Sáng ngày 14/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tốt
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong kỳ báo cáo, Quốc hội đã tiếp nhận 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%), ngoài ra tại kỳ này nổi lên một số nội dung khiếu nại, tố cáo mới thuộc lĩnh vực văn hóa như xếp hạng, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, phong tặng danh hiệu nghệ sĩ; thuộc lĩnh vực giáo dục như sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tiêu cực trong thu chi ở một số trường học, thực hiện chế độ cho giáo viên không đúng quy định, về những bất cập trong chương trình sữa học đường; thuộc lĩnh vực xây dựng như sai phạm trong quy hoạch, mật độ xây dựng đô thị, quản lý chất lượng các công trình hạ tầng; đặc biệt khiếu nại liên quan đến quản lý, vận hành và bảo đảm phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà chung cư có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Toàn cảnh phiên họp |
Sau khi nghiên cứu, Quốc hội đã chuyển 6.968/11.864 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (đạt 58,73%); ban hành 1.600 văn bản hướng dẫn, trả lời công dân (chiếm 13,48%), còn lại 3.296 đơn tiếp tục nghiên cứu, lưu theo dõi (chiếm 27,79%). Đến nay đã nhận được 4.226 văn bản trả lời (đạt 60,65% tổng số đơn chuyển), còn 2.742 văn bản chưa được trả lời (chiếm 39,35%).
Đánh giá về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan ở trung ương và các địa phương, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước. Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực đã chủ trì nhiều cuộc họp giữa các bộ, ngành và địa phương để trực tiếp chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài được dư luận quan tâm. Nhiều địa phương đã thành lập Hội đồng tư vấn để nghiên cứu, tham mưu giúp Chủ tịch UBND trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động phối hợp với Bộ, ngành Trung ương trong giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người.
Bên cạnh đó, tính công khai minh bạch trong các hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng cao, các thông báo, kết luận tiếp công dân và kết quả giải quyết đã được nhiều tỉnh, nhiều cấp công bố trên cổng thông tin điện tử. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các hoạt động này được tăng cường, một số tỉnh đã nghiêm túc và kiên quyết trong xử lý các vi phạm, như Hà Nội, Quảng Bình, Hưng Yên,... Công tác tiếp công dân đã được quan tâm có tác động tích cực lên công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tại nhiều địa phương.
Chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ, một số đơn do Quốc hội chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn còn chậm, nên khó theo dõi, giám sát. Nhiều vụ việc có thời gian nghiên cứu kéo dài (thường phải có văn bản đôn đốc mới có văn bản trả lời), khi trả lời thường rất chung chung, không nêu rõ lộ trình giải quyết, nên khó báo tin cho công dân gửi đơn. Đối với đơn thư do UBTVQH chuyển đến trung bình 6 tháng - 12 tháng mới có văn bản trả lời…; tỷ lệ trả lời đơn thư do Quốc hội chuyển chỉ đạt 60,65%, có tăng so với cùng kỳ 2017 nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo báo cáo của Chính phủ là trên 83,7%.. Việc phân loại, xử lý đơn vẫn còn nhầm lẫn dẫn đến khi giải quyết áp dụng quy trình không đúng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội. Một số vụ việc khiếu nại được giải quyết còn chưa đảm bảo thời hạn, trình tự và hình thức giải quyết; công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất chưa cao, nhiều trường hợp áp dụng quy định pháp luật trong giải quyết còn thiếu chính xác dẫn đến vụ việc khó được giải quyết dứt điểm.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo |
Đặc biệt, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân, do vậy việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm. Việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức, việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận,..; Chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu còn thấp, việc giải quyết lần hai của cấp tỉnh phải hủy, sửa quyết định lần đầu một số nơi có tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân thường xuyên, xử lý đơn thư tại một số địa phương còn bất cập; việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ thuộc lĩnh vực này còn hạn chế.
Qua tổng hợp báo cáo của các tỉnh, tỷ lệ vụ việc khiếu nại của công dân có yếu tố đúng chiếm 26,65%; tố cáo có yếu tố đúng chiếm 31,06%, cho thấy chất lượng của công tác quản lý hành chính nhà nước các cấp còn nhiều bất cập, có sai phạm. Ngoài ra, qua giám sát cho thấy, mặc dù số vụ việc khiếu nại, tố cáo có yếu tố đúng chiếm 25-35% nhưng số cán bộ bị xử lý trách nhiệm còn ít, thậm chí có địa phương chưa xử lý trường hợp nào; việc thu hồi tài sản sau khi giải quyết sai phạm được còn khó khăn.
Tiếp tục nâng cao chất lượng xử lý đơn thư
Để tháo gỡ những vướng mắc trên và tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kiến nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng xử lý đơn thư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong quá trình xử lý, đảm bảo chuyển đơn đúng địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết; Đối với các vụ việc đã được giải quyết đúng, không còn căn cứ để xem xét lại cần thuyết phục công dân chấp hành quy định pháp luật, tránh chuyển đơn lòng vòng, mang tính hình thức gây quá tải cho các cơ quan giải quyết. Sau khi chuyển đơn, tích cực theo dõi, đôn đốc để đảm bảo quyền lợi của người dân; tăng cường giám sát các vụ việc cụ thể, nhất là những vụ khiếu kiện gay gắt, tồn đọng, kéo dài nhiều năm.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp nghiêm túc thực hiện tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật tiếp công dân; 100% lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính phải được công bố trên cổng thông tin điện tử để người dân, theo dõi, giám sát; tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đưa ra giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết đơn thư do Quốc hội chuyển đến và thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội đối với 26 vụ việc cụ thể; tập trung giải quyết 2.742 đơn do Quốc hội chuyển đến trong kỳ báo cáo chưa có văn bản trả lời. Đối với một số nội dung khiếu nại tố cáo mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đông người như việc quản trị trong các tòa nhà chung cư cần quan tâm tìm biện pháp giải quyết hiệu quả hơn.
Ngoài ra, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo, nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. Quan tâm xem xét, giải quyết và trả lời các đơn nhận được trong kỳ báo cáo do Quốc hội chuyển đến nay chưa được giải quyết.