Bộ Tư pháp đang dự thảo Quyết định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện.
Bộ Tư pháp cho biết, trong thời gian qua, với việc cải cách và đổi mới mạnh mẽ nền hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, việc công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (gồm: trình tự thực hiện thủ tục, hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, cơ quan giải quyết, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí thực hiện thủ tục...) trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và tại trụ sở cơ quan giải quyết là một trong những thành tựu cải cách thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình tìm hiểu, thực hiện thủ tục hành chính.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đó, việc giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Trước hết, mặc dù số lượng hồ sơ thủ tục hành chính lên tới hàng trăm nghìn mỗi ngày nhưng việc tiếp nhận, giải quyết chủ yếu mang tính thủ công, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động này còn hạn chế nên chủ yếu người có nhu cầu làm thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan giải quyết thủ tục hành chính nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết.
Tiếp đó, việc phải đến trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để nộp hồ sơ và nhận kết quả cũng trở thành một áp lực không chỉ đối với người thực hiện thủ tục hành chính mà còn áp lực đối với cả cơ quan giải quyết thủ tục hành chính. Với việc hàng ngày vừa phải tiếp xúc với người dân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính, vừa trực tiếp giải quyết các yêu cầu đó, công chức dễ nảy sinh việc gây sách nhiễu, phiền hà cho người làm thủ tục. Mặt khác, việc phải đi đến trụ sở cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để nộp hồ sơ và nhận kết quả của người thực hiện thủ tục cũng làm mất thời gian, công sức cũng như chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính, nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa, địa hình cách trở, đi lại khó khăn.
Những tồn tại, hạn chế đã nêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là chưa có giải pháp tổng thể và công cụ hữu hiệu để cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân.
Một trong các giải pháp cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, gia tăng sự lựa chọn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính mà một số Bộ, ngành, địa phương đã triển khai là tổ chức việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính. Điển hình như: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số tỉnh, thành phố như: An Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái...
Để có một văn bản pháp lý quy định đầy đủ về phạm vi, đối tượng, quy trình thực hiện, trách nhiệm thực hiện của các chủ thể và những vấn đề pháp lý phát sinh, việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính là thực sự cần thiết.
Bộ Tư pháp đã dự thảo Quyết định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện. Trong đó nêu rõ các hình thức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; nhận và chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính; tiếp nhận hồ sơ do cơ quan bưu điện chuyển đến; xử lý hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; việc tổ chức, cá nhân nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; việc nộp phí, lệ phí thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện; thời gian, cước chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu điện...