Bình yên xứ Nghệ
Cho những dòng sông yên bình
09:48, 05/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Có dịp theo chân CBCS Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Hà Tĩnh tuần tra kiểm soát (TTKS) trên các tuyến sông La, sông Lam, Ngàn Sâu, Ngàn Phố… chúng tôi càng hiểu và chia sẻ hơn đối với những người lính làm nhiệm vụ trên sông nước. Khó khăn từ phong tục tập quán, trình độ dân trí của mỗi vùng quê; thách thức, hiểm nguy từ “nhất thủy, nhì hỏa”… Nhưng vượt lên tất cả, trong ánh mắt, nụ cười của những người lính đường thủy, chúng tôi cảm nhận một niềm yêu nghề mãnh liệt, tất cả vì sự bình yên trên những dòng sông…
Thuyền là nhà…
Cũng khá lâu, người dân xóm 5, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ đã quen thuộc với hình ảnh những người lính Cảnh sát đường thủy làm nhiệm vụ tại địa bàn này. Tổ công tác gồm 5 người lính thay phiên nhau TTKS trên các tuyến sông. Có các anh, hiện tượng vi phạm pháp luật về ATGT đường thủy nội địa giảm hẳn, ý thức của người dân được nâng lên. Sự hiện hữu của các anh đã mang đến sự bình yên cho mỗi người dân vùng sông nước.
Phát hiện, đấu tranh với nhiều trường hợp vận chuyển lâm sản trái phép |
Đại úy Nguyễn Hồng Dũng, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm cho biết: “Mặc dù “trụ sở” là những chiếc xuồng máy, địa bàn hoạt động là vùng sông nước, nhưng tất cả các thành viên đều hiểu nhiệm vụ của mình, nên ai cũng đều hăm hở khi nhận nhiệm vụ mới. Đội có 8 người thì có đến 5 người thường trực tại đây. Và thực sự gần dân, hiểu dân, nắm rõ phong tục, tập quán của dân, chúng tôi mới làm tốt nhiệm vụ của mình”.
Đối với các hộ dân ở đây, từ lâu đã coi người lính đường thủy như là những thành viên trong gia đình. Do sinh hoạt, công tác trên vùng sông nước khó khăn nên người dân đã đồng hành, giúp sức để lực lượng Công an yên tâm công tác. Và, thông qua thói quen, những người chiến sĩ ấy đã hiểu rõ phong tục tập quán của từng địa bàn. Do vậy, họ chọn các phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục việc chấp hành pháp luật đối với mỗi vùng, mỗi xóm dân cư. Sự gắn kết ấy đã góp phần hun đúc nên mối quan hệ cá - nước của quân và dân giữa thời bình.
Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm
Vị “thủ lĩnh” cầm quân lính đường thủy những năm qua là Đại tá Nguyễn Phúc Tiến. Gắn bó với nghiệp giao thông từ khi còn là cán bộ đường bộ, giờ đến đường thủy, nhiệm vụ đầu tiên anh luôn trăn trở suy nghĩ đó chính là nắm bắt được tư tưởng của anh em. Từ hiểu tư tưởng đến phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường sẽ là phương pháp quyết định sự thành công trong việc bố trí công tác.
Trên lĩnh vực TTKS, năm 2014, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức lực lượng TTKS trên sông La, sông Lam, sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố, đập Nhà Đường và sông Nhượng… Qua đó, đã kiểm tra, lập biên bản 297 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền trên 800 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước (tăng 11% so với năm 2013).
Đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án, bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp tốt với chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của bến và phương tiện du lịch chở khách, đảm bảo các điều kiện an toàn về người và phương tiện. Trực tiếp tham gia đảm bảo an toàn cho du khách tham gia các lễ hội thường niên diễn ra trên tuyến đường thủy như lễ hội Chùa Hương Tích (Can Lộc), lễ hội Phật Đản (Nghi Xuân, Lộc Hà), lễ hội đền Lê Khôi (Lộc Hà, Thạch Hà)… góp phần vào sự thành công của các lễ hội.
Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng Cảnh sát đường thủy chính là việc chủ động nắm tình hình hoạt động của các loại tội phạm. Qua đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 1 đối tượng giết người; phát hiện, bắt giữ 2 vụ, 7 đối tượng có hành vi đánh bạc; bắt giữ 1 vụ, 4 đối tượng có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; 4 vụ, 5 đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép… được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Trước đây, trong nhiều chuyến công tác ban ngày lẫn ban đêm, trên lưu vực của những con sông này, chúng tôi được nhân dân phản ánh nạn “cát tặc” diễn ra khắp nơi. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, lực lượng Cảnh sát đường thủy luôn đi đầu trong công tác đấu tranh với nạn “cát tặc”. Việc làm tuy khó, nhưng bằng sự kiên trì bền bỉ, quyết tâm cao, trong năm 2014, đơn vị đã điều tra, làm rõ 20 vụ, 21 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Nhờ vậy, nạn “cát tặc” trên các tuyến của sông La giảm hẳn.
Khi trời chiều xế bóng, chia tay những người lính đường thủy, nhịp, phách mạn thuyền của sóng nước Sông La cứ bám riết chúng tôi. Và, mỗi lần được lênh đênh trên sóng nước, chúng tôi càng hiểu hơn nhiệm vụ của những người giữ gìn sự bình yên cho những dòng sông…
Xuân Lý - Đình Vũ