Quỳ Châu là một huyện vùng núi cao có địa hình đồi núi phức tạp, dân cư sống rải rác ở 12 xã, thị trấn nên công tác gìn giữ ANTT cũng như truy quét các đối tượng truy nã trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở các địa phương trải rộng theo vị trí địa lý nên công tác truy quét tội phạm truy nã không phải là chuyện đơn giản.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng địa bàn núi non hiểm trở để tìm nơi trú ẩn, không chịu hợp tác với cơ quan chức năng. Thậm chí, có những đối tượng sau khi có lệnh truy nã đã sống chui lủi trong rừng một thời gian dài khiến cho công tác truy bắt gặp không ít nguy hiểm. Nhiều đối tượng còn ẩn dật tại các “đại bản doanh” trong rừng sâu của lâm tặc, khai thác vàng thổ phỉ, núi non hiểm trở để sẵn sàng chống trả lại lực lượng công an.
Theo số liệu khảo sát tính đến đầu tháng 12/2012, có 10 đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện Quỳ Châu đang có lệnh truy nã. Đây là những đối tượng sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa bàn và cắt liên lạc với gia đình, người thân nên công tác xác định vị trí đối tượng đang lẩn trốn tốn rất nhiều thời gian, công sức mới lần ra dấu vết.
Lực lượng Công an Quỳ Châu bàn kế hoạch truy bắt đối tượng truy nã
Nhiều đối tượng sau khi gây án thường trốn vào các tỉnh phía Nam để “ẩn danh”, liên tục thay đổi địa chỉ, nơi ở khiến việc kêu gọi và vận động đối tượng ra đầu thú không phải một sớm một chiều mà làm ngay được.
Trước tình hình như vậy, thời gian qua, lãnh đạo Công an huyện Quỳ Châu đã giao cho lực lượng cảnh sát hình sự tập hợp số liệu, khoanh vùng và lên danh sách các đối tượng lẩn trốn để xác minh làm rõ tung tích từng đối tượng. Bằng việc tuyên truyền khôn khéo, mềm dẻo kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, nhiều đối tượng sau khi lẩn trốn trong một thời gian dài đã tự đến cơ quan công an đầu thú sau khi thấy được hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều đối tượng truy nã sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt. Nhiều đối tượng sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa phương một thời gian dài rồi lén lút trở về liên lạc với gia đình đến khi lực lượng công an xuống kêu gọi đầu thú vẫn ngoan cố chống trả.
Điển hình như vụ vây bắt đối tượng Vi Văn Thương (SN 1986) ở bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh can tội trộm tài sản rồi bỏ trốn khỏi địa bàn từ tháng 1/2012. Đến trung tuần tháng 6/2012, nhận được tin báo, đối tượng Vi Văn Thương đã trở về gia đình.
Lãnh đạo Công an huyện Quỳ Châu cử lực lượng xuống vây bắt thì hắn đã bơi nhanh qua sông để cố tình tẩu thoát. Hay như việc hồi đầu tháng 12/2012, tên Hà Tuấn Anh trú tại bản Thanh Tân, xã Châu Nga phạm tội “Cố ý gây thương tích” bỏ trốn khỏi địa phương 4 năm sau đó trở về quê rồi lẩn trốn lên huyện biên giới Quế Phong.
Khi lực lượng công an mật phục theo dõi nhiều ngày liền, hắn vẫn cố thủ trong rừng sâu. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã nhanh chóng tóm gọn Hà Tuấn Anh khi hắn chưa kịp trở tay…
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn, công tác truy bắt các loại tội phạm của Công an huyện Quỳ Châu đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhờ làm tốt công tác bám dân, bám địa bàn, công tác vận động, kêu gọi đối tượng truy nã ra đầu thú của Công an Quỳ Châu đã góp phần gìn giữ bình yên ở huyện miền núi này.
Ngọc Thái
.