Bình yên xứ Nghệ
Lực lượng vũ trang huyện Yên Thành
Điểm tựa vững vàng trên quê lúa
14:17, 09/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Yên Thành có hơn 29.000 người con lên đường nhập ngũ và 5.136 người tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Để đất nước được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thu về một mối, đã có 3.569 người con quê lúa phải ngã xuống, 3.712 người là thương binh và 1.281 người là bệnh binh. Những con số đó phần nào phản ánh sự ác liệt, tàn khốc mà các cuộc chiến tranh gây ra và xương máu của nhân dân đã đổ, để có được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.
Huyện Yên Thành là vùng đồng bằng bán sơn địa, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Nghệ An, cách TP Vinh hơn 50 km về phía Bắc, tiếp giáp với các huyện: Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghi Lộc và Quỳnh Lưu. Do vậy, từ lâu, Yên Thành được đánh giá là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng - an ninh.
Trong quá trình đấu tranh giữ nước, cùng với nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang huyện Yên Thành đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của, làm nên thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc.
Lực lượng Dân quân tự vệ huyện Yên Thành huấn luyện sẵn sàng chiến đấu |
Từ khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược nước ta, cùng với phong trào Cần Vương, ở Yên Thành đã xuất hiện những văn thân, sĩ phu yêu nước như Lê Doãn Nhã, Nguyễn Xuân Ôn… đã bí mật “truyền lửa” đánh giặc giữ nước cho nhân dân huyện nhà thêm sục sôi khí thế chống ngoại xâm, góp phần kìm hãm bước chân bình định đầy tội ác của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho phong trào chống Pháp ở Nghệ An và Hà Tĩnh lên đến đỉnh cao.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), trực tiếp lãnh đạo nhân dân tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, lực lượng vũ trang huyện Yên Thành bước sang giai đoạn phát triển mới. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An và Huyện ủy các Chi bộ Đảng ở Yên Thành nhanh chóng được thành lập. Đến cuối tháng 12/1930, Yên Thành đã phát triển được 452 đội viên Nông hội đỏ, 12 làng xã Tự vệ đỏ đã xây dựng được 11 tổ với 308 đội viên. Nhờ gây dựng được cơ sở Đảng từ rất sớm, lực lượng không ngừng phát triển nên không khí chuẩn bị khởi nghĩa tháng 8/1945 diễn ra hết sức khẩn trương trong toàn huyện.
Chớp thời cơ Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), lệnh Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân được ban hành trên toàn quốc. Như một bó đuốc khô được châm lửa, lực lượng vũ trang Yên Thành cùng nhân dân huyện nhà đứng lên giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên chợ Dinh, đánh dấu sự thất bại của chính quyền thực dân phong kiến, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Yên Thành được thành lập.
Tuy nhiên, cách mạng giành chính quyền chưa được bao lâu, nhân dân đang đối mặt với vô vàn những khó khăn, tồn dư của chế độ thực dân, phong kiến thối nát để lại, nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp bắt đầu gây chiến ở Nam Bộ (9/1945), sang năm 1946, Pháp lộ rõ ý đồ xâm lược trở lại miền Bắc nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Yên Thành không ngừng phát triển lực lượng tự vệ chiến đấu tại các làng xã. Đặc biệt, đầu năm 1947, tại đình Bảo Lâm, xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành đã thành lập đội du kích (36 người ban đầu) mang tên nhà cách mạng Phan Đăng Lưu.
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện và đặc biệt là lãnh đạo dân quân, được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Yên Thành, tháng 4/1947, đồng chí Trần Văn Khuông, Chủ tịch kháng chiến hành chính, ký quyết định thành lập Huyện đội Yên Thành, đánh dấu sự ra đời của Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Thành ngày nay. Đồng chí Phan Đức Khước được chỉ định là Huyện đội trưởng, đồng chí Nguyễn Như Hườm làm Chính trị viên Huyện đội.
Từ đây, lực lượng vũ trang huyện Yên Thành ngày càng lớn mạnh, đến năm 1948, toàn huyện đã xây dựng được một đơn vị vũ trang tập trung với 68 người, hơn 1.000 du kích và hơn 3.000 tự vệ… Đêm 23/11/1953, quân Pháp thả dù 11 tên lính biệt kích xuống động Rành Rành (nay là xã Tân Thành), chúng đã bị lực lượng vũ trang và nhân dân bắt gọn mà không tốn một viên đạn nào. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Yên Thành vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, bổ sung quân vào các đơn vị chủ lực, tham gia đánh Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ.
Sau khi thực dân Pháp bị đánh đuổi khỏi nước ta, đế quốc Mỹ nhanh chân thay Pháp tiến hành cuộc xâm mới, miền Bắc nước ta được giải phóng, nhân dân miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ năm 1964, khi phát hiện sự chi viện đắc lực của miền Bắc cho miền Nam đánh giặc, đế quốc Mỹ bắt đầu gây chiến, đưa không quân và hải quân ra miền Bắc, tiêu biểu là sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964).
Từ khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cùng với cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Yên Thành bước vào một giai đoạn mới, vừa sản xuất, chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam. Khi đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt một số mục tiêu quan trọng ở huyện Yên Thành như: Cầu Dinh, Cầu Thông, Cầu Cao, kho lương thực Tam Tòa…, lực lượng vũ trang và nhân dân Yên Thành đã chiến đấu quyết liệt với quân thù. Nhiều máy bay địch đã bị bắn rơi trên bầu trời Yên Thành.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, lực lượng vũ trang Yên Thành còn có nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến Quốc lộ 7, Tỉnh lộ 538, Tỉnh lộ 534… Để đáp ứng quân số, lương thực, phục vụ công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, huyện Yên Thành đã có 11.073 người tham gia nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, khi nhắc đến “tọa độ lửa” Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), nhiều người sẽ không quên gương hy sinh anh dũng của tập thể Tiểu đội 2, Đại đội 317, thuộc Tổng đội thanh niên xung phong Nghệ An. Trong số 13 nam, nữ thanh niên xung phong hy sinh ở đây thì có đến 8 người là con em Yên Thành.
Phải nói rằng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ), lực lượng vũ trang huyện Yên Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Vừa sản xuất, trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho tiền tuyến, góp phần thắng lợi hoàn toàn công cuộc giải phóng đất nước, non sông thu về một mối. Nhiều người con quê lúa đã ngã xuống, tên tuổi các anh, các chị mãi mãi được Tổ quốc và nhân dân ghi nhớ.
Ghi nhận những đóng góp lớn lao của lực lượng vũ trang huyện Yên Thành, năm 1998, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Thượng tá Trương Văn Khoa, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Thành, cho biết: Phát huy những thành quả đã đạt được, lực lượng vũ trang huyện Yên Thành tiếp tục xây dựng đơn vị ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng cụm an toàn làm chủ, đăng ký quân dự bị động viên; phối hợp với Công an huyện nắm vững tình hình an ninh địa bàn, thống nhất trong phương án tham mưu. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác chính sách quân đội, chính sách người có công với cánh mạng. Tham gia công tác phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng, bảo vệ các ngày lễ, Tết...
Đức Thắng