Bình yên xứ Nghệ
Vì bình yên trên những tuyến đường thủy
(Congannghean.vn)-Nghệ An có hệ thống sông dày đặc với lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, vì vậy luôn tiềm ẩn những sự cố bất ngờ về giao thông đường thủy. Điều này đã tạo áp lực lớn đối với CBCS Cảnh sát đường thủy trong công tác đảm bảo ATGT trên các tuyến sông, cửa biển, các bến, đò ngang...
Bám sông làm nhiệm vụ
Thiếu tá Võ Triệu Phú, Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết: “Đội có 7 CBCS, chia thành 2 ca trực/ngày, chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát hơn 130 km đường sông.
Qua quá trình kiểm tra, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của nhân dân và những người hành nghề trên sông nước có nhiều chuyển biến tích cực. Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến ATGT đường thủy và tai nạn giao thông đường thủy đã có chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân có tâm lý e ngại khi mặc áo phao”.
Dừng chân tại bến đò Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều chủ bến đang chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đèn tín hiệu ban đêm và các thiết bị chống cháy, nổ. Hành khách đi đò đều được trang bị áo phao, nếu ai không mặc thì không được phép đi đò.
Ông Hoàng Văn Hải, một chủ bến đò ở đây cho biết: "Do lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nên chúng tôi luôn chấp hành đúng các quy định về ATGT đường thủy nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách và bản thân".
Anh Trần Văn Tuấn, người thường xuyên đi qua bến đò Phú Sơn chia sẻ: “Tôi thực sự cảm thấy yên tâm khi đi trên đò vì đã được trang bị đầy đủ áo phao và được phổ biến, nhắc nhở về các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách. Bản thân tôi cũng luôn chấp hành nghiêm việc sử dụng phao cứu sinh khi đi đò”.
Xử lý nghiêm các vi phạm
Theo số liệu thống kê từ đợt triển khai đảm bảo TTATGT đường thủy trong mùa mưa bão đến nay, Đội phòng, chống tội phạm Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã tổ chức 25 ca tuần tra kiểm soát, qua đó xử lý 27 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy, nộp ngân sách Nhà nước 33 triệu đồng.
Đội phòng, chống tội phạm Phòng Cảnh sát đường thuỷ kiểm tra việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của chủ phương tiện |
Các lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá vạch mớn nước an toàn; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ; phương tiện sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hiệu lực.
Ngoài ra, Đội còn phối hợp với Công an các huyện, xã, thị trấn bắt 4 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và nhiều vụ khai thác cát trái phép. Qua kiểm tra, Đội đã tạm đình chỉ hoạt động của 2 bến đò ở 2 huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Châu để đảm bảo an toàn cho người dân khi qua sông.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An (tuyến sông Con) có 4 bến đò và đường lên, xuống đò đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do quá trình sử dụng lâu năm và hậu quả của thiên tai, lũ lụt. Để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại trên bến, Đội đã tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm và chỉ đạo các bến đò sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người dân.
Để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Đội phòng, chống tội phạm đang tập trung triển khai các phương án phối hợp phòng chống lụt bão, đảm bảo TTATGT đường thuỷ. Thiếu tá Võ Triệu Phú cho biết thêm: “Để làm tốt nhiệm vụ giữ vững bình yên sông nước, Đội đã tập trung lực lượng, phương tiện, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục công tác thanh tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp vi phạm ATGT đường thủy. Cùng với đó, công tác phòng, chống tội phạm được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, do hoạt động trên sông nên quá trình làm nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, vì vậy đòi hỏi CBCS phải nhiệt huyết với công việc, am hiểu địa bàn và tích cực vận động người dân tham gia tố giác tội phạm”.
Ngoài ra, Đội còn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông đường thuỷ. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, Đội còn lồng ghép công tác tuyên truyền bằng cách phát trực tiếp hàng trăm tờ rơi, tài liệu, tranh ảnh, treo băng rôn, khẩu hiệu tại các bến sông…, giúp người tham gia giao thông, chủ phương tiện tàu thuyền hiểu và chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn có sông, suối chảy qua, mỗi năm tổ chức các lớp tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân khi tham gia giao thông đường thủy; tổ chức cho các chủ phương tiện tàu, thuyền ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão. Lực lượng chức năng còn tiến hành khảo sát các điểm người dân sử dụng cáp treo để qua sông, qua đó nhắc nhở, khuyến cáo bà con nên qua sông bằng phương tiện tàu, thuyền để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Qua các đợt kiểm tra cho thấy, so với những năm trước, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của đa số chủ tàu, thuyền, người điều khiển phương tiện thủy nội địa và hành khách qua sông đã được nâng lên rõ rệt. Từ các loại giấy tờ bắt buộc theo quy định như giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện còn giá trị lưu hành cho đến việc tự ý thức thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện theo định kỳ, trang bị hệ thống phao cứu sinh, cứu hộ đều được các chủ tàu, thuyền thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.
Nếu như trước đây, nhiều chủ đò và khách qua sông không mặc áo phao và trang bị phao cứu sinh trên tàu, thuyền thì đến nay, các chủ đò, hành khách qua sông đã cơ bản thực hiện đầy đủ các yêu cầu trên.
Cao Loan