(Congannghean.vn)-Ngày 29/8/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3104/QĐ-BCA ban hành “Quy định tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với CAND”. Theo đó, Quyết định này quy định về nguyên tắc, hình thức, biện pháp, nội dung lấy ý kiến; trách nhiệm tổ chức, tiếp nhận và giải quyết các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với CAND.
Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người Công an nhân dân (Trong ảnh: Công an huyện Nghĩa Đàn ký cam kết thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người cán bộ Công an trên quê hương Bác Hồ bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”) |
Đối tượng áp dụng để tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân là các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; Công an, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Công an đơn vị, địa phương); các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; sĩ quan, hạ sĩ quan CAND, chiến sỹ nghĩa vụ, công nhân, học viên các học viện, trường CAND (gọi chung là cán bộ, chiến sỹ CAND) và Công an xã, thị trấn thuộc hệ thống tổ chức của CAND.
Quyết định cũng quy định nguyên tắc lấy ý kiến, trách nhiệm tổ chức, tiếp nhận và giải quyết các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với CAND. Thứ nhất, quá trình lấy ý kiến phải đảm bảo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức và nhân dân đóng góp ý kiến đối với CAND. Thứ hai, phải đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ, trung thực; tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của cán bộ, chiến sỹ CAND. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân lợi dụng đóng góp ý kiến để vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ CAND.
Thứ ba, các ý kiến góp ý, phản ánh của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với đơn vị và cán bộ, chiến sỹ CAND được tiếp nhận, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an và phải thông báo kết quả giải quyết tới cơ quan, tổ chức và người đóng góp ý kiến. Thứ tư, ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện theo quy định là kênh thông tin phục vụ công tác đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cuối cùng, là việc tổ chức lấy ý kiến góp ý được tiến hành đối với các đơn vị và cán bộ, chiến sỹ CAND có nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Lực lượng Công an sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân (Trong ảnh: Công an phường Vinh Tân, TP Vinh gặp gỡ, lắng nghe ý kiến nhân dân) |
Để thực hiện vấn đề này, Công an các đơn vị, địa phương phải tổ chức được Hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, định kỳ mỗi năm 1 lần, nội dung phải thể hiện được các ý kiến về tình hình, kết quả công tác bảo vệ an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, chiến sỹ CAND; tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sỹ CAND và những vấn đề khác liên quan đến công tác xây dựng lực lượng CAND.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an phải gửi văn bản đề nghị các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp góp ý kiến. Vấn đề này, hàng năm cũng tổ chức mỗi năm 1 lần, vào dịp cuối năm, Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trở lên, có trách nhiệm gửi văn bản đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp liên quan trong quan hệ giải quyết các công việc để góp ý. Đối tượng lấy ý kiến gồm tất cả cán bộ, chiến sỹ CAND thuộc các lĩnh vực an ninh kinh tế, văn hóa, thông tin và truyền thông; Cảnh sát hình sự, kinh tế, phòng, chống tội phạm về môi trường; Cảnh sát phòng, chống ma túy; Cảnh sát trật tự cơ động, giao thông, PC&CC; Công an phường, đồn, trạm và các đơn vị khác nếu cần thiết lấy ý kiến.
Một số nội dung khác liên quan đến việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với CAND là tổ chức công tác trực ban, tiếp công dân; bố trí hòm thư góp ý; phát phiếu khảo sát lấy ý kiến đánh giá của nhân dân; thông báo công khai số máy điện thoại trực ban, “đường dây nóng”, hộp thư điện tử, trang điện tử để lấy ý kiến và tổ chức đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua các kênh thông tin này, Công an các đơn vị, địa phương sẽ tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó sẽ giải quyết theo thẩm quyền. Đối với những đơn vị được các cơ quan, tổ chức và nhân dân khen ngợi, sẽ đánh giá, biểu dương và khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức liên quan. Tiếp thu rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế đối với những phản ánh liên quan, nếu các ý kiến không thuộc quyền hạn đơn vị giải quyết sẽ chuyển cơ quan chức năng hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Trong thời gian 15 ngày, đơn vị chức năng thông báo bằng văn bản hoặc trên trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương (nếu có) về kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức và nhân dân đóng góp ý kiến được biết. Tổng cục Chính trị CAND theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; định kỳ 6 tháng sơ kết và hàng năm tổng kết việc thực hiện.