CCHC
Tập trung khắc phục yếu kém, đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Sáng 29/11, tại Hà Nội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, ông Chang-hee Lee, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.
Trong thời điểm Trung ương đang nghiên cứu cải cách mạnh mẽ chính sách BHXH trong công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Hội thảo là một diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng để thảo luận, chia sẻ quan điểm, đánh giá về những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; bài học kinh nghiệm quốc tế; trên cơ sở đó đề ra định hướng, giải pháp cải cách BHXH ở Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó một trong những trụ cột quan trọng nhất là chính sách BHXH. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các luật, nghị định để cải cách, phát triển chính sách BHXH phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn.
Đến nay, cả nước đã có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hằng năm, có từ 4 đến 5 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150.000 người hưởng mới các chế độ BHXH dài hạn; gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hằng tháng.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ chính sách BHXH vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ BHXH còn ở mức thấp so với các nước; Quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0; các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động….
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Do đó, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH như một công cụ quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững theo chủ trương của Đảng tại văn kiện Đại hội Đảng XII.
Theo đó, việc hoàn thiện chính sách BHXH là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đến năm 2030; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội. BHXH được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận BHXH là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp. Tập trung đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, đa tầng, đa dạng các hình thức chế độ, linh hoạt trong thiết kế, chuyên nghiệp trong vận hành gắn với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội thảo sẽ đánh giá thực trạng hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay, cả mặt được và mặt còn tồn tại, hạn chế; tập trung phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và những kinh nghiệm rút ra trọng quản lý, điều hành, xây dựng và thực hiện chính sách.
Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cải cách hệ thống BHXH, đặc biệt là những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN; trong đó nêu rõ những bài học kinh nghiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong nước để Việt Nam và điều kiện áp dụng.
“Nhiều nước cải cách BHXH thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại và trở thành gánh nặng lớn cho hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, kể các các nước đã phát triển thuộc khối OECD. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể kinh nghiệm các nước và điều kiện áp dụng để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công”, Phó Thủ tướng nói.
Nguồn: Chinhphu.vn