Đã thành một thói quen, hàng năm cứ đến dịp lễ, Tết trong khi các chị em khác được quây quần bên gia đình vui chơi, mua sắm thì các nữ y, bác sỹ Trại tạm giam Công an tỉnh vẫn tất bật với những công việc thường nhật của mình.
Đó là khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các can phạm nhân đau ốm, túc trực, chuyển các bệnh nhân nặng lên tuyến trên… Không chỉ trong giờ làm việc hành chính mà ở đây luôn phải có các y, bác sỹ túc trực 24/24 giờ.
Với đặc thù công việc như vậy nên dù trong ngày lễ đặc biệt dành cho mình các chị cũng không hề than phiền, hay đòi hỏi điều gì, trái lại lương tâm của một người thầy thuốc khiến các chị càng tận tâm và có trách nhiệm với nghề.
Nữ y tá kiểm tra sức khỏe cho con phạm nhân
Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh có 8 cán bộ, 1 bác sỹ, 7 y tá, điều dưỡng viên, dược sỹ, trong đó có hơn nửa cán bộ là nữ. Có những chị đã gắn bó với nơi đây hơn 30 năm, nay sắp sửa nghỉ hưu; cũng có những nữ y tá trẻ mới vào nghề đầy năng động, xông xáo. Các chị đều đã có gia đình với những mối lo toan thường nhật, nhất là khi con trẻ đêm hôm đau ốm nhưng tất cả đều xác định trong hoàn cảnh nào cũng không quên nhiệm vụ.
Thiếu úy Hà Thị Hoa cho biết: “Nhiều đêm đang trực, ở nhà báo tin con sốt, lòng cứ như lửa đốt, thương con lắm nhưng đang trong giờ làm việc nên cũng không thể về ngay với con được, đành nhờ cả vào ông bà và chồng”.
Trại tạm giam hiện đang giam giữ hơn 100 can phạm nhân, trong đó có không ít đối tượng nguy hiểm từng gây ra những vụ trọng án. Không những thế, trong số các can phạm nhân đang thụ án, giam giữ ở đây có một số lượng lớn trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS và mắc các bệnh xã hội nên công việc của các cán bộ y tế vô cùng vất vả.
Những phạm nhân bị bệnh thật thì rất hợp tác với cán bộ y tế vì họ đang cần sự chăm sóc, khám chữa nhưng có không ít trường hợp giả vờ ốm, bệnh tật hoặc tự tìm cách gây thương tích để trốn lao động, cải tạo khiến các y, bác sỹ vô cùng đau đầu.
Thậm chí có trường hợp phạm nhân ốm nhưng khi bác sỹ vào kiểm tra sức khỏe thì tỏ ra chống đối, không hợp tác. Đấy là chưa kể có những chuyện ái ngại, bất tiện khi nữ cán bộ y tế khám chữa bệnh cho các phạm nhân nam.
Với ước mơ trở thành một y tá được chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân, sau khi tốt nghiệp ra trường, thiếu úy Hà Thị Hoa được về làm y tá trong Bệnh xá Trại tạm giam.
Công tác trong môi trường đặc biệt, khi mới về nhận nhiệm vụ, chị không tránh khỏi những lo lắng. “Làm việc trong ngành y là ước mơ lớn nhưng tôi không nghĩ bệnh nhân của mình lại là các phạm nhân nên khi mới đảm nhận công việc tôi rất lo sợ, không biết mình sẽ phải làm thế nào khi đối mặt với họ”.
Mới đó mà cũng đã 6 năm trôi qua, giờ thì chị đã thực sự gắn bó và có trách nhiệm với công việc này. Lương tâm của một cán bộ y tế khiến chị càng thêm yêu nghề, yêu ngành và cảm thấy tự hào là người chiến sỹ mang hai màu áo.
Vừa là bác sỹ khám chữa bệnh, các y, bác sỹ ở đây còn đảm nhiệm thêm vai trò của bác sỹ tâm lý động viên, chia sẻ với các bệnh nhân, giúp họ thêm lạc quan, yên tâm lao động cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, xã hội. Trung tá Ngô Thị Hoan, với thâm niên hơn 30 năm trong nghề, đối với chị những lần phạm nhân sinh nở là nhiều kỷ niệm nhất.
Chị không nhớ nổi mình đã đưa bao nhiêu phạm nhân đến bệnh viện sinh nở nữa, chỉ biết rằng giây phút những đứa trẻ chào đời thật thiêng liêng nhưng cũng đầy chua xót. Những đứa trẻ vốn không có tội nhưng vì tội ác người mẹ gây ra mà phải chịu cảnh thiệt thòi ngay từ khi mới lọt lòng.
Những đứa trẻ được yêu thương, nuôi dưỡng và chăm sóc đầy đủ chính là những điều mà các y, bác sỹ có thể mang lại cho chúng, cũng bởi thế mà họ được bố mẹ chúng nhờ đặt tên. Những cái tên đầy nhân văn, gửi gắm cho một tương lai sáng lạn đã được ra đời như thế.
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, một bệnh nhân nam chạy vào rụt rè đưa lọ hoa nhỏ nhiều màu sắc làm bằng xốp cho các bác sỹ: “Em có món quà tặng cán bộ ngày 8/3 ạ!”. Vừa vui mừng đón nhận món quà, thiếu úy Hà vừa quay sang nói với chúng tôi: “8/3 năm nào chúng tôi cũng nhận được những món quà đặc biệt như thế này”.
Huyền Thương
.