nếu đủ điều kiện luân chuyển sẽ tiến hành luân chuyển trong địa bàn. Theo đó, trước mắt sẽ không tạo nhiều biến động mà căn cứ theo lộ trình 5 năm để giải quyết phù hợp.

Cũng liên quan đến công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất việc yêu cầu các địa phương tạm dừng việc tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã để điều tiết trong quá trình sắp xếp, sáp nhập. Việc điều tiết không chỉ ở trong một huyện mà có thể cần tính đến giữa các huyện với nhau và có gắn với phương án sáp nhập trong giai đoạn tiếp theo.

Liên quan đến việc sử dụng cơ sở vật chất, trên tinh thần khảo sát thấu đáo địa bàn, căn cứ vào quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, thực hiện việc lấy ý kiến người dân để lựa chọn trụ sở chính của ĐVHC cấp xã tại 1 trong những đơn vị thuộc diện sáp nhập. Về phần các trụ sở, công trình vật chất còn lại, tiến hành xin chủ trương của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho bán đấu giá các tài sản hiện hữu, các công trình trụ sở của các xã không sử dụng. Liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và Đề án, UBND tỉnh cần có hướng dẫn cụ thể theo ngành dọc, từ tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, lực lượng vũ trang...

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 08 ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đổi tên xóm, khối, bản (gọi chung là xóm) ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, ngày 12/9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6448 giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã.

Theo đó, đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã, trong quá trình lựa chọn nhân sự, cần lưu ý việc bố trí hài hòa nhân sự giữa các xóm sau khi sáp nhập, đảm bảo các xóm đều có người đại diện đảm nhận 1 trong 3 chức danh: Bí thư, Xóm trưởng và Trưởng ban Công tác Mặt trận. Cùng với đó, thực hiện việc tổng hợp, lập danh sách người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sáp nhập xóm, gửi về Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chế độ hỗ trợ cho những người nghỉ việc do sáp nhập xóm theo quy định.

UBND cấp xã khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, nhà văn hóa, các thiết chế văn hóa - thể thao, các công trình công cộng…; đồng thời, sắp xếp bố trí sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định cuộc sống của người dân. Trong quá trình này, cần rà soát kỹ các công trình đang xây dựng dở dang hoặc đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư xây dựng, nếu không còn phù hợp với thực tiễn phục vụ hoạt động của xóm mới thì báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương triển khai, hướng dẫn cho các cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan thay đổi tên gọi của xóm.

Được biết, sau khi UBND tỉnh thông qua, dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về “Đề án tổng thể sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021" sẽ được trình BTV Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến; sau đó trình HĐND tỉnh trong kỳ họp bất thường vào ngày 25/9 sắp tới. Sau đó, Nghệ An trình Bộ Nội vụ, để Bộ trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Còn dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc thành lập, sáp nhập, đổi tên xóm, khối, thôn, bản ở các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Anh Sơn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Quế Phong, Diễn Châu, TP Vinh và TX Hoàng Mai sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường vào ngày 25/9.

Thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh, bên cạnh thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc chung, còn phải hết sức lưu ý, tôn trọng các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử của từng đơn vị; với mục tiêu để các xóm, khối, bản sau khi sáp nhập sớm đi vào hoạt động ổn định, không để gây ra xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Qua đó, đảm bảo hiệu quả của việc sáp nhập là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, củng cố sức mạnh cộng đồng, tăng cường đầu tư xây dựng công trình phúc lợi xã hội từ cộng đồng dân cư; hướng tới nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân.

.

Thùy Dương

.