(Congannghean.vn)-Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước được xác định là khâu đột phá trong cải cách hành chính. Việc triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia chính là cơ hội để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động, cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến về triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Nghệ An |
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của các nước tiên tiến trên thế giới. Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan Nhà nước, tăng cường công khai minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tham nhũng. Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước.
Trên địa bàn cả nước nói chung và địa bàn Nghệ An nói riêng, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành, cơ quan hành chính cấp tỉnh cùng thực hiện, để phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước; đồng thời, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cấp cho công dân một loại giấy tờ với những con số khác nhau (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ…). Thông tin trên các giấy tờ này có nội dung trùng lặp (họ tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…) nên khi sử dụng các giấy tờ để truy nguyên công dân thì đều hiển thị các thông tin trùng nhau, nhưng khi tham gia các giao dịch, công dân lại không thể sử dụng một trong các giấy tờ công dân để chứng minh tình trạng nhân thân của mình.
Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý Nhà nước của từng ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu, gây lãng phí nguồn lực về tài chính trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và lãng phí nguồn nhân lực khi các cơ quan đều thực hiện việc nhập các dữ liệu trùng nhau.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý dân cư của các cơ quan quản lý Nhà nước, ngày 8/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 896, phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Đề án 896 ra đời đã khẳng định vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; giấy tờ công dân duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020. Đề án 896 ra đời đã khẳng định vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an thống nhất, quản lý.
Xác định vị trí, vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức, đưa vào khai thác, sử dụng. Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, rút ngắn thời gian triển khai, tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao trách nhiệm của công dân trong việc cung cấp thông tin dân cư, ngày 13/3/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường sự phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Có thể khẳng định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tổng hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây là cơ sở quan trọng để tra cứu thông tin về công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, thay thế cho việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính có thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại Nghệ An, để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, UBND tỉnh đã hoàn thiện các điều kiện cần thiết nhằm nhanh chóng thực hiện. Trước hết, là hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê đơn vị hành chính; tổng số nhân, hộ khẩu; củng cố hồ sơ, tài liệu về quản lý dân cư và kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ triển khai đề án. Trong đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thống kê đơn vị hành chính các cấp, rà soát nhân, hộ khẩu tại từng địa bàn quản lý, phục vụ in mẫu phiếu thu nhập thông tin dân cư. Chỉ đạo Công an các địa phương củng cố hồ sơ, tài liệu về quản ý cư trú phục vụ việc thu thập thông tin dân cư; kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp để xây dựng và vận hành hệ thống. Mặt khác, phối hợp với các bộ, ngành tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng để triển khai hạ tầng kỹ thuật, kết nối và chia sẻ thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phục vụ nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn nữa. Trong đó, việc thu thập thông tin dân cư có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định thành công của cả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì vậy, để triển khai thu thập thông tin dân cư đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra, mỗi công dân cần nắm vững quy định về việc xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời, tích cực cung cấp và khai thác thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi mục tiêu quan trọng nhất trong mọi cải cách, vẫn là để phục vụ nhân dân tốt nhất.