(Congannghean.vn)-Thời gian qua, không chỉ làm tròn vai “vững lòng tin, chắc tay súng” trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới, nhờ làm tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được nhân dân gọi với cái tên trìu mến: Những người lính quân hàm xanh “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt”.
Dựng nhà giúp dân, chung tay khắc phục hậu quả thiên tai là việc làm thường xuyên của những người lính Biên phòng. Ảnh: Huy Thiên |
Trong năm qua, bám sát phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), không chỉ tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, lực lượng BĐBP tỉnh còn thực hiện tốt các phong trào như giúp đỡ các xã nghèo, “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; chương trình “Nâng bước đến trường”; “Tay kéo Biên phòng”, “Hãy làm sạch biển”; “Hũ gạo tình thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...
Điển hình như Hải đội 2 đóng chân ở phường Nghi Hải, TX Cửa Lò, bên cạnh việc thực hiện “mỗi tuần một việc tốt” giúp dân, CBCS đơn vị còn phát động phong trào “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó” để hỗ trợ người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, đối tượng chính sách trên địa bàn. Cũng tại nhiều đơn vị biên phòng dọc tuyến biên giới và tuyến biển, Chương trình “Nâng bước đến trường” hỗ trợ, giúp đỡ trẻ mồ côi, học sinh nghèo vượt khó của lực lượng BĐBP ngày càng được nhân rộng bởi tính hiệu quả.
Không chỉ hỗ trợ về kinh phí, cán bộ phụ trách địa bàn còn kêu gọi hỗ trợ học bổng; tăng cường liên hệ mật thiết với nhà trường, địa phương và gia đình để theo dõi kết quả học tập, rèn luyện, đồng thời động viên tinh thần để các em yên tâm đến trường. Được biết đến nay, lực lượng Biên phòng toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu 99 học sinh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 20 học sinh nước bạn Lào).
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo Bác gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, đều đặn vào đầu tháng, các CBCS BĐBP tỉnh chủ động lựa chọn, đăng ký các phần việc làm theo phù hợp và tự giác thực hiện. Đơn cử như xây dựng bếp nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt; quản lý, khai thác vũ khí, thiết bị bền, an toàn đến việc tích cực nắm địa bàn, bám cơ sở “cầm tay chỉ việc” giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo…
Giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới được lực lượng BĐBP quan tâm thực hiện |
Được biết, việc đăng ký các phần việc làm theo Bác là sáng kiến của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, với việc lập “Sổ đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho đội ngũ đảng viên, sổ “Nhật ký đoàn viên làm theo lời Bác” cho đoàn viên, thanh niên trong toàn quân. Theo đó, vào cuối tháng, trên cơ sở mỗi CBCS tự đánh giá kết quả thực hiện những phần việc đã đăng ký, cấp ủy, lãnh đạo sẽ đánh giá ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện cũng như đưa ra hướng khắc phục cho từng CBCS.
Một nội dung học và làm theo Bác cũng được BĐBP thực hiện hiệu quả là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của địa phương. Điển hình như tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy. Đồn phụ trách 14 xã, phường của huyện Nghi Lộc và TX Cửa Lò với tổng chiều dài 20 km biển và ven biển. Đảm đương nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển, trong những năm qua, công tác vận động nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị được Đồn đặc biệt chú trọng, với việc phân công nhiều lượt đảng viên chuyển về sinh hoạt tạm thời tại 6 chi bộ vùng giáo khó khăn thuộc các xã, phường ven biển của huyện Nghi Lộc và TX Cửa Lò.
Tại các xã ven biển huyện Nghi Lộc, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến hoạt động của ngư dân như: Không sử dụng ngư cụ bị cấm, thuốc nổ tận diệt thủy sản, đánh bắt sai tuyến… được tiến hành thường xuyên, dưới nhiều hình thức như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt, qua hệ thống loa truyền thanh.
Song song với đó, nhiệm vụ xây dựng cơ sở trên biển cũng được Đồn chú trọng, thông qua công tác hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ vật chất để ngư dân thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong đó phải kể đến việc hỗ trợ máy bộ đàm cho ngư dân. Không chỉ giúp bà con yên tâm vươn khơi bám biển, thiết bị thông tin này còn giúp phát hiện tàu cá nước ngoài vào khai thác trái phép trên vùng biển nước ta, từ đó báo về cho BĐBP biết và xử lý.
Cũng nhờ “sống vững trong lòng dân”, nhiều nguồn tin có giá trị đã được nhân dân các xã vùng biển và ven biển cung cấp cho Đồn để có biện pháp đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật. Riêng tại 7 xã của huyện Nghi Lộc do Đồn phụ trách, trong 10 năm (2009 - 2019) thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy đã phối hợp với Công an huyện phát hiện, xử lý 224 vụ vi phạm hình sự với 529 đối tượng, xử phạt hành chính 4.000 vụ và 10.600 đối tượng. Đồn cũng đã tham gia củng cố, kiện toàn 94 tổ ANTT thôn xóm.
Cùng với đảm bảo tốt ANTT khu vực biên giới biển, công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cũng được Đồn thực hiện hiệu quả. Nhiều dự án, mô hình giúp dân xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội như phân công cán bộ phụ trách giúp đỡ hộ chính sách, hộ nghèo, hộ gia đình theo đạo Công giáo có hoàn cảnh khó khăn do Đồn phối hợp với chính quyền địa phương cũng đã phát huy hiệu quả sâu rộng. Với những thành tích nói trên, Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Ngược lên các huyện miền núi rẻo cao miền Tây của tỉnh, đến với các đồn biên phòng thuộc BĐBP Nghệ An đóng chân nơi đây mới cảm nhận rõ tấm lòng của những người lính quân hàm xanh “miệng nói lời hay, tay làm việc tốt” đối với bà con. Đó là “Hũ gạo tiết kiệm” nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tiếp sức cho các em đến trường của Đồn Biên phòng Tam Hợp, huyện Tương Dương; là “Lớp học tình thương” xóa mù chữ cho bà con, trong đó chủ yếu là phụ nữ ở 3 bản giáp biên của Đồn Biên phòng Tam Quang, huyện Tương Dương. Bà con được học cái chữ, trẻ em được đến trường; nhờ vậy, nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây ngày càng tiến bộ. Họ tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới, giữ gìn ANTT ở địa phương. Đó là minh chứng cho thành công của công tác vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Tam Quang trong thực hiện phong trào thi đua “BĐBP Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hay như ở Đồn Biên phòng “3 không” Châu Khê, đóng chân ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, dù không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại và không có chợ…, song các chiến sỹ vẫn “vững đôi chân, chắc tay súng” kiên trì bám dân, bám địa bàn, tuần tra bảo vệ từng đường biên, cột mốc chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân.
Dù sống cùng dân nơi “đầu sóng, ngọn gió” hay chốn “rừng sâu nước thẳm”, dù còn nhiều lắm những cái “không” về điều kiện, vật chất, song cái được lớn nhất mà những người lính Biên phòng nhận về chính là lòng tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, chính quyền; từ đó góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.