Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201410/noi-gieo-nhung-mam-thien-547384/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//binh-yen-xu-nghe/201410/noi-gieo-nhung-mam-thien-547384/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi gieo những mầm thiện - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 20/10/2014, 08:46 [GMT+7]

Nơi gieo những mầm thiện

(Congannghean.vn)-Trong giải quyết công việc, cũng như khi tiếp xúc với người nhà can phạm nhân, họ đều có thái độ niềm nở, hòa nhã, giữ đúng tư thế, tác phong của người cán bộ Công an nhân dân. Đồng thời biết quan tâm, chia sẻ, động viên những con người lầm lỗi chấp hành quy định nơi giam giữ nhằm từ bỏ cái ác, khơi dậy mầm thiện, không để xảy ra “sự cố” tại nơi giam giữ. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của CBCS Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. 
 
Tôi đến Trại Tạm giam Công an tỉnh vào một sáng mùa thu trong ánh nắng vàng nhạt, không gian thoáng đãng. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là những sinh vật cảnh được uốn nắn, cắt tỉa thành hình các con vật, đặt trong khuôn viên làm việc của Trại mới được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cảm động hơn khi biết những “tác phẩm” đặc biệt đó lại là do bàn tay khéo léo của các phạm nhân làm ra. Điều này cũng thể hiện sự hướng thiện của những tâm hồn một thời lầm lỗi. Nhưng, để có được kết quả trên là cả một quá trình làm việc đầy gian nan thử thách, hết lòng sẻ chia và tình người của CBCS Trại Tạm giam Công an tỉnh trong việc quản lý, giáo dục các can phạm nhân.
 
“Xuất phát từ tình người, bằng tình thương, trách nhiệm và kỷ cương, Ban Giám thị Trại Tạm giam đã chỉ đạo CBCS phải biết vận dụng linh hoạt, khôn khéo, sáng tạo “Dân vận khéo” nhằm thức tỉnh những tâm hồn một thời lầm đường lạc lối, từ bỏ cái ác, khơi dậy “chân - thiện - mỹ” để sau này họ trở về tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho xã hội”, một lãnh đạo Trại nhấn mạnh với chúng tôi.
 
Cán bộ Trại Tạm giam niềm nở tiếp đón người thân đến thăm can phạm nhân
Cán bộ Trại Tạm giam niềm nở tiếp đón người thân đến thăm can phạm nhân
 
Được biết, hiện nay Trại đang quản lý, giáo dục 22/160 đối tượng thuộc diện giám sát đặc biệt. Một số bị can từ ngày mới vào Trại đến khi tòa tuyên án, nhất là đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm, can phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Họ mất hết niềm tin, sống theo kiểu “không còn gì để mất”, không chịu khai báo, cố tình che dấu tội lỗi của bản thân, thậm chí tìm mọi cách để thông cung, sẵn sàng trốn hoặc tự sát bất cứ lúc nào. Vì vậy, công tác quản lý, giáo dục vô cùng khó khăn, vất vả.
 
Điển hình là N.V.T., đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Từ khi bị bắt đến lúc tòa tuyên án tử, T. tuyệt thực liên tục, ba lần gây rối trật tự, chống đối cán bộ. Để giúp T. vượt qua sự khủng hoảng tinh thần Ban Giám thị và đội ngũ cán bộ quản giáo của Trại ngoài thuyết phục, động viên tâm lý, nhận thức, tư tưởng, kết hợp với vận động bạn tù tiến bộ tích cực tác động T. Đặc biệt là sau đợt thăm gặp trực tiếp của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó Giám đốc Công an tỉnh, T. tỏ ra an lòng hơn, chấp hành nội quy của Trại. Rồi khát khao được sống lại thôi thúc, T. hy vọng được hưởng án chung thân. T. bộc lộ: “… Dù như thế nào đi chăng nữa, tôi cũng thanh thản”!
 
Còn phạm nhân N.Đ.C. cho rằng, mình bị bắt oan sai nên ngày mới vào Trại, C. tỏ ra ngang tàng, nhiều lần vi phạm nội quy, chống đối cán bộ. Một thời gian sau, nhờ sự gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ tận tình của cán bộ quản giáo, C. đã nhận ra tội lỗi của mình, ngoan ngoãn chấp hành và có quá trình cải tạo rất tốt. “Ðã có lúc, tôi định phó thác cho số phận vì “không còn gì để mất”, nhưng được cán bộ quản giáo quan tâm, tôi nhận ra mình tự làm khổ bản thân, có tội với gia đình, vợ con. Tôi rất biết ơn Ban Giám thị và cán bộ quản giáo đã quan tâm, gần gũi, động viên, chăm sóc tôi, kể cả lúc ốm đau”.
 
Tại khu giam giữ can phạm nhân là nữ giới, tôi nhận thấy đây như một gia đình “đặc biệt” khi nữ quản giáo, Đại úy Nguyễn Thị Liên đang cùng các can phạm nhân quây quần bên buồng trực để khâu vá, tâm sự, sẻ chia. Họ gọi cán bộ quản giáo là “mẹ”, xưng “con”, hoặc gọi cán bộ, xưng tôi. Tại đây có tử tù Nguyễn Thị T. nguyên là giáo viên tiểu học ở một xã miền núi huyện Quế Phong. T. liên quan đến đường dây mua bán 255 bánh hêrôin và là 1 trong 5 bị cáo bị tòa tuyên phạt án tử.
 
Ngày bước chân vào Trại đến khi tòa tuyên án tử, T. suy sụp bởi nghĩ cuộc đời đến đây là kết thúc. T. khóc ròng vì thương đứa con nhỏ không nơi nương tựa khi vợ chồng đã ly hôn. Đêm đến, T. trằn trọc suy nghĩ, không chịu ăn uống. Được cán bộ quản giáo tìm hiểu, kịp thời động viên, chia sẻ, T. chấp hành tốt quy định của Trại, gần gũi với cán bộ. Giờ đây, T. chỉ còn một hy vọng mong manh là được Chủ tịch nước tha tội chết. “Nếu cho em một cơ hội để sống, em sẽ làm gương cho con và xã hội”, T. bộc lộ.
 
Các phạm nhân đang trồng cây trong khuôn viên Trại
Các phạm nhân đang trồng cây trong khuôn viên Trại
 
Với các can phạm nhân phạm tội nằm trong khung hình phạt án có thời hạn không tỏ ra bi quan như các đối tượng đặc biệt nghiêm trọng khác, nhưng quá trình giam giữ cũng không kém phần ranh mãnh như khi ở ngoài xã hội, thậm chí còn giả ốm để được đi điều trị rồi tìm cách vượt “hàng rào” pháp luật với hy vọng trốn khỏi nơi giam giữ. Nhưng khi được cán bộ Trại cảm hóa, giáo dục, động viên, thuyết phục, tính bản thiện trong con người các đối tượng được thức tỉnh. Họ chăm chỉ lao động, sản xuất và làm ra các sản phẩm có giá trị cao về nghệ thuật. Lê Văn Hà (quê ở Ninh Bình), Hoàng Văn Hào (quê ở Thanh Hóa), Trương Công Thành (quê ở Hòa Bình), Trần Văn Nam (quê ở Nghệ An)… là những phạm nhân có bàn tay tài hoa. Họ tỉ mỉ, cẩn thận tỉa tót những sản phẩm như muốn gạt bỏ tội lỗi, chờ ngày hoàn lương, trở về sống có ích cho xã hội.
 
Hà tâm sự: “Tôi nghĩ phải cống hiến một cái gì đó để ngày được hoàn lương, ít ra mình cũng để lại sự tri ân cho Trại vì đã giúp mình làm lại cuộc đời”. Đặc biệt, với những can phạm nhân mắc bệnh HIV giai đoạn cuối, một số đối tượng bộc lộ tính cách ương ngạnh, bất cần đời, thậm chí có đối tượng dọa chích máu của mình để tấn công cán bộ. Không vì thế mà tránh xa, tranh thủ lúc đối tượng ốm đau, các y, bác sĩ, cán bộ quản giáo đã đến động viên, chăm sóc, giúp họ ổn định tư tưởng, bệnh tình thuyên giảm. Từ đó, họ cởi mở, chấp hành tốt nội quy nơi giam giữ.
 
Từ một môi trường giam giữ lành mạnh, hướng thiện, là cầu nối phối kết hợp giữa Trại Tạm giam với các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như người thân các can phạm nhân, nhiều phạm nhân khi được hoàn lương trở về đã gửi thư cảm ơn, hoặc đến tặng lẵng hoa tươi chúc mừng nhằm tri ân Ban Giám thị Trại, nơi đã sinh ra mình lần thứ hai trong đời. Đó là kết quả thể hiện tình người và tính nhân văn sâu sắc trong việc thực hiện “Dân vận khéo” của CBCS Trại Tạm giam Công an tỉnh trong những năm gần đây mà chúng tôi ghi nhận được.
 
.

Hữu Trọng