CCHC
Cải cách thủ tục hành chính thuế và những con số ấn tượng
Những kết quả mà ngành Thuế đạt được trong việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo luồng sinh khí mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một trong những ngành tiên phong về cải cách hành chính và đạt được những tiến bộ vượt bậc.
Năm 2017, công tác cải cách về thể chể cũng như cải cách về thủ tục hành chính thuế đã có bước đột phá đáng kể |
Mặc dù năm 2017 nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017 được Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục Thuế là 968.580 tỷ đồng. Ước thực hiện năm 2017 đạt khoảng 103,4%; tăng 3,4% so với dự toán và tăng 9,6% so tổng thu NSNN năm 2016.
Bên cạnh quản lý thu nộp các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí vào NSNN, năm 2017, ngành Thuế đã có những bước tiến đáng kể trong công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách. Với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là hướng tới Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Lãnh đạo ngành Thuế đã triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ- CP… nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu thuế, tạo thuận lợi thêm cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đồng thời nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác thuế.
Gần 100% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng
Tính đến thời điểm hiện nay đã có gần 100% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử qua mạng; trên 95% doanh nghiệp đăng ký kê khai nộp thuế điện tử.
Cụ thể, về khai thuế điện tử đến thời điểm tháng 12/2017, đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc; với 637.256 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,71% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận là trên 45,6 triệu hồ sơ.
Về nộp thuế điện tử, phối hợp với 47 Ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế và 63 Cục thuế để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 625.010 trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 97,79%. Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 613.989, chiếm 96,07% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN từ ngày 1/1/2017 đến nay là 520.300 tỷ đồng với 2.724.718 giao dịch nộp thuế điện tử.
Cơ quan thuế cũng đã tích cực thực hiện hoàn thuế điện tử: Từ ngày 4/8/2017, đã triển khai cung cấp dịch vụ cho tất cả người nộp thuế tại 63 tỉnh, thành, tính đến thời điểm báo cáo, đã tiếp nhận 8.184 hồ sơ (trong đó 878 hồ sơ hủy), tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 34.000 tỷ đồng. Hệ thống đã giải quyết hoàn thuế cho 6.003 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 32.000 tỷ đồng.
Không chỉ với doanh nghiệp, ngành thuế đã mở rộng thí điểm việc kê khai, nộp thuế điện tử đối với khoản thu về đất đai, hoạt động cho thuê nhà của cá nhân và tiếp tục triển khai đến hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân cá thể, qua đó đã giảm thiểu thời gian chi phí cho doanh nghiệp.
Riêng đối với nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; Tổng cục Thuế đang tiếp tục phối hợp với Cục cảnh sát giao thông, Cục Đăng kiểm trong việc xây dựng Quy chế phối hợp, xây dựng Thông tư về phối hợp trao đổi thông tin với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an để có đầy đủ cơ sở dữ liệu cho việc áp dụng nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử trong cả nước.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, từ đầu năm 2017 đến nay, Tổng cục Thuế đã tăng số lượng thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến đạt mức 3 trở lên là 127/336 thủ tục.
Cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, gồm: Kê khai hóa đơn qua mạng; kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng; khai thuế qua mạng; nộp thuế điện tử; thu nhập cá nhân Online; website hỏi đáp chính sách thuế; hoàn thuế điện tử; hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn.
Tiến đến sử dụng hóa đơn điện tử phổ biến vào năm 2019, giảm thiểu tình trạng gian lận thuế qua hóa đơn chứng từ giả, khống…, trong năm 2017, Tổng cục Thuế tổ chức hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tính đến đến ngày 20/12/2017 có 5.488.613 hóa đơn đã được cơ quan thuế xác thực, tổng doanh thu xác thực là hơn 50.000 tỷ đồng, với số thuế xác thực là gần 3.500 tỷ đồng.
Xây dựng nhiều tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập
Đặc biệt triển khai Nghị quyết 35NQ-CP của Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu: Đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động; ngành Thuế đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh dưới nhiều hình thức như tuyên truyền lợi ích của việc thành lập mới, chuyển đổi, các Cục Thuế lớn đã xây dựng các tiện ích dành riêng cho các doanh nghiệp mới thành lập: hướng dẫn các thủ tục thành lập, đăng ký, kê khai thuế. Tổng cục thuế, Cục thuế Hà nội, Thành phố Hồ Chí Minh… phối hợp với Hội Tư vấn thuế, các đại lý thuế, công ty kế toán, dịch vụ phần mềm… cam kết thực hiện hỗ trợ miễn phí dịch vụ ít nhất 1 năm đầu cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp chuyển đổi…
Năm 2017 việc áp dụng cơ chế quản lý thuế theo rủi ro càng được tăng cường, áp dụng cơ chế quản lý này sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ nguồn lực một cách hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ quản lý thuế, đồng thời giúp người nộp thuế đã tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật thuế, không có sai phạm sẽ tránh được việc bị kiểm tra, thanh tra không cần thiết từ cơ quan thuế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, tự ý gây nhũng nhiễu của cán bộ thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế.
Có thể nói những nỗ lực rất lớn của ngành thuế, cũng như từng cán bộ công chức thuế trong công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế cảm nhận rõ ràng; không chỉ được Chính phủ, các Bộ ngành ghi nhận mà còn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing business 2018 (DB2018) toàn cầu vừa được Ngân hàng thế giới (WB) công bố, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng tới 81 bậc. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vươn lên vị trí thứ 86/190 quốc gia và đứng ở vị trí thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Tăng cường giải pháp phân bổ lại nhân lực
Tuy nhiên, việc cải cách thủ tục hành chính thuế, triển khai, nộp thuế điện tử, cắt giảm giờ nộp thuế trong các năm của ngành Thuế đang chủ yếu tập trung vào đối tượng người nộp thuế là pháp nhân, doanh nghiệp. Trong khi số lượng doanh nghiệp chỉ gần 600.000 doanh nghiệp thì các hộ cá nhân kinh doanh lên tới trên 1,5 triệu hộ.
Các khoản thu thuế, phí từ hoạt động cho thuê tài sản, lệ phí trước bạ nhà đất… số thu không nhiều, nhưng thủ tục, hồ sơ kê khai nộp thuế vẫn còn thiếu thuận lợi. Những phản hồi về vướng mắc thủ tục hành chính ở khu vực này còn không ít. Số tiền thuế từ khu vực này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tiền thuế nộp NSNN nhưng phân bố nhân lực cán bộ thuế quản lý khu vực này lại chiếm tỷ trọng khá cao, trong lúc đó lại rất thiếu nguồn nhân lực cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro.
Mặt khác, trình độ nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ thuế quản lý các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài được đánh giá có chất lượng cao hơn, tốt hơn, đồng đều hơn đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh.
Để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo các mục tiêu của Nghị quyết 19 NQ-CP, Tổng cục Thuế cần triển khai nhanh đề án kê khai, nộp thuế điện tử và các hình thức nộp thuế khác như nộp qua thẻ ATM, kết hợp việc thu thuế với các khoản thu dịch vụ khác như tiền điện, nước, cước điện thoại đối với các hộ cá nhân kinh doanh, hoạt động cho thuê nhà, từ chuyển nhượng nhà đất (thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê, chuyển nhượng và lệ phí trước bạ đối với đăng ký quyền sở hữu, sử dụng)… Khi triển khai thành công cải cách thủ tục hành chính thuế ở khu vực này, nguồn nhân lực, đang quản lý doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể sẽ được chuyển sang tăng cường cho lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, quản lý rủi ro về thuế. Tất nhiên công tác đào tạo nguồn nhân lực bảo đảm cả yếu tố “hồng và chuyên” đã và đang được ngành Thuế quan tâm phải đẩy mạnh hơn, quyết liệt hơn để đáp ứng nhân lực cho công cuộc đổi mới: Đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo phương thức hiện đại, tiên tiến và phù hợp với hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Thuế quyết tâm rất cao để triển khai thực hiện mọi biện pháp về cải cách các thủ tục hành chính thuế, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho người nộp thuế, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng rõ ràng, minh bạch, công khai.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế tới người nộp thuế, tăng cường giáo dục tới đội ngũ cán bộ trong toàn ngành, nhằm quán triệt đầy đủ và sâu rộng tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cả của người nộp thuế và cán bộ thuế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã hứa với Thủ tướng Chính phủ: “Ngành thuế sẽ vượt lên chính mình để thực hiện cải cách, đổi mới”, với tuyên ngôn Minh bạch-Chuyên nghiệp-Liêm chính-Đổi mới.
Tin rằng các Nghị quyết của Chính phủ cũng như Tuyên ngôn của ngành sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng như hưởng lợi các ưu đãi về thuế.
Nguyễn Thị Cúc
Chủ tịch Hội tư vấn thuế VN, Nguyên Phó Tổng cục trưởng TCT
Nguồn: Chinhphu.vn