(Congannghean.vn)-Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức lễ khai trương "Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An" với địa chỉ http://dichvucong.nghean.gov.vn. Việc đưa Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chính thức đi vào hoạt động được coi là sự nỗ lực to lớn trong việc hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử nói riêng cũng như đổi mới bộ máy Nhà nước nói chung.
Đại biểu Trung ương và tỉnh tại lễ khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến Nghệ An |
Dịch vụ Công trực tuyến, còn gọi là “Dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử” được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại một địa chỉ truy cập duy nhất. Công dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Người dân có thể thông qua mạng internet kiểm tra, giám sát về tình trạng giải quyết hồ sơ. Hệ thống cung cấp một nền tảng ứng dụng để từng bước cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước phối hợp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng một cách xuyên suốt, nhất quán theo tinh thần “một cửa liên thông” với 4 mức độ.
Theo ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ năm 2014, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 theo Đề án xây dựng Chính quyền điện tử số 3188. Tiếp đó, thực hiện Nghị quyết số 36a/2015/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và các quyết định về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình hành động; đồng thời trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng lộ trình và triển khai kịp thời, hiệu quả giao dịch điện tử một cửa liên thông để người dân, doanh nghiệp tiện lợi khi tham gia... Đó được xem như giải pháp hữu hiệu hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ tỉnh đến cơ sở; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; thiết lập Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối dịch vụ công Quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, đảm bảo chất lượng đường truyền, đảm bảo an toàn thông tin...
Hiện, VNPT Nghệ An đã phối hợp Cổng Thông tin điện tử - Sở TT&TT và các cơ quan hành chính khảo sát, thiết lập khả năng cung cấp dịch vụ hành chính công trên hệ thống cho 4.497 dịch vụ công, bao gồm 3.783 thủ tục mức độ 2; 744 thủ tục mức độ 3 và 9 thủ tục mức độ 4; cung cấp dịch vụ công xây dựng và thiết lập quy trình chi tiết cho 753 dịch vụ công cấp 3 và cấp 4 (đạt tỉ lệ 100%). Cùng với đó, hệ thống một cửa liên thông điện tử VNPT - IGate đã được vận hành chạy thử nghiệm. Tính trong thời gian từ trong 2 tháng 11 và 12/2016 đã tiếp nhận 1.610 hồ sơ, đã giải quyết được 853 hồ sơ; từ đầu năm 2017 đến ngày 11/1/2017 đã tiếp nhận 4.947 hồ sơ, giải quyết 2.676 hồ sơ. |
Để thực hiện các mục tiêu trong cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã nghiên cứu kỹ các giải pháp của các doanh nghiệp viễn thông CNTT, tổ chức đi thực tế tại một số địa phương triển khai sớm trong cả nước dịch vụ công trực tuyến, nhất là hệ thống phần mềm điện tử một cửa.
Ngày 10/1, dưới sự chứng kiến của đồng chí Trương Minh Tuấn, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập đoàn VNPT cùng lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành địa phương, UBND tỉnh đã chính thức ấn nút khai trương dịch vụ này.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đánh giá: Triển khai dịch vụ Công trực tuyến là nhằm hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, giải pháp đột phá về cải cách hành chính, góp phần quan trọng vào quá trình điều hành của lãnh đạo tỉnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của tỉnh. Đây cũng là nền tảng và kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, trong đó có mục tiêu xây dựng TP Vinh thành trung tâm công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung Bộ.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, để vận hành dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả, đồng bộ, ngoài việc phát triển của công nghệ mới và đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, cần phải cải cách bộ máy Nhà nước, tối ưu hóa quy trình vận hành, mở rộng việc cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính đa dạng, một cách thân thiện với người dân và doanh nghiệp.
Về phía tỉnh, sẽ cam kết tiếp tục nghiên cứu và phát triển, mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự hợp tác và giúp đỡ của các cơ quan trong và ngoài tỉnh, các cá nhân, doanh nghiệp để vượt qua những rào cản bên trong và bên ngoài trong quá trình xây dựng và vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.